Dư luận đặt vấn đề
Theo thông tin từ Công an quận Hà Đông (Hà Nội), khi làm việc với các cơ quan chức năng tại trụ sở, lái xe Hà Thanh Hưng (sinh năm 1977, nguyên quán Yên Bái, tạm trú tại phường La Khê, quận Hà Đông) điều khiển xe ô tô Santa Fe gây tai nạn liên hoàn, khiến nhiều người thương vong ở đường Ngô Thì Nhậm, đã khai nhận có tiền sử bị bệnh động kinh nặng, mỗi khi lên cơn gần như trí nhớ không còn. Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, lái xe Hưng không biết đã gây ra chuyện gì...
Kết quả kiểm tra của công an cho thấy, lái xe Hưng không có nồng độ cồn, âm tính với chất ma túy trong cơ thể. Cơ quan chức năng tiếp nhận vụ việc, củng cố hồ sơ ban đầu và bàn giao cho Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng xử lý theo quy định.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 20 giờ 15 phút ngày 28/7, tại đường Ngô Thì Nhậm, camera ghi lại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, sau va chạm xe ô tô BKS: 29E - 022.83 bị đẩy lùi lại phía sau và va chạm tiếp vào xe ô tô BKS: 30V - 5044, còn xe ô tô BKS: 30E - 455.34 bị mất lái tiếp tục di chuyển thẳng, nhanh về phía trước hướng đường Quang Trung đến gần ngã tư giao cắt giữa đường Ngô Thì Nhậm với đường Quang Trung tiếp tục va chạm liên hoàn với 5 xe mô tô...
Dư luận xã hội sau vụ tai nạn đặt vấn đề: Nếu bị động kinh, nhưng Giấy khám sức khỏe không có thông tin thì sẽ có 2 vấn đề xảy ra: Cố tình lừa đảo cơ quan chức năng (biết mình bị động kinh, nhưng vẫn cố tình học và lấy giấy phép lái xe - GPLX) và xã hội (thực hiện hành vi lái xe) hoặc cơ sở Y tế cố tình làm trái (cấp giấy khám sức khỏe không đúng), nên cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là nạn nhân.
Trước đó vào đầu tháng 7/2022, trong buổi sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Phòng CSGT Hà Nội thông tin, đơn vị này đã tham mưu Công an TP Hà Nội trao đổi, kiến nghị Sở GTVT Hà Nội không cấp GPLX cho các trường hợp bị tâm thần. Cá biệt nếu có trường hợp nào đã cấp sẽ phải thu hồi... Thực tế này cho thấy những “lỗ hổng” đáng báo động trong công tác quản lý, kiểm tra sức khỏe lái xe trước khi sát hạch cấp phép của các đơn vị liên quan.
Căn cứ Số thứ tự II Phụ lục 1 Bảng Tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT) có quy định, người có một trong các tình trạng bệnh, tật sau thì không đủ điều kiện lái xe hạng B1: Động kinh còn cơn trong vòng 24 tháng gần nhất (không/có dùng thuốc điều trị); liệt vận động từ hai chi trở lên - hội chứng ngoại tháp - rối loạn cảm giác sâu; chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý. Như vậy, theo quy định hiện hành, trường hợp bị bệnh động kinh còn cơn trong vòng 24 tháng sẽ không đủ điều kiện lái xe hạng B1...
Siết chặt
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người muốn cấp GPLX đòi hỏi cao về vấn đề sức khoẻ như mắt, tai, xương khớp, tim mạch và đặc biệt về vấn đề tâm thần, thần kinh. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT là do ý thức đạo đức, lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích, vi phạm tốc độ... Nhưng quan ngại nhất là tình trạng quản lý, cấp, thu hồi GPLX hiện nay còn nhiều bất cập, nhiều người bị mắc bệnh tâm thần và tiền sử bị bệnh tâm thần vẫn được cấp GPLX.
Rà soát của lực lượng công an cho biết, đến tháng 12/2021 có đến 2.759 người mắc bệnh tâm thần và tiền sử bệnh tâm thần được cấp 2.845 GPLX các hạng. Thông tin này đã gây hoang mang cho dư luận, khi quy định pháp luật không cho người bị mắc bệnh tâm thần điều khiển phương tiện.
Qua tìm hiểu, không ít trung tâm đào tạo, sát hạch GPLX hiện nay thực hiện nghiêm Thông tư liên tịch số 24/2015 quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ thi cấp GPLX, quy định người mắc bệnh chóng mặt do bệnh lý cũng không đủ điều kiện cấp GPLX. Riêng đối với người hành nghề kinh doanh vận tải, theo quy định phải khám định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo đủ điều kiện sức khoẻ lái xe...
Bộ Y tế vừa có công văn 2826/BYT-KCB gửi Cục Y tế, Bộ Công an, Cục Y tế GTVT, Sở Y tế các địa phương đề nghị tăng cường kiểm tra hoạt động khám sức khỏe (KSK) đối với người lái xe thuộc thẩm quyền quản lý, nhằm ngăn chặn và hạn chế việc cấp giấy KSK giả, cấp khống giấy KSK.
Để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Y tế trong lĩnh vực KSK, trong những năm qua, Bộ Y tế đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành nhiều Thông tư quy định, hướng dẫn về hoạt động KSK của nhiều ngành nghề, nhiều nhóm đối tượng như: KSK đi làm, đi học, lái xe, lái tàu, phi công, thuyền viên, khám tuyển nghĩa vụ quân sự.
Để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động KSK theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở thực hiện KSK thuộc ngành quản lý; nghiêm túc thực hiện các quy định về khám và cấp giấy KSK; chấn chỉnh, xử lý theo các mức độ đối với các thiếu sót, tồn tại phát hiện trong quá trình thanh, kiểm tra.
Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan, tổ chức, khi tiếp nhận hồ sơ có giấy KSK, nếu có nghi ngờ cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời xử lý, nhằm ngăn chặn và hạn chế việc cấp giấy KSK giả, cấp khống giấy KSK; đồng thời, tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất với các cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe đối với người lái xe. Cơ sở phối hợp với Tổng cục đường bộ Việt Nam, Sở GTVT, chính quyền địa phương, Công an trong các hoạt động liên quan đến công tác khám và cấp giấy KSK người lái xe...
Bệnh động kinh có thể gây nguy hiểm cho cả bệnh nhân và những người xung quanh, đôi khi đe dọa đến tính mạng. Bệnh động kinh là bệnh lý của não ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người trên khắp thế giới theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới. Các triệu chứng của động kinh như co giật, cơn vắng ý thức đột ngột, co cứng chân tay... có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong một số trường hợp, nếu không được kiểm soát tốt, bệnh động kinh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Một cơn động kinh gây mất nhận thức hoặc mất kiểm soát có thể dẫn đến tai nạn nếu bệnh nhân đang lái xe hoặc vận hành các loại máy móc lớn. Nhiều nước đã đưa ra giới hạn trong việc cấp GPLX cho bệnh nhân động kinh. Ở Việt Nam, người bị động kinh sẽ không được cấp GPLX một số hạng xe nhất định.