Ơ bai

Bài hát đó nằm trong ký ức của Đỗ giống như một kỷ niệm. Những lời hát lặp đi lặp lại vào một buổi tối mùa đông se sắt lạnh Anh đi bằng nhịp điệu 1,2,3,4,5. Em đi bằng nhịp điệu 6,7,8,9,10. Ta đi bằng nhịp điệu không giống nhau. Ta đi bằng nhịp điệu sao khác màu. Hôm đó Cẩm Châu đi lấy chồng.

Không có người đàn ông nào lại không buồn khi người đàn bà mà mình thương yêu hết mực lại bắt đầu một ngày mới với người đàn ông khác. Trước đám cưới một tháng, Cẩm Châu rụt rè gọi điện cho Đỗ: “Em gặp anh một tí, nghe anh”. Hai người vào một quán bên bờ biển.Trưa đầy nắng. Những hàng tra chịu gió, chịu nắng oằn mình bên hàng ghế họ ngồi. Mấy đứa trẻ bán hàng rong không được phép bước vào quán, rụt rè với tay giơ mấy rổ đậu phộng luộc, mấy tờ báo, mấy trái cóc ngâm ra mời chào: “Cô chú mua dùm cháu. Cô chú...”. Cẩm Châu xõa tóc, mái tóc bị gió thổi tung, bay tạt cả vào mặt Đỗ. Vẫn mùi thơm quen thuộc từ mái tóc ấy. Giọng Cẩm Châu nói nhỏ rí, giống như âm thanh của chiếc máy hát đĩa đã vặn ở nấc thấp nhất: “Tháng sau em lấy chồng. Anh nhé”. Biết rằng ngày đó sẽ tới, Cẩm Châu sẽ nói ra điều đó, dẫu dặn rằng mình sẽ cười, sẽ nói với Cẩm Châu rằng anh không ngăn cản em chọn lựa người mình yêu thương đâu. Đỗ biết rằng chồng tương lai của Cẩm Châu – Hiển chắc phải có nhiều ưu điểm lắm cho nên cô mới chọn lựa. Nhưng trái tim của Đỗ cứ nhồi lên nhồi xuống, dường như máu chảy nhanh hơn. Đỗ buồn. “Sao anh không hỏi em lấy ai?”. “Anh hỏi mà được sao?”.

Một người đàn ông ngang tàng, ăn nói không sợ bất cứ ai, coi đàn bà giống như là đám đông lướt qua, không hề để trái tim mình gục ngã, mà cũng có lúc biết đau. Nhưng Cẩm Châu không thể không lấy chồng. Ba Cẩm Châu đang bệnh, ông trông con mình yên bề gia thất để dễ dàng nhắm mắt xuôi tay. Còn Cẩm Châu biết rằng Đỗ chẳng bao giờ lấy cô. “Để cho em lấy chồng anh nhé. May mà có người chịu cưới em. Chứ em thuộc về anh hết rồi, còn gì nữa đâu”.

Đỗ gọi một đứa bé bán đậu phộng: “Ê, bán hết rổ đậu bao nhiêu?”. Thằng bé sáng mắt lên, vì nó không tin là cả rổ đậu phộng của mình có người sẵn sàng mua hết. “Dạ, năm chục ngàn”. Đỗ để rổ đậu trên bàn: “Ăn mừng em lấy chồng”. Cẩm Châu khóc, nước mắt không vội rơi xuống mà đọng lại nơi sống mũi. Chiếc mũi dọc dừa quá đỗi xinh đẹp: “Chẳng thà anh quát tháo, anh la mắng em. Nếu anh không cho em lấy chồng thì em không dám đâu”. Cẩm Châu nói thật. Họ quen nhau ba năm rồi, có thứ gì làm cho Đỗ sợ. Đỗ có thể lật bàn, làm cho đám cưới không thành. Thậm chí Đỗ có thể đặt cả chục lẵng hoa, thuê người đem tới đám cưới để tặng cô dâu. Nói chung là nếu Đỗ muốn cho đám cưới không thành, Đỗ có thể làm được điều đó.

“Tháng sau anh đi Đà Nẵng”. Cẩm Châu đưa tay bóp chặt tay Đỗ: “Em cám ơn anh”. Tại sao phải đi Đà Nẵng, vì nếu ở lại thành phố này, đúng vào giờ đó, khắc đó Cẩm Châu mặc áo cưới voan trắng, cầm bó hoa ly trắng, vòng tay đi cùng Hiển, liệu Đỗ có để lòng bình yên không?

Minh họa: Trần Thắng


Đỗ đưa chiếc dây chuyền dự định tặng sinh nhật Cẩm Châu vào tháng sau: “Coi như là quà cưới. Em đừng bán nó làm ăn đó nghe”. Đỗ nói với gương mặt buồn. Mặt dây chuyền là hình mặt trời tỏa nắng, trên đó là hai chữ C hoa lồng vào nhau. Cẩm Châu lại nói: “Em cám ơn anh”. Đỗ đứng dậy. “Cám ơn để làm gì. Về đi kẻo có người đợi”. Coi như là chia tay, không ôm nhau, không hôn nhau.

Họ đã đầy lòng nhau những giông bão trong tình yêu. Nhưng Đỗ sẽ chẳng bao giờ làm chồng của Cẩm Châu được, mà Cẩm Châu thì cần một đám cưới đàng hoàng. Đơn giản là Đỗ không thể ly hôn được với vợ. Họ đã không sống chung với nhau ba năm nay, nhưng mỗi lần ra tòa là Yến tìm cách vắng mặt. Yến là người đàn bà khôn ngoan, biết chọn cách để hành hạ Đỗ. “Em đâu muốn bỏ anh. Anh cứ yêu ai thì yêu. Nhưng em vẫn là vợ anh”. Còn Cẩm Châu là con gái mới lớn, lại làm việc ở một cơ quan nhà nước. Bao nhiêu cặp mắt dòm ngó Cẩm Châu khi thỉnh thoảng có một cuộc điện thoại gọi. Đó là những cuộc điện thoại của Yến. Yến chẳng hăm dọa, cũng chẳng giận dữ. Lời nói mềm mỏng của Yến khiến Cẩm Châu sợ: “Anh Đỗ chỉ thích ăn cá, không ăn thịt được. Tối ảnh ngủ phải để tivi, đừng có tắt”. Cẩm Châu không nói lại với Đỗ những điều đó. Giấu trong lòng mình là sự tổn thương.

Hai người muốn gặp nhau phải hẹn hò ra quán xá, chỉ sợ người quen bắt gặp, đôi khi phải bịt kín mặt bằng chiếc khẩu trang. Đỗ chẳng dám bước chân vào nhà Cẩm Châu. Căn nhà liêu xiêu rủ từng chùm hoa hoàng anh vàng. Hoa thì cứ nở, còn người thì chỉ đứng bên ngoài mà nhìn vào. Rồi Hiển xuất hiện lúc nào Đỗ cũng không biết. Lúc đầu Cẩm Châu kể chuyện về sự xuất hiện của Hiển: “Anh biết không? Anh chàng đó nói sẽ đợi em suốt đời”. Hơn ai hết, Đỗ biết rằng khi người phụ nữ bắt đầu nhắc đến một người đàn ông, thì có nghĩa là cô ấy đã có sự chú ý đến. Rồi một lần Cẩm Châu nói: ”Hôm nay em không đi phố với anh được. Em phải ở nhà chăm bệnh cho mẹ”. Đỗ đợi bên kia đường, quán nước mía chen chúc những cặp tình nhân. Nhìn vào căn nhà đó, cánh cửa mở ra, Cẩm Châu bước ra, chiếc áo màu xanh xinh xắn,mái tóc kẹp chiếc kẹp hình con bướm. Cẩm Châu đã hẹn hò với người con trai khác.

Em đi bằng nhịp 1,2,3,4,5. Tôi đi bằng nhịp điệu 6,7,8,9,10. Ta đi bằng nhịp điệu không giống nhau. Bài hát ấy sao nghe buồn đến thế. Vậy là lạc nhau. Nhưng khi yêu, lòng ta không biến mất hình bóng người. Dẫu vòng tay ta không còn thân hình mềm mại đó nữa. Dẫu môi không còn kề cận môi.
Đỗ trở lại thành phố, khi lòng đã bằng an. Lúc đầu định xóa số điện thoại của Cẩm Châu, cũng có ý định thay số điện thoại của mình. Đó là một cách để lãng quên, Nhưng để làm gì? Phiên tòa ly hôn đã diễn ra, Đỗ đã trở thành người độc thân, nhưng tất cả đã muộn rồi. Tình cờ gặp Cẩm Châu trên đường, Cẩm Châu đã mặc chiếc áo bầu, gặp và chào nhau như người xa lạ. Rồi khi đã vượt qua nhau, Đỗ không ngăn được mình ngoái nhìn. Cũng muốn gọi Cẩm Châu lại, nói một lời ngọt ngào, muốn khoe với Cẩm Châu rằng anh đã độc thân, anh có thể làm đám cưới với bất cứ một người nào. Nhưng rồi lại thôi. Đôi lúc cũng muốn kéo Cẩm Châu ra một quán vắng. Chẳng để làm gì, chỉ cần nhìn gương mặt ấy, đôi mắt ấy, cái mím môi lỳ lợm ấy và cả câu nói quen: “Em cám ơn anh”. Nhưng rồi dằn lòng, từng ngày từng tháng, từng giấc ngủ. Thời gian luôn làm cho người ta lãng quên.Và tưởng rằng lãng quên cho đến khi có một cuộc điện thoại “Anh ơi, em cần anh”.

Hiển đi công tác đột xuất. Cẩm Châu chuyển bụng. Đêm chỉ còn những ngọn đèn vàng chen cùng lá của những hàng cây lốm đốm rọi. Cuộc sinh nở của người đàn bà bắt đầu. Đỗ không giải thích được với chính mình khi đã bất chấp mọi điều để đưa Cẩm Châu đến được bệnh viện. Cẩm Châu đã nhớ tới anh trong giây phút cần nhất trong cuộc đời cô, vậy là đủ. Cái nắm tay chia sẻ trong cơn đau tận cùng của người yêu thương là hạnh phúc.

Đỗ nép mình trong rạng đông khi Hiển xuất hiện. Cô y tá nói theo lời dặn của anh với Hiển: “Có anh xe xích lô đã chở vợ anh tới đây. Chị đang ngủ”.
Bài hát ấy vẫn ở lại trong tâm tưởng Đỗ với tình yêu đã mất. Anh sẽ lấy vợ. Anh sẽ yêu thương người mà mình chọn lựa. Cũng sẽ không bao giờ hỏi vợ mình rằng em đã từng yêu ai chưa? Cẩm Châu đã có một đời riêng. Anh không có quyền nhân danh tình yêu của mình mà phá tan đi hạnh phúc của người yêu dấu cũ. Dẫu rằng Cẩm Châu đã không đi bằng nhịp điệu giống anh. Anh đi bằng nhịp điệu 1,2,3,4,5. Em đi bằng nhịp điệu 6,7,8,9,10. Ta đi bằng nhịp điệu không giống nhau. Ta đi bằng nhịp điệu sao khác màu. Ơ bai, Ơ bai. Nhưng trên chiếc cổ trắng ngần của Cẩm Châu anh vẫn thấy cô đeo sợi dây chuyền với hai chữ C lồng nhau. Sợi dây chuyền chia tay của một cuộc tình.

Khuê Việt Trường
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN