Mỗi ngôi nhà đều phải có cửa sổ. Cửa sổ có chức năng làm cho không khí tràn vào nhà, để những tia nắng vào trong nhà. Cửa sổ còn là một thế gian khác, để ngắm nhìn cỏ cây ngoài đó, để nhìn thấy xe cộ lao nhanh. Nhưng nhà tôi ở không có cửa sổ.
Nhà nằm lọt thỏm giữa hai căn nhà cao tầng. Căn nhà được xây dựng gần 15 năm, theo kiểu tạm bợ, quá cũ. Căn nhà cũ kỹ giống như một tách cà phê bị đổ đầy, trào ra khỏi thành ly. Căn nhà cũng chẳng phải của vợ chồng tôi, mà là căn nhà ở nhờ, đó là tài sản của một bà cô họ đang định cư tận Cali, Hoa Kỳ.
Bà mua căn nhà này theo cách kinh doanh bất động sản. Nhưng giữa thời buổi đồng tiền chông chênh, vật giá leo thang, mọi người lo kiếm miếng ăn đã đuối sức thì lấy tiền đâu mua nhà, nên giá cả nhà đất bị hạ giá. Nhờ thế mà vợ chồng tôi vẫn được ở trong căn nhà không có cửa sổ.
Vĩnh cao 1,75 mét, đó là mẫu người có thể làm người mẫu hay diễn viên điện ảnh. Tôi mê cái dáng cao cao, mái tóc dợn sóng của anh, nên khi gặp anh là tôi quyết định sẽ là vợ anh. Anh không biết tỏ tình theo kiểu mà sách vở bày cho mọi người: Những đóa hoa hồng lãng mạn, một buổi tiệc trong ánh nến hay một cuộc hẹn hò trong cơn mưa bay dịu dàng để che chung một chiếc áo che mưa. Tại sao vậy?
Anh học xong lớp 12 là vào đời vì ba mẹ anh quá già, chẳng đủ khả năng để nuôi anh vào đại học. Thế là anh đi học điện tử. Anh có trí nhớ tốt, thông minh nên anh mau chóng có một nghề để sống và nuôi vợ con. Căn nhà không có cửa sổ đó có mặt tiền nhìn ra đường, cận kề không xa là cái chợ chồm hỗm đông người qua lại, trở thành tiệm sửa chữa điện tử của Vĩnh.
Cũng theo lẽ thường của cuộc sống, công việc của anh đôi khi rất nhiều, có lúc lại rảnh rang. Để có nhiều việc, anh mày mò học thêm nghề sửa vi tính, anh học tiếp nghề sửa điện thoại di động. Thế là cái không gian nhỏ bé của anh trở thành một Trung tâm sửa chữa tổng hợp.
Vĩnh là mối tình đầu cũng là tình cuối hoàn hảo của tôi. Thời đi học, tôi mơ mình trở thành một nhà thơ. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để chép mấy cuốn sổ tay những bài thơ hay tôi tình cờ đọc được ở đâu đó. Tôi mang trái tim lãng mạn học trò ấy về làm vợ anh. Tôi mang trí tưởng tượng về nụ hôn đầu sẽ diễn ra trong một vườn hoa hồng ngào ngạt mùi hương để về ở với anh.
Tôi mang sự hồn nhiên để hình dung anh sẽ chở tôi trên chiếc xe đạp trong ngày nắng vàng giữa mùa hè rợp trời hoa phượng đỏ, và hai đứa sẽ dừng xe dưới một góc cây phượng già, để nghe tiếng những con ve sầu mài cánh mỏng tạo ra những âm thanh rộn ràng. Và tôi đã gặp một người đàn ông không lãng mạn. Nhưng trong tình yêu, giấc mơ và hiện thực có bao giờ giống nhau đâu.
Thế là đã 10 năm chẵn sống chung với nhau. Trong 10 năm ấy không có một lần tổ chức sinh nhật của vợ lẫn chồng, của cả hai đứa con nhỏ, một trai, một gái. Vĩnh bảo, tổ chức sinh nhật chẳng qua là cách của nhà giàu, đó là của những ngôi nhà có nhiều cửa sổ. Rồi anh cười buồn: “Còn nhà mình có cái cửa sổ nào đâu em?”.
Còn tôi thì lại thích sự ấm cúng của một ngày gần gũi, nhưng tôi không thể nào làm cho anh buồn, tôi giấu ham muốn tổ chức một ngày kỷ niệm của gia đình một cách dai dẳng trong lòng. Cái ngày kỷ niệm 10 năm lấy nhau ấy, tôi quyết định làm một bữa tiệc nhỏ tại nhà.
Tôi không bàn trước với Vĩnh mà chỉ báo với anh vào buổi sáng. Anh im lặng, lấy chiếc tuốc nơ vít hí hoáy vặn mãi những con ốc trên chiếc tivi khách hàng. Nhưng buổi tiệc nhỏ ấy đã bị anh phá hỏng, vì anh chỉ ngồi chung với mấy người bạn một tí, rồi anh lấy xe ra đường. Tôi phải nói khéo với bạn bè là anh đang có một cuộc hẹn gấp.
Đêm hôm ấy tôi rất giận anh. Trong bao nhiêu năm lấy nhau, đã rất nhiều lần tôi nổi giận. Nhưng khi đã yêu thì phải chấp nhận. Khi anh loay hoay mở cửa nhà thì tôi nghe, anh vào phòng tắm mở nước thì tôi thấy, anh leo lên giường nằm sát cạnh bên tôi thì tôi biết. Nhưng làm sao tôi ngủ được khi cơn giận tràn như biển đang xô sóng?
Tôi chồm dậy ra khỏi giường, tôi ra phòng khách, tôi ngồi trên chiếc salon và cứ thế mà khóc trong bóng đêm. Anh đã theo tôi, anh ngồi bên cạnh: “Em hết yêu anh rồi phải không?”.
Tôi khá bất ngờ vì câu hỏi của anh. Bởi tôi hình dung anh sẽ xin lỗi, và dù có giận anh ngập tràn, tôi cũng sẽ bỏ qua. Đơn giản vì anh là chồng tôi. Nhưng anh lại hỏi tôi là có còn yêu anh nữa không trong lúc tôi cần anh dỗ dành, tôi cần anh lau những giọt nước mắt đang chảy trên gương mặt tôi.
Tôi muốn kiếm một căn phòng rất riêng tư để trốn vào trong đó, nhưng ngôi nhà không có cửa sổ này chỉ có một căn phòng duy nhất. Buồn vui bao nhiêu năm trong cuộc đời tôi ở đó. Tôi trốn đi đâu?
Đêm hôm đó tôi co mình trên chiếc salon ngủ chập chờn với những cơn mộng dữ. Hôm đó bỗng dưng tôi thay đổi.
***
Tôi hẹn hò với Thụy như một cách lấp đầy khoảng trống mà Vĩnh không bao giờ có. Lúc Thụy chạm môi anh lên môi tôi, cả thân hình tôi run lên một cách mãnh liệt. Nụ hôn này chẳng bao giờ tôi nhận được từ Vĩnh, rất lâu lắm rồi. Đêm ở quán cà phê đầy bóng tối, những chiếc ghế mây để song song tách rời nhau ẩn khuất dưới những tán cây như tạo sự đồng lõa cho những cuộc tình.
Sau cái đêm kỷ niệm 10 năm ngày cưới đó, tôi bỗng dưng thèm được tự do. Tại sao không tự do phóng xe trên phố để ngắm nhìn đất trời lộng lẫy, để nhìn thấy những chiếc lá như quyến rũ hơn sau khi được gột rửa bởi một cơn mưa rào. Còn những quán cà phê mở đầy trên phố kia tại sao không có một chỗ ngồi cho tôi?
Nhiều thứ nữa, như thong dong bước vào một shop thời trang để ướm chiếc áo đẹp lên thân mình, để để đôi giày xinh đẹp vào trong đôi bàn chân.Tôi cũng cần thỏi son để tô lên đôi môi. Tôi cần lọ nước hoa để cảm thấy mình quyến rũ hơn. Ôi, còn biết bao nhiêu thứ nữa như phải có một chiếc váy đẹp cùng đi dự một tiệc cưới hay thử ra biển với một chiếc ca nô lướt sóng.
Bao nhiêu điều đó tôi đã lãng quên theo đời sống vợ chồng với Vĩnh. Cả 10 năm nhịp nhàng theo Vĩnh, là buổi sáng chạy ra hàng ăn mua đồ ăn sáng, là vội vã đi làm, tan việc ghé chợ cũng vội vã mua dăm thứ về lao đầu vào bếp.
Là buổi tối chong mắt lên tivi coi kênh thể thao theo sở thích của Vĩnh. Là chủ nhật muốn đi đâu phải xin phép Vĩnh, và phải báo cho anh tường tận chỗ đến của mình, ngay cả ăn mặc đẹp cũng không được phép...
Vĩnh khó chịu khi tôi mua về chiếc máy vi tính, rồi bắt đầu nối mạng. Anh bảo: “Anh không thích em lên mạng, ở trên đó có quá nhiều thói hư tật xấu”. Nhưng ở trên mạng đó, tôi khám phá ra nhiều điều phong phú, ngay cả những câu chuyện gỡ rối cho những cặp vợ chồng.
Nhờ chiếc máy vi tính mà tôi vơi bớt lần sự thiếu hụt từ tình yêu chật hẹp của Vĩnh và quên rằng ngôi nhà tôi ở không có cửa sổ. Vĩnh không thích tôi đi dự bất cứ một buổi tiệc nào, dù là tiệc đầy tháng con của một cô bạn thân từ thời đi học hay tiệc thăng chức của một đồng nghiệp.
Vĩnh nói: “Ở chỗ đó người ta hay nói xấu nhau”. Nói chung là chữ không thích của anh dài dằng dặc như một toa hàng mua ở siêu thị. Tôi phải sắp xếp thời gian của mình bằng cách lấy thêm thời gian của con, có nghĩa là tôi đưa đón con đi học, xong gửi ở nhà ngoại để có thể có chút thời giờ riêng tư và vô cùng quí báu của mình.
Có lần cô bạn mời tôi đi xem ca nhạc do có vé mời. Hôm đó anh đã khóa cửa nhà, nhốt tôi bên ngoài đến độ tối hôm đó phải qua nhà bạn ngủ nhờ. Có lần tôi rủ anh ra cà phê, để nói hết cho anh nghe suy nghĩ của mình. Anh trả lời rất ngắn gọn: “Vì anh yêu em”.
Tôi quen Thụy ở quán cà phê. Thụy vẫn đến quán một mình, tình cờ Thụy cũng yêu cầu bài hát “Một Mình” của Lam Phương: “Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình. Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình. Biết lời tỏ tình, đã có người nghe”...
Rồi ngồi chung một bàn, rồi trò chuyện. Thụy nói chuyện rất có duyên, anh biết cách dẫn chuyện và anh nắm bắt thời sự nhanh nhạy. Chính vì thế mà khi gặp nhau ở quán cà phê, tôi và Thụy thân nhau. Tôi không bao giờ hỏi đời tư của Thụy, và cũng chẳng kể về mình. Tôi sợ sự yếu lòng của mình với cách sống của mình đối với người đàn ông mình đã chọn lựa, tôi sẽ ngả vào vòng tay Thụy.
Tại sao ư? Vì Thụy như là một nhu cầu có thật của tôi. Anh có những gì tôi đang cần thực sự của một người đàn ông. Có lần tôi đã theo Thụy ra tới biển. Thụy bảo: “Em bỏ giày ra, em xắn ống quần lên, rồi em đạp thử sóng biển đi. Nó sẽ cuốn trôi hết những bực dọc của em”. Thụy đã khám phá ra tôi, và tôi giật mình khi cả 10 năm sống cùng Vĩnh, chân tôi chưa vào giờ chạm vào nước biển, dù nhà tôi và biển cách nhau không xa.
Nụ hôn của Thụy là nỗi ham muốn của tôi. Trong đó có tính dục lẫn sự linh thiêng. Tôi có thể rướn thêm một bước chân, giũ bỏ nỗi buồn ở căn nhà không có cửa sổ của tôi và Vĩnh để tung tăng hướng về sự ngọt ngào của Thụy. Vì từ Thụy, tôi nhận được niềm vui. Nhưng tôi đã không nhón chân bước tới chỗ hẹn cùng Thụy thêm một lần nữa. Vì tôi biết nếu tới tôi sẽ trở thành một con người khác.
Tôi về nhà sau cơn mưa day dứt của phố. Tôi bất ngờ khi Vĩnh vẫn để cửa. Anh hỏi tôi: “Em đi chơi có vui không?”, thay vì sự lầm lì muôn thuở của anh. Tôi tắm xong và ngồi trên salon, xem dở dang một mẩu chuyện ở trên một tờ tạp chí phụ nữ, thì Vĩnh đến ngồi gần bên tôi. Anh lại hỏi: “Em có còn yêu anh nữa không?”. |