Ông lão chăn dê

Bên lề thành phố cảng sầm uất là một huyện đảo nằm riêng biệt với gần hai tiếng đồng hồ đi phà. Chạy dọc con đường ven biển là những dãy núi đá vôi bạc trắng một màu mưa nắng. Chân núi được bao phủ bởi màu xanh trù phú của vườn quốc gia. Khách du lịch kéo về đây ùn ùn để tắm biển vào những kỳ nghỉ trong năm. Khi đi đến đèo Thác Đổ khách dừng lại chụp ảnh rồi rửa mặt bằng nguồn nước mát lành từ khe núi. Đứng ở đây sẽ nhìn thấy túp lều của ông lão chăn dê phất phơ. Tiếng dê kêu be be lẫn trong tiếng gió biển thổi vào vách núi. Dê leo trên vách núi gặm những cụm cỏ non, thỉnh thoảng ngó sang ông lão đội nón lá, tay cầm ống tiêu, mắt ngó mông lung. Vài ống kính giơ lên bấm hình nhưng trong khoảng cách ấy người ta không nhìn thấy đôi mắt giăng giăng sương phủ của ông.

Qua đèo Thác Đổ gặp một ngã ba. Bảng chỉ dẫn bị mờ, mưa nắng làm hoen rỉ lớp sơn nên dân phượt thường phải loay hoay tìm đường. Đã nhiều năm nay ông lão chăn dê trở thành người chỉ đường bằng một cái khoát tay phóng khoáng. Có điều lạ là giữa ngã ba có một tấm biển gỗ nhỏ vạch mũi tên bằng màu sơn trắng chỉ đường lên núi. Thường thì chẳng mấy ai bỏ lại xe để leo núi ngoài mấy thanh niên có tính tò mò ưa khám phá. Trên núi vốn chẳng có gì ngoài túp lều của ông lão và một góc vườn trồng đầy hoa dại mọc sau lều. Thời gian này hoa đang kỳ ủ nụ chỉ chờ nắng xuân ấm áp là nở bung từng cánh mỏng đủ để mê hoặc lòng người. Khách thắc mắc về tấm biển, ông lão cười bảo nó chỉ dành cho một người và cũng chỉ có người ấy mới biết biển chỉ đường đến đâu. Khách nhún vai tỏ vẻ thông cảm cho ông lão lẩm cẩm và cũng mơ hồ nhận thấy sự bí ẩn thú vị được cất giấu trong đôi mắt mờ sương ấy.

Minh họa: Trần Thắng



Chạy dọc đường vách núi ven bờ biển không có người ở. Phải xuôi một quãng đường dài nữa mới thấy thưa thớt những mái nhà dân bản địa. Khi vào mua vé thăm vườn quốc gia khách nán lại hỏi chuyện về ông lão chăn dê. Chị ở ban quản lý vừa cắm cúi ghi chép gì đó vào sổ vừa trả lời khách:

- Ông lão ở đó chờ người vợ bị thất lạc. Đã nhiều lần địa phương nói sẽ cắt đất và giúp ông dựng nhà trong khu dân cư để ổn định đời sống nhưng ông ấy cứ nhất quyết ở lại đó với đàn dê. Mùa xuân còn đỡ chứ ngày đông giá lạnh gió biển thổi vào cực lắm. Căn lều phập phà phập phành ấy năm nào cũng dựng lại vài lần trước sức gió thổi suốt ngày đêm.

Chị quản lý nhún vai thổi phù phù cho mực bút xóa khô rồi ghi đè lên một vài con số. Khách dường như vẫn chưa thỏa mãn trí tò mò nên còn nấn ná muốn hỏi thêm. Chị bỗng ngẩng lên như hiểu khách đang chờ đợi điều gì nên thở dài bảo:

- Ông lão không đi tìm vì ông tin nhất định người vợ sẽ trở về. Sự chờ đợi ấy kéo dài gần bốn mươi năm.

Khách không hỏi nữa lặng lẽ đi sâu vào đường rừng hun hút. Nhưng dường như khách vẫn không thoát khỏi ý nghĩ về ông lão chăn dê nên chẳng thăm thú được gì. Khách tự nhủ khi trở về nhất định sẽ lên núi trò chuyện cùng ông. Đất trời rộng mênh mông thế này lạc một con người phải cất công đi tìm mãi còn có khi không thấy, huống chi là cứ ngồi đó ngóng trông. Mà chắc gì đã là đi lạc, có khi vợ ông vì quá chán cái xứ hẻo lánh toàn gió biển này nên đã bỏ đi. Người đã quyết bước chân đi thì chắc gì còn nghĩ đến chuyện trở về. Gần bốn mươi năm biết còn hay mất? Cuộc đời thăng trầm với bao nhiêu biến động lòng người cũng vì thế mà đổi thay nhiều. Ấy vậy mà có người dành cả cuộc đời mình chỉ để ngóng trông. Chẳng khác nào kẻ cả đời buông câu dưới lòng hồ không tăm cá.

*
*      *

Khi khách quay trở lại gần ngã ba đường đã thấy trước mắt mình một đốm trắng nhỏ nhoi chênh vênh trên núi. Đó là lưng áo đã sờn màu mưa nắng của ông lão chăn dê. Tấm lưng gù xuống trước từng cơn gió biển thổi vào. Khách thấy lạ là từng ấy tháng năm ngồi nhìn xuống con đường dài phía dưới để chờ đợi một bóng hình mà dáng ông chưa tạc vào đá núi. Mà thực ra thì những ngọn núi nơi này đều mang dáng dấp của những kẻ ngóng trông. Người ngóng người, núi như cũng đang ngóng cố nhân. Đàn dê đang lững thững đứng dưới vệ đường ngửa cổ lên thác nước, thấy người dừng lại chúng kêu be be rồi leo nhanh lên núi. Ông cụ dường như nhận ra người quen cũ nên khoát tay chào. Vẫn là cái khoát tay phóng khoáng dành cho bất cứ người khách nào đặt chân tới nơi đây. Người quen cũ? Khách bật cười và nghĩ không biết ông có nhớ mặt hết những người quen cũ hay không. Nhớ chứ, sao lại không. Ông lão cười móm mém, tay run run cuộn thuốc lá hút cho đỡ lạnh.

Thời tiết giao mùa vẫn còn vướng víu hơi lạnh của ngày đông tàn, mùa xuân dường như bẽn lẽn ngập ngừng trước cửa ngõ thời gian nên còn hiếm hoi nắng ấm. Khách nhìn vườn hoa sau lều ái ngại. Ông lão bảo không lo, năm nào cũng vậy cứ cận Tết là có nắng. Mà dường như nắng về xứ này chỉ để cởi bỏ lớp áo ngoài lộn yếm xanh yếm đỏ cho hoa. Đến khi hoa tàn, màu nắng cũngvì thế mà buồn đi trông thấy. Khách không quan tâm đến hoa nhiều bằng câu chuyện về người vợ mất tích của ông. Ông nhả khói thuốc, khoát tay bảo có gì đâu chỉ là bà ấy đi lạc rồi sẽ có lúc về. Khách muốn hỏi lúc về là lúc nào nhưng nhìn mắt ông giăng giăng khói thuốc, buồn quá nên không hỏi nữa. Suy cho cùng ở đời có trăm ngàn sự đợi chờ vô lý mà bền bỉ.

- Sắp đến giờ phà cập bến rồi đấy. Cứ cách một tiếng lại có một chuyến phà. Một ngày có mười chuyến cả thảy. Mỗi chuyến chở cả trăm con người, mà ai cũng đều đi qua con đường này. Gần bốn mươi năm qua lão không bỏ sót khuôn mặt nào hết cả.

- Nếu bà ấy có trở về thì chắc gì ông đã nhận ra. Bốn mươi năm đường nét trên khuôn mặt mỗi người đều thay đổi quá nhiều.

- Sao lại không. Cũng vẫn là môi mắt tôi từng hôn lên đó. Mấy chục năm qua tôi vẫn hôn lên đó mỗi ngày. Giả dụ nếu bà ấy có đi qua nhanh tôi vẫn nhận ra đằng sau gáy. Kỳ lạ lắm anh bạn trẻ ơi, anh có thể nhận ra gáy người thương giữa trăm ngàn cô gái khác. Sao? Anh không tin ư? Vậy thì tôi cuộc rằng anh chưa hề yêu ai tha thiết.

Khách cúi mặt, cảm thấy hổ thẹn vì khách vốn phong lưu. Khách luôn nghĩ trần gian là cõi tạm thì tội gì phải nhớ thương đắm đuối vì nhau. Rong ruổi khắp các nẻo đường nay đây mai đó, cứ hễ đeo đẳng cái gì là nặng vai cái đó nên chẳng dại gì đeo đẳng giai nhân. Ông lão hút hết điếu thuốc thì quay ra bảo khách:

- Đoàn người sắp sửa đến rồi đó anh bạn.

- Phà cũng có lúc chậm, vì có khi họ phải chờ khách đông mới đủ chuyến ông ạ.

- Đấy là anh tưởng vậy thôi chứ tôi ở đây bao năm nay chưa bao giờ thấy phà chậm trễ. Khách lên phà rồi đi xe chừng ba mươi phút sẽ đến đây. Họ sẽ dừng lại thác nước dưới kia rửa mặt. Nếu vợ tôi trở về thì chắc chắn bà ấy sẽ nhận ra tôi rất nhanh thôi.

- Ông ơi, tại sao bà lại bỏ đi?

Ông lão tránh ánh nhìn của khách rồi im lặng hồi lâu. Dường như đó là tầng ký ức ông vùi sâu giấu kín bấy lâu giờ bỗng nhiên có một người lạ từ đâu đến đào xới nó lên. Ông lão cuốn một điếu thuốc mới rồi châm lửa hút. Khói thuốc quện vào gió biển.

