Đêm đã khuya lắm nhưng bà Thao trằn trọc mãi vẫn chưa ngủ được. Phần vì bệnh nhức mỏi xương khớp của tuổi già, phần vì nghĩ đến lời nói của ông Toàn lúc sáng:
- Bà cố lựa lời nói với con sớm nhé, tôi nghĩ nó sẽ hiểu và chấp nhận thôi. Nó đã trưởng thành, đã có gia đình riêng, đâu thể cứ ích kỉ để mặc bà sớm tối thui thủi một mình được.
- Thôi ông à, ông mà nói thì không ổn đâu, nó sẽ giận tôi lắm. Để từ từ tôi nói chuyện với con. Nhưng nếu nó mà không đồng ý thì tôi cũng chả có cách nào, chúng ta chỉ còn biết làm bạn già của nhau thôi. Tính cái Thảo bà lạ gì.
Bố nó bỏ nó khi nó còn ẵm ngửa trên tay. Thương con, căm hận người đàn ông bội bạc, bà dành hết tình thương cho con, không nghĩ đến hạnh phúc riêng.
Thảo lớn lên trong tình thương đủ đầy của mẹ, nó không muốn bất kì người đàn ông nào đến gần mẹ mình, nó sợ rồi mẹ nó cũng sẽ theo một người đàn ông nào đó rồi bỏ nó. Mẹ là của nó, và chỉ của riêng nó mà thôi.
Có lần đi học về, Thảo bước vào nhà và nhìn thấy một người đàn ông ôm mẹ mình, nó sững sờ, căm phẫn rồi khóc nức lên, lao ra ngoài, bỏ lại tiếng gọi thất thanh và sự hoảng sợ của bà ở phía sau.
Năm đó, Thảo 16 tuổi. Đó cũng là người đàn ông bà thật sự yêu thương sau bao năm bị phản bội, người bà muốn cùng chia sẻ, muốn được dựa vào sau những tháng ngày mệt mỏi, cô đơn. Thế nhưng, vì con gái, bà đã nhẫn tâm nói lời chia tay trong sự buồn bã, đau khổ của người ấy và của chính bà.
Năm tháng trôi qua, bà đã bằng lòng với cái hạnh phúc bình dị nuôi con khôn lớn, làm bạn của con, chia sẻ với con mọi điều trong cuộc sống, hồi hộp nhìn con đi đến buổi hẹn hò đầu tiên như chính mình ngày xưa mới bước vào yêu, rồi khóc cười hạnh phúc khi con chính thức theo người ta về làm dâu, mỉm cười sung sướng khi đứa cháu bi bô hai tiếng “bà ngoại”. Nhưng giờ đây, khi tuổi già ập đến, khi chỉ còn lại một mình trong căn nhà lạnh lẽo, bà mới thật sự thấy sợ cô đơn.
Gặp ông Toàn, cán bộ hưu trí cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ dưỡng sinh buổi sáng cách đây vài tháng, bà tìm thấy ở ông sự đồng cảm sâu sắc. Vợ ông mất sớm, ông một mình chịu cảnh gà trống nuôi con.
Đến nay, thằng con trai đã lấy vợ mãi bên trời Âu, còn đứa con gái đi lấy chồng xa, thành thử ông chả có ai bầu bạn, chia sẻ.
Về phần con ông Toàn thì không có gì, chúng còn khuyến khích bố tìm bạn. Nhưng còn Thảo, bà Thao không biết phải nói thế nào với con.
Hôm nay là chủ nhật, vợ chồng cái Thảo đưa con về chơi. Nhìn thằng cháu ngoại bi bô đòi bà dẫn đi công viên gần nhà chơi, nô cười giòn tan mà bà thấy vui quá.
Hạnh phúc này, bình dị nhưng đủ đầy. Có lẽ bà không nên vì niềm vui riêng của mình mà khiến cuộc sống của con cái bị đảo lộn.
Chuyện với ông Toàn, có lẽ cứ để như bây giờ thì hơn, bà chợt nghĩ. Hai bà cháu đi chơi về thì đã thấy Thảo chuẩn bị xong bữa tối với những món mà bà và cu Bi thích. Chồng nó cũng lăng xăng phụ vợ, vẻ mặt hai đứa có cái gì đó vui hơn bình thường.
Bà chưa kịp hỏi hôm nay là ngày gì thì có tiếng chuông cửa. Thảo bảo mẹ cứ ngồi vào bàn để con mở cửa cho. Khi con gái vào, bà không tin vào mắt mình, ông Toàn đi sau với nụ cười rạng rỡ và bó hoa tươi thắm trong tay.
“Chúc mừng sinh nhật bà”, ông nhìn bà đầy trìu mến rồi quay sang vợ chồng Thảo: “Cảm ơn các cháu đã cho bác được tham gia vào bữa tiệc đặc biệt hôm nay”.
Thảo ôm mẹ nũng nịu như ngày còn bé: “Mẹ, con xin lỗi mẹ. Bao năm qua mẹ đã hi sinh vì con mà con thì quá ích kỉ. Nếu bác Toàn không nói cho con hiểu thì có lẽ con sẽ mang tội với mẹ suốt đời. Hóa ra bác Toàn là bố cái Trang, bạn thân cùng lớp đại học với con đấy. Không ngờ, giờ con với nó lại có chung bố mẹ, thích thật”.
Thảo quay sang ông Toàn nháy mắt: “Bác Toàn, cháu giao mẹ cháu cho bác nhé, bác phải chăm sóc và không được làm mẹ cháu buồn đâu đấy”.
Quá bất ngờ, bà Thao chẳng nói được nên lời. Những giọt nước mắt hạnh phúc cứ lăn trên má bà. Vậy là con gái bà đã thực sự trưởng thành rồi, và bà đã tìm thấy hạnh phúc cuối của cuộc đời mình.
Theo TGPN