Người trong ảnh

Đã lâu tôi mới có dịp về thăm lại gia đình người đồng đội cũ. Ra đón tôi là một bà cụ lưng đã còng. Mãi sau, mẹ vẫn chưa khỏi ngỡ ngàng vì có nét gì đó ở tôi rất giống Thắng - con trai mẹ. Tôi xin phép được thắp hương lên bàn thờ người đồng đội cũ. Ngắm tấm hình quen thuộc đang nở nụ cười tươi rói trong khung kính, lòng tôi trào lên ký ức một thời trai trẻ. Thời đó, có hai chàng trai - Tôi và Thắng - cùng nhập ngũ, cùng được cử đi học lái xe rồi cùng về một đơn vị nên thân nhau như hình với bóng.


Hình thức chúng tôi rất giống nhau. Nhiều người đã nhầm tưởng là hai anh em nhưng tính cách lại trái ngược nhau hoàn toàn. Tôi trầm tĩnh bao nhiêu thì Thắng lại sôi nổi bấy nhiêu, lại hát hay đàn giỏi, là tâm điểm chú ý của nhiều cô gái nơi đơn vị đóng quân, khiến tôi nhiều lúc muốn phát ghen. Lúc ấy, Thắng đã có người yêu ở quê. Anh hay tâm sự với tôi về Hạnh, cô sinh viên trường y của tỉnh, những dự tính của hai người… Thời gian qua đi thấm thoắt, tôi tiếp tục đi học một khóa huấn luyện sĩ quan chỉ huy vận tải, học xong lại về đơn vị cũ. Lúc này, Thắng đã lập gia đình và có con trai một tuổi. Tuy thân thiết với nhau, nhưng Thắng không vì thế mà dựa dẫm, trái lại, anh luôn gương mẫu trong mọi công việc được giao, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không bao giờ đẩy tôi vào tình huống khó xử. Thời kỳ đó trong toàn quân có khẩu hiệu: “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, Thắng luôn có tên trên bảng tin của đơn vị về tinh thần bảo quản xe tốt.

Minh họa: Trần Thắng


Một lần đi kiểm tra gác đêm, thấy khu nhà xe có ánh đèn pin loang loáng, tưởng kẻ gian, tôi tiến lại gần quát:


- Ai?


Có tiếng trả lời:


- Tôi đây!


Thắng chui ra từ gầm xe, mặt mũi lấm lem dầu mỡ, tay xách túi đồ nghề. Thì ra, xe Thắng trả hàng sau về muộn. Thấy tiếng kêu lạ dưới gầm nên Thắng phải kiểm tra. Sửa chữa quên cả cái dạ dày rỗng tuếch đang réo để sớm hôm sau đi công tác ngay. Vừa lúc đó, chàng lái phụ oang oang bên ngoài:


- Anh Thắng nghỉ tay ăn cơm đã, em vừa vào bếp xào lại thức ăn rồi!


Bước vào thấy tôi, chàng ta lúng túng, tay thẳng nẹp quần:


- Báo cáo thủ trưởng!


Tôi phì cười:


- Anh tưởng trộm, hóa ra thầy trò chú về muộn, lại loay hoay ngoài xe. Ông Thắng đi ăn cơm đi, lý giải mọi việc sau!


Thắng đi rồi, nhìn đoạn dây cáp đứt trên thùng xe, tôi tò mò:


- Hai anh em về muộn, cáp đứt lung tung, xe lại trục trặc dọc đường hả?


Phụ xe kể: “Trả hàng xong thì trời mưa to, đường trơn lầy lội, nhiều đoạn phải gài cầu trước mới bò qua được, đã vậy khi vừa tới ngầm, thấy chiếc Zin 130 trên chất đầy gạo của đại đội bạn đang chết máy dưới ngầm mà nước suối dồn về mỗi lúc một nhiều, cậu lái xe loay hoay mãi mà không nổ được máy, thấy có xe đến mừng quá chạy đến cầu cứu. Không đắn đo, anh Thắng cho xe quay đầu lùi xuống ngầm mắc cáp kéo. Sợi cáp kéo đứt tung mà chiếc Zin 130 chỉ nhúc nhích rồi lại nằm ì. Nghe nước suối réo ầm ầm mà phát hoảng. Tình huống này không xử lý nhanh, nước tràn về, chiếc xe sẽ bị cuốn trôi. Đột nhiên, anh Thắng reo lên: “Kéo không được thì tời!”, rồi cho xe quay đầu nhả sợi cáp tời ở đầu xe ra. Đuôi xe được buộc cáp vào một gốc cây to bên đường. Sợi cáp tời được móc vào chiếc xe dưới ngầm. Anh Thắng nhấn ga, tiếng máy gầm bên dưới lòng suối, chiếc Zin 130 nhúc nhích, nhúc nhích mãi, rồi bất ngờ được lôi nhanh khỏi ngầm, vừa lúc nước lũ phăng phăng tràn về…”.


Nghe kể, tôi vỡ lẽ, thầm nghĩ: “Cái thằng! Nếu không có phụ xe kể lại, nó cũng chẳng thèm kể ra. Nhiều lần rồi, khi người ta đến cảm ơn, đơn vị mới biết. Lạ thật!”…


*
* *


… Đơn vị tôi lại nhận nhiệm vụ mới, chở cấu kiện lên xây dựng cao điểm PL. Tôi rất lo lắng, vì đường lên nguy hiểm, dốc cao dựng đứng, lại nằm trong tầm đạn pháo của đối phương nên cần một lái xe giỏi, can đảm, tôi lấy tinh thần xung phong trong đơn vị.


Không đắn đo, Thắng giơ tay, rồi nhiều cánh tay khác cũng giơ cao. Thắng dứt khoát xin được nhận nhiệm vụ. Hàng được xếp lên xe và một tiểu đội công binh đi cùng xe lên cao điểm. Tuy tin Thắng là Đảng viên trẻ hăng hái, là tay lái tốt lại có nhiều kinh nghiệm vượt đèo dốc, nhưng tôi không khỏi lo lắng. Vì cao điểm này ai cũng biết độ nguy hiểm của nó, con đường mới mở lại nhỏ hẹp, chỉ đủ một làn xe đi.


Chiếc Zin 157 của Thắng lầm lũi vượt đèo đến độ cao khoảng 500 mét thì gặp đoạn dốc đứng, lại cua gấp, đường trơn. Thắng thận trọng cho xe trườn lên từ từ. Bất ngờ, bánh trước chồm lên tảng đá, tiếng máy gầm lên rồi tắt lịm. Anh vội vàng đạp phanh chân cấp tốc, rồi kéo mạnh cần phanh tay, nhưng chiếc xe cứ giật cục trôi dần xuống dốc, không thể dừng xe được, một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Thắng cố vít tay lái cho xe lùi vào vách núi mà chiếc xe cứ trôi về mép vực, không còn cách nào khác, anh hét lên:


- Tất cả nhảy ra khỏi xe!


Trên thùng, các chiến sĩ công binh hiểu tình thế nguy hiểm, vội trèo lên nóc ca bin, nhảy xuống trước đầu xe. Nhìn sang, thấy phụ lái đang cố kéo phanh tay trợ giúp, nhưng xe vẫn không dừng lại, Thắng quát phụ lái nhảy ra. Mép vực quá gần, mây trắng bồng bềnh dưới chân, phụ lái vội bật cửa lao ra, túm được vào bụi cây ven đường rồi gào lên: “Anh nhảy ra ngay! Nhanh… lên!!!”.


Thắng cố ghì tay lái, chân không rời phanh. Chiếc xe bướng bỉnh vẫn trôi dần… trôi nhanh hơn… Bỗng đầu xe hất lên rồi lật nghiêng. Tiếng ầm ầm dội vào vách núi. Một tiếng nổ phát ra, chiếc xe bốc cháy dữ dội…


Những người lính, sau giây phút bàng hoàng vội xuống vực cứu Thắng. Anh bị văng ra khi xe lao xuống vực, thân thể dập nát…


Đơn vị tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ Mai Ninh Thắng. Chúng tôi nức nở vĩnh biệt người đồng đội. Riêng tôi cho đến tận ngày hôm nay, khi cuộc chiến tranh đã trôi qua hơn 30 năm, vẫn nghĩ nhiều về anh với niềm đau xót vừa ngậm ngùi vừa kính phục và một câu hỏi cứ day dứt mãi trong tôi cũng như bao đồng đội của anh: tại sao lúc nguy hiểm nhất, Thắng không nhảy khỏi xe để tránh cái chết trước mắt mà cố cứu xe trong sự tuyệt vọng? Coi thường tính mạng đến thế ư? Còn Nhất - lái phụ của Thắng quả quyết: lúc đó Thắng rất bình tĩnh, anh tin tưởng xử lý để cứu xe, cứu khối tài sản lớn của đơn vị, dù biết rằng cái chết đã cận kề…


Chị Hạnh - người vợ liệt sĩ, tóc đã điểm bạc, lau nước mắt trước phần mộ chồng trong nghĩa trang… Chị cho biết cháu Dũng - giọt máu duy nhất của anh chị đã tốt nghiệp đại học và đang công tác tại công an tỉnh. Có lẽ tình yêu của chị quá lớn mà sau sự ra đi của Thắng, Hạnh không còn nghĩ tới việc đi bước nữa, dù nhiều đêm trong mơ trước đây và cả sau này, Thắng vẫn về khuyên chị xây lại cuộc đời nhưng chị vẫn ở vậy nuôi con nhỏ và mẹ chồng mà chị coi như mẹ đẻ mình…



Trần Thị Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN