Thông báo của nhiều trường cho thấy vẫn còn nhiều cơ hội vào đại học cho thí sinh khi chỉ tiêu xét tuyển bổ sung bằng cả hình thức xét học bạ và xét điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia 2019 của các trường khá lớn.
Theo đó, nhiều ngành ở Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh dù chỉ tiêu tuyển sinh khá ít nhưng vẫn chưa tuyển đủ như ngành Địa chất học (89 chỉ tiêu), Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững (44 chỉ tiêu), Quản lý tài nguyên khoáng sản (44 chỉ tiêu)…
Do vậy, Trường tiếp tục tuyển bổ sung gần 800 chỉ tiêu cho 13 ngành học bằng hình thức xét kết quả điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia, chiếm khoảng một nửa so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường bằng phương thức xét kết quả thi năm nay.
Trong đó, ngành cần tuyển nhiều nhất là Công nghệ kỹ thuật môi trường với 180 chỉ tiêu, Kỹ thuật tài nguyên nước tuyển 90 chỉ tiêu, Địa chất học tuyển 80 chỉ tiêu, Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tuyển 40 chỉ tiêu, Quản lý tài nguyên khoáng sản tuyển 45 chỉ tiêu... Ngoài ra, trường cũng tiếp tục xét tuyển bằng hình thức xét học bạ ở 13 ngành với gần 120 chỉ tiêu.
Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng nhập học đạt 89% trong tổng số 3.500 chỉ tiêu tuyển sinh. Mặc dù trước đó trường gọi thí sinh nhập học tùy theo ngành, dao động trong khoảng từ 103 - 120% chỉ tiêu (trung bình gần 110% chỉ tiêu) nhưng đến nay nhiều ngành vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.
Trong đó, các ngành khối kỹ thuật có tỷ lệ nhập học thấp hơn khối kinh tế. Cụ thể, các ngành như Công nghệ thực phẩm, Quản trị kinh doanh, Quản trị du lịch và lữ hành đạt gần 90% chỉ tiêu. Ngược lại, các ngành nhóm Thủy sản, Môi trường có tỷ lệ nhập học thấp, chỉ đạt gần 30% chỉ tiêu. Do vậy, Trường tuyển bổ sung 400 chỉ tiêu cho 11 ngành học bằng cả phương thức xét học bạ và xét điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia 2019.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông (Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh) cho biết: Các ngành nhóm Thủy sản, Môi trường hàng năm đều có tỷ lệ nhập học thấp.
Thực tế, những năm gần đây các ngành kinh tế có nhu cầu nhân lực cao hơn nên khối ngành này được nhiều thí sinh chọn lựa. Còn các ngành ít thí sinh nhập học cũng nằm trong tình trạng chung ở nhiều trường là do nhu cầu tuyển dụng (sau khi tốt nghiệp đại học) thấp.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, các ngành này đưa ra mức tuyển sinh khá thấp nhưng vẫn không tuyển đủ sinh viên. Mặt khác, nhiều thí sinh khi đăng ký ngành nghề chưa tìm hiểu kỹ nên dù trúng tuyển vẫn không nhập học.
Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh cũng vừa thông báo tuyển sinh bổ sung đợt một theo phương thức xét tuyển kết quả thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019. Cụ thể, trường sẽ tuyển bổ sung 350 chỉ tiêu cho tám ngành học.
Theo đó, thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa ba nguyện vọng, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp và thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Điểm nhận hồ sơ của thí sinh đạt từ 15 - 16 điểm trỏe lên, tùy theo từng ngành; thí sinh nộp hồ sơ trong ngày 26 và 27/8, đến ngày 29/8 trường sẽ công bố kết quả xét tuyển.
Cùng với một số trường công lập, phần lớn các trường đại học ngoài công lập đều xét tuyển bổ sung với khá nhiều chỉ tiêu. Cụ thể, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tuyển bổ sung các ngành đào tạo bằng cả hình thức xét kết quả thi Trung học phổ thông Quốc gia và xét học bạ.
Trường Đại học Hoa Sen xét tuyển bổ sung theo kết quả thi Trung học phổ thông Quốc gia với gần 400 chỉ tiêu cho các ngành đào tạo; Trường Đại học Hùng Vương tuyển bổ sung hơn 200 chỉ tiêu...