- Hồi ấy cũng vào những ngày cận Tết thế này, nắng bỗng nhiên đẹp lắm. Bà ấy mới ốm dậy nhưng cứ đòi qua phà vào phố mua sắm ít đồ. Tôi đòi đưa đi nhưng bà ấy không chịu. Tôi ra bến chờ đến tối muộn, nhà phà đã đóng cửa từ lâu mà vẫn không thấy vợ về. Cứ nghĩ hàng hóa Tết chắc phải phong phú lắm, mà đàn bà thì ham mê mua sắm có khi quên cả giờ phà nên chắc đành ở lại phố một đêm. Nhiều ngày sau tôi ra bến phà chờ mãi nhưng không thấy nên vẫn đợi mong đến bây giờ.

Đứng từ trên cao khách nhìn thấy từ xa những bóng người đầu tiên của chuyến phà cuối cùng lúc năm giờ chiều đang đổ đèo, họ sắp đến gần nơi khách đang ngồi. Ông lão có thể cũng đã nhìn thấy họ nhưng vẫn giữ vẻ điềm nhiên. Nhưng khách thấy lưng ông trũng dần xuống khi từng lượt khách đi qua. Cho đến lúc mặt trời đã sà xuống hôn lên mặt biển thì lưng ông như muốn gẫy gập. Hết phà, khách cũng không thể về thành phố ngay trong đêm được nên tá túc lại trong túp lều của ông lão. Đêm đến gió thổi lạnh thấu xương, thổi lập lòe những điếu thuốc đang dần tàn lụi. Đàn dê ngủ xung quanh lều, thỉnh thoảng có một con trong đàn không biết vì bị con khác dẵm hay vì ngủ mơ mà giật mình kêu ré lên một tiếng. Ông lão vứt mấy bao tải cói lên trốc đàn dê nằm co cụm vào nhau. Nhìn đàn dê khách bỗng nhiên nhớ đến tích Tô Vũ chăn dê. Khi bị giặc Hung nô đày ra Bắc Hải chăn một đàn dê đực, hẹn khi nào dê đẻ thì mới được trở về Hán. Đất Bắc giá lạnh hoang vu, không có người nhưng Tô Vũ vẫn nắm vững ngọn cờ tiết nghĩa của nhà Hán. Ngày chăn dê, tối ngủ hang đá, phải bắt chuột ăn. Thiếu thốn cực khổ trăm đường, chỉ biết làm bạn với cỏ cây, cầm thú suốt 19 năm trời nhưng không hề nản lòng thoái chí. Chuyện của người xưa mà sao đêm nay nằm nơi xứ gió ngẫm lại khách thấy thật gần. Ông lão đã nằm xuống bên cạnh khách nhưng vẫn còn trằn trọc ngó sao trời.

Sáng hôm sau khách dậy sớm từ biệt để lên đường cho kịp chuyến phà đầu tiên. Ông lão nhìn khách xuống núi, dặn với theo:

- Này anh bạn trẻ ơi, bà nhà tôi tóc dài và đen láy. Bà có hai má lúm đồng tiền rất duyên. Trước hôm đi bà ấy bị ngã, đá sắc quá cứa bà ấy một vết dài và sâu ở cạnh mang tai. Tôi còn chưa kịp lên núi hái thuốc đắp vết thương thì bà ấy đã đi nên chắc nó đã thành vết sẹo. Anh hay đi khắp đó đây, nếu có gặp ai giống như tôi tả thì nhớ bảo có ông lão chăn dê nhắn bà trở về nhà, ông ấy vẫn đang đợi cửa.

Khách thấy mắt mình cay chắc không hẳn vì gió biển. Khách đã từng tự hào vì nơi đâu trên đất nước này khách cũng được đặt chân. Nhưng hôm nay chỉ vì lời cậy nhờ của ông lão chăn dê mà khách thấy đất trời rộng quá. Biết đi đâu để gặp được người đàn bà tóc dài đen láy của ông lão bây giờ? Mà chưa biết chừng khi khách vừa rời khỏi nơi này thì một chuyến phà nào đó đã đưa bà ấy trở về. Chỉ có điều tóc bà ấy chắc đã bạc trắng và rụng đi nhiều. Ông lão hẳn sẽ xót xa nhan sắc. Bây giờ là mùa xuân, chính lòng khách cũng thèm được sum vầy…

 Vũ Thị Huyền Trang

Ông Sáu “Rạch Gầm”
Ông Sáu “Rạch Gầm”

Gió mùa này se se lạnh. Nước sông Tiền yên ắng lạ thường. Xa xa là cây cầu dây giăng Rạch Miễu. Trên đó những chiếc xe lớn chỉ còn là những chấm đen nho nhỏ cứ nối nhau qua cầu. Dòng người và xe hối hả ngày đêm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN