Thế là sau bốn mươi năm quân ngũ tôi đã được về nghỉ hưu. Ngày đầu tiên sống cuộc sống đời thường thật lạ. Nghe tiếng kèn báo thức của đơn vị quân đội đóng cạnh nhà, tôi bỗng bật dậy chạy vội ra sân tập thể dục. Ngó quanh chẳng có một ai. Thì ra mình đang ở nhà mình. Trong nhà vợ con tôi vẫn ngủ khì khì. Tôi đành chạy quanh sân một mình miệng lẩm bẩm “một hai ba bốn” như hồi còn quân ngũ.
Sáng ra, vệ sinh cá nhân xong, tôi khua cả nhà dậy. Ai lại giờ này mà vẫn cứ ngủ tì tì ra thế không biết. Cả vợ tôi nữa. Thức khuya cho lắm vào để giờ vẫn không buồn dậy. Cái xóm dở phố dở làng này xem ra học cách sống của phố mất rồi. Vợ chồng thằng con tôi dụi mắt ca cẩm: “Mới sáu giờ sáng, bố khua chúng con dậy làm gì? Bảy, tám giờ mới mở cửa hàng cơ mà?”. Vợ tôi cũng làu bàu: “Ông đừng có điều lệnh với mẹ con tôi. Quân đội khác. Ở nhà khác. Chúng nó bán hàng đến chín, mười giờ đêm giờ phải cho chúng nó ngủ chứ”. Tôi ngẩn người. Thì ra thế.
Lại tiếng kèn báo hiệu giờ làm việc từ trong đơn vị vang lên. Tôi vội vã tìm bộ quân phục. Sơ vin đóng bộ xong, đang xỏ giày thì vợ tôi hỏi: “Ông đi đâu đấy? Lên ủy ban à?”. Tôi ớ người. Mình đi đâu nhỉ? Rồi chợt nhận ra hoàn cảnh của mình, tôi cười xoà: “Có đi đâu đâu bà!”. “Không đi đâu mà ông ăn mặc oách thế?”, vợ tôi chưa hết ngạc nhiên hỏi lại. “Thì ở nhà cũng phải cho tươm tất chứ”, tôi trả lời xuê xoa và nhăn nhở cười trong sự hụt hẫng.
“Chào ông trẻ ạ!”, tiếng ai đó làm vợ chồng tôi cùng bừng tỉnh. Tôi ngẩng lên thì ra là thằng Phẻng, con lão Phường. Nó nhe nhẻn: “Gớm, trông ông trẻ oách quá. Đúng là đại tá quân đội có khác. Biết ông trẻ mới về nghỉ hưu, cháu sang trước là để thăm ông trẻ, sau là để kính mời ông trẻ giúp chúng cháu một số công việc của địa phương. Ông trẻ là vốn quý của làng ta, xã ta”. Phẻng nói xong, cười hề hề xã giao. Tôi cũng đáp lại lấy lệ: “Anh cứ nói thế. Tôi biết việc gì mà làm. Nếu làm được, tôi sẵn sàng giúp”. Phẻng nói ngay: “Ông trẻ làm ngon. Hàng ngàn quân còn nghe ông nữa là dân đen chúng cháu. Ông giúp chúng cháu nhé”.
Thấy vui vui, với lại mấy chục năm biền biệt xa quê, cứ bảo yêu quê hương đất nước, đất nước thì rõ rồi, thì bốn chục năm chinh chiến đó đây bảo vệ Tổ quốc chẳng là yêu đất nước đấy là gì? Thế còn yêu quê hương? Tinh thần thì có nhưng việc làm cụ thể thì chưa. Bây giờ nghỉ hưu mới có dịp thể hiện đây. Tôi tủm tỉm cười: “Nhất trí. Nhưng các anh phải chỉ giáo cho lão đấy nhé”. Phẻng cười to: “Ông trẻ cứ nói thế. Hoan hô ông trẻ. Thế là ông trẻ nhận lời con rồi nhé. Bây giờ có việc luôn cho ông trẻ đây”. “Việc gì thế? Có khó không?”. “Không khó tí nào với ông trẻ. Ông soạn cho con bài điếu văn để tiễn đưa cụ Khúng”. Vợ tôi tròn mắt: “Cụ Khúng chết rồi à?”. “Vâng”. “Viết điếu văn?”. “Vâng”. “Cho cụ Khúng”. “Vâng”. Hai người cứ nhát một như vậy. Tôi ngẩn tò te. Chẳng lẽ việc “yêu quê hương” đầu tiên của mình khi về quê là thế này ư?
Vợ tôi nghiêm sắc mặt: “Thế anh có biết ông nhà tôi hôm nay là ngày nghỉ hưu đầu tiên không?”. Phẻng đáp: “Có chứ. Nhưng thế thì sao hả bà trẻ?”. “Sao giăng gì? Anh làm cán bộ văn hóa mà chẳng văn hóa tí nào cả. Ngày đầu tiên nghỉ hưu lại bảo người ta viết điếu văn. Như thế có nghe được không?”. Phẻng thần người bứt tai: “Cháu… cháu xin lỗi. Nhưng mà… đây là cụ Khúng. Cụ ấy cao tuổi nhất làng, là cụ đồ nho duy nhất còn lại của làng. Cụ ấy văn hay chữ tốt nhất làng, cụ mất đi là một thiệt thòi lớn cho làng. Cho nên, cháu muốn ông trẻ cũng là người thành đạt nhất làng, văn hay chữ tốt chẳng kém cụ đồ mấy, ông trẻ viết cho chúng cháu, à mà cho cả cụ đồ nữa bài điếu văn cho cụ ấy mát mặt. Chứ chúng cháu viết hay sao được bằng ông trẻ. May mà ông trẻ về hưu lúc này chứ không có ông trẻ thì cháu cũng cứ phải làm chứ biết làm sao”.
Tôi thấy thằng Phẻng nói phải quá liền cắt ngang: “Sinh dữ tử lành. Nghĩa tử là nghĩa tận. Tôi nhận lời. Không phải ý kiến gì nữa cả”. Mặt Phẻng tươi tỉnh: “Có thế chứ. Con cám ơn ông trẻ”. Vợ chồng tôi quay sang hỏi thăm về đám ma cụ Khúng. Tôi lấy thêm một số chi tiết đời tư và những đóng góp với dân làng hàng xã, với họ tộc của cụ Khúng để viết cho sinh động. Sau đó, tôi cùng Phẻng sang đám hiếu. Tư liệu về cụ Khúng, không khí đám ma, lòng tiếc thương của tôi về cụ, về dự định nghỉ hưu sẽ đàm đạo thơ văn với cụ đã không còn làm cho tôi càng xúc động trào dâng. Cảm hứng thăng hoa tôi lia bút hoàn thành bài điếu văn. Lúc truy điệu, giọng đọc nghẹn ngào, trầm bổng của ông Năm, Bí thư chi bộ thôn đã làm cho bài điếu của tôi hay lên rất nhiều khiến bao nhiêu người dự đám không cầm được nước mắt. Chưa có đám ma nào đông người mà lại im lặng, nghiêm trang và xúc động như đám ma cụ Khúng.
Sau đám ma đó, bài điếu văn tôi viết có “ảnh hưởng” rõ rệt. Đi đâu người ta cũng bàn tán về nó. “Đúng là đại tá có khác, viết thế thì không khóc cũng phải khóc”. “Thật mát mặt cho cụ đồ”. “Thì ông ấy làm thơ, viết văn mãi trong quân đội, nói cả ngàn người nghe”. “Nói bảo nói dại, chứ mai kia tôi mà nằm xuống dứt khoát phải bảo con cháu nhờ ông đại tá viết cho bài cúng”. “Bài điếu văn chứ cụ, sao lại bài cúng?”. “Ừ… thì điếu văn”... Rồi tất cả cùng cười ồ vui vẻ. Họ coi cái sự chết bây giờ cũng nhẹ thế cơ chứ. Thật lạ.
Từ đó trở đi, tôi trở thành người chuyên viết điếu văn cho xã. Thằng Phẻng tha hồ rộng cẳng lo sự vụ khánh tiết các đám. Phần nội dung thì đã có tôi. Thôi thì cũng là niềm vui nho nhỏ mang chút sức tàn giúp quê hương. Mấy người có đầu óc kinh doanh bảo tôi nên trương biển hiệu “Chuyên viết điếu văn thuê” ở nhà để kiếm thêm thu nhập. Tôi trừng mắt quát vào mặt chúng: “Các anh là đồ đầu đất, lúc nào cũng chỉ tiền với tiền. Ngữ tao mà lại làm cái trò ấy ư?”. Bọn chúng cụp đuôi lủi mất. Tôi bần thần chơi vơi mất mấy ngày. Sao cái gì bọn chúng cũng quy ra tiền thế nhỉ?
Một hôm, tay cán bộ văn phòng ủy ban đến gặp tôi đặt vấn đề viết diễn văn cho các hội nghị. “Chúng em sẽ trả thù lao thích đáng xứng đáng với chất xám mà bác bỏ ra. Bác giúp chúng em khoản này bác nhé”. Máu trong người tôi sôi lên. Mặt tôi đỏ bừng. Song, tôi kịp nén lại, từ tốn trả lời hắn: “Xin lỗi. Khoản này mình chịu. Nghỉ hưu rồi chẳng biết thời cuộc thế nào nên không “diễn văn” được đâu”. Mặc cho hắn nài nỉ, tôi cương quyết cự tuyệt. Lạ thật. Đến cán bộ xã bây giờ cũng làm việc bằng cái đầu của người khác, cũng thư ký em út ư? Đừng lợi dụng lão hưu này nhé. Ông chỉ làm phúc việc hiếu thôi. Đừng có mơ. Một thoáng buồn lởn vởn trong tôi.
Thằng Phẻng lại đến báo tin “Sơn nghiện” chết. Tin đó cũng ngầm báo tôi việc viết điếu văn. Tôi sững người. Sao lại chết sớm vậy. Mới hơn ba chục tuổi đầu chứ có nhiều nhặn gì. Phẻng nói xong, đi luôn vì hắn còn phải lo tổ chức tang lễ. Làm cái anh cán bộ văn hóa xã cũng khổ. Cái gì cũng đến tay: Ma chay, cưới xin, mừng thọ… thôi thì đủ việc. Nghĩ mà thương cho nó. Được cái nó vô tư nhiệt tình, quen “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Tôi hợp nó lắm.
Cái tin ‘’Sơn nghiện” xóm liều say rượu, bị cảm chết ầm ĩ cả xóm làng. Người xót cho hắn, thương hại hắn bỏ lại vợ dại với ba đứa con thơ. Kẻ chép miệng tặc lưỡi “thế là thoát, từ nay không phải chứng kiến cảnh vợ chồng nhà hắn đánh chửi nhau nữa”. Khổ nỗi, hắn còn quá trẻ. Tuy vậy, hắn đã có thâm niên trong làng xì ke và rượu dễ đến ngót chục năm. Hắn đã trải đủ các nghề: Thư ký đề, chủ đề, cộng tác viên đắc lực của “hội chích choác” và bợm rượu. Xóm hắn ở trở thành điểm nóng của xã về tệ nạn xã hội. Chỉ khổ cho vợ con hắn, nhếch nhác, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, suốt ngày cứ lo ngay ngáy mỗi khi hắn lên cơn. Khi cai nghiện về, bỏ được thuốc phiện, hắn lại chuyển sang uống rượu. Hắn bảo: “Có uống rượu mới cai được nàng tiên nâu”. Vợ hắn chép miệng: “Thôi cũng được. Đỡ tốn bằng vạn cái thằng chích choác kia ấy chứ. Bỏ con ma túy là yên rồi!”. Dần dần, hắn đâm nghiện rượu, trở thành đệ tử trung thành của con ma men. Thế là từ đó, ma men dẫn lối, đưa hắn vào những cơn say. Hôm qua, khi mà vợ con nó vét từng giọt nước gánh tưới cho mạ đang có nguy cơ bị cháy do đợt nắng nóng, thì nó được người ta rước đi ăn mừng “rửa xe”. Chả biết nốc nhiều hay ít mà giữa lúc mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng, khoảng mười giờ đêm gì đó, thì hắn khật khưỡng về nhà. Người hắn ướt hết, bùn đất lấm lem. Mặt hắn trắng bệch. Người lạnh toát. Vợ hắn vực hắn vào giường, thay quần áo và lấy sẵn chậu cho hắn. Tưởng như mọi lần, vợ hắn đi ngủ. Sáng ra, sờ vào người hắn thấy lạnh toát, cứng đờ. Vợ hắn hoảng hốt la làng. Lúc ấy cả xóm mới biết, hắn đã chết tự bao giờ.
Thông thường bài điếu văn phải nêu được sơ yếu lý lịch và quá trình cống hiến của người chết, niềm tiếc thương của xóm làng, gia đình, bè bạn với kẻ quá cố. Các đám trước, nghe lời điếu của tôi mọi nguời đều rưng rưng nước mắt cùng tang chủ. Lâm ly lắm, thống thiết lắm. Thế mà đám này, tôi băn khoăn mãi. Viết sao đây? Cắn bút hoài vẫn không được chữ nào. Khó quá!
Thứ nhất là hắn quá trẻ. Chết trẻ là rất đáng thương, dễ viết lắm. Thế mà ngòi bút của tôi vẫn cứ trơ trơ, ráo hoảnh. Thứ hai là quãng đời ngắn ngủi ấy của hắn lại chẳng vẻ vang gì, tuy chưa đến mức phải tù tội nhưng lại toàn dính vào nghiện ngập, đánh đập vợ con, gây rối làng xóm... Chả lẽ lại đưa những cái này vào bài điếu? Trước đây, con tôi với nó đã một thời là bè bạn, cùng yêu một người, đó là Hoài, vợ nó bây giờ. Hồi học cấp ba, ba đứa chúng như hình với bóng. Tính nó mạnh mẽ, ngang tàng. Nó yêu Hoài dữ dội, không lặng lẽ âm thầm như con tôi. Yêu Hoài, con tôi chỉ dám đứng xa mà mơ ước. Còn nó, cặp kè với Hoài, hò hẹn, sóng đôi rất hiện đại. Nó giỏi toán, con tôi giỏi văn. Nhưng rồi tình yêu làm cho chúng nó học sút hẳn. Khuyên bảo chúng nó mãi chẳng được, con tôi như kẻ bị thừa. Hết cấp ba, con tôi vào đại học. Sáu tháng sau, Hoài - Sơn nên vợ thành chồng. Hôm tôi về phép đúng vào hôm tổ chức đám cưới của chúng. Tuy chúng mời rất trịnh trọng song tôi ngại nó là thằng nghiện nên không sang dự. Tôi cấm cả con tôi không được chơi bời quan hệ gì với Sơn. Cả đến lần tôi về phép mấy năm sau, vợ chồng nó đã có ba mặt con lít nhít, lếch thếch sang thăm tôi, tôi cũng chỉ ừ hữ hỏi thăm cho có chuyện. Không nên dây với những kẻ nghiện hút. Tôi thầm nhủ mình như vậy.
Phải rồi, mình sẽ khai thác chi tiết này để tiễn đưa một con người tội lỗi ra đi. Khóc cho Hoài mất một ngưòi chồng, mất một tình yêu của một thời trong trắng, mộng mơ. Tôi sẽ viết: Sơn ơi, giá như ngày ấy, các cháu giữ trọn tình yêu tiếp tục học hành thì đâu đến nỗi! Vợ sớm, con đông, nghèo đói túng quẫn, Sơn bỏ đi đào vàng ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Mộng làm giàu thôi thúc nó ra đi. Và rồi, chính cái đận ấy đã cuốn nó vào đề đóm, nghiện hút. Để rồi nó cứ trượt mãi trên con đường tội lỗi. Phải rồi tôi sẽ lên án con ma men, ma túy đã làm cho Sơn thân tàn ma dại. Chẳng qua, Sơn cũng là nạn nhân của tệ nạn xã hội mà thôi. Giá như ngày đó, tôi kiên quyết hơn, vị tha hơn, đừng vì tự ái, sĩ diện, mà lôi Sơn trở lại thì đâu đến nỗi. Tôi đã xa lánh nó, cũng vô tình đẩy nó đến chỗ như hôm nay. Thế mà ta bảo ta yêu quê hương, yêu xóm làng, người thân? Không, ta chưa yêu theo đúng nghĩa của nó. Ta ích kỷ, tầm thường quá. Hôm nay, nhìn Hoài lăn lộn khóc chồng, mắt nó vô hồn nhìn mọi người mà lòng tôi quặn thắt. Phải chăng, chính tôi và mọi người cũng có lỗi? Sơn ơi, hãy tha thứ cho bác Sơn nhé! Đã có lần bác khinh bỉ cháu, hắt hủi cháu. Giá bác kiên quyết khuyên giải, lôi cháu trở lại thì đâu đến nông nỗi này. Đằng này, bác lại quá thờ ơ, dửng dưng… vin vào cái cớ đi xa để đổ lỗi cho người khác. Bác tầm thường quá phải không Sơn? Thôi, cũng một kiếp người, cháu cứ yên lòng mà nhắm mắt. Vợ con cháu còn có họ hàng, làng xóm chăm lo. Cuộc đời này còn nhiều người tốt lắm cháu ạ.
Cứ thế, ngòi bút của tôi chứa chan nước mắt. Từ sâu thẳm lòng tôi, cái góc khuất nhất của tâm hồn, tình yêu thương đồng loại trỗi dậy. Tôi nghĩ đến đứa con và cháu của tôi rồi so sánh với Sơn. Điều đó làm cho tôi xót xa ân hận. Những đứa trẻ kia có tội gì? Hoài có tội gì? Rồi Sơn nữa? Phải vạch mặt, chỉ tên con ma men, ma túy. Chính nó là kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình và giết chết Sơn. Và chính từ sự thờ ơ của tôi, của mọi người đã làm cho nó hoành hành đến vậy. Bài điếu văn của tôi chứa đầy nước mắt, đau nhói con tim. Mọi người ơi, hãy lắng nghe và khóc cho một linh hồn tội lỗi! Và tất cả hãy xiết chặt tay đừng để con ma men, ma túy hại thêm một người nào nữa. Tôi chấm dứt bài điếu văn trong tâm trạng buồn tột độ. Người tôi chơi vơi…
Sau đám ma Sơn, tôi như kẻ mất hồn mất mấy ngày. Tiếng khóc của đám ma cùng với lời điếu của tôi cứ xoáy mãi vào tâm trí tôi. Chút tinh lực còn lại của tôi tôi muốn hiến dâng cho đời, song thực lòng tôi không muốn viết điếu văn cho ai nữa. Đừng bắt tôi viết điếu văn nữa. Cầu mong tất cả hãy bình an…
Xuân Thu