“Vợ chồng cô mua đất, anh chị tình nguyện ủng hộ 10 triệu đồng và cho vay thêm 20 triệu đồng, khi nào có thì trả”.
Chị giật mình sửng sốt trước tuyên bố bất ngờ của anh. Nhưng trước mặt mẹ chồng và hai cô em, chị gắng gượng kìm nén nỗi bức xúc, quay sang anh nhẹ nhàng góp ý: “Anh em ruột thịt giúp nhau lúc khó khăn, cơ nhỡ là việc nên làm. Nhưng điều kiện kinh tế nhà mình đâu có dư giả gì. Để rồi em và anh bàn bạc, thống nhất xem giúp đỡ cô thế nào cho hợp lý...”.
Chị chưa dứt lời, mẹ chồng đã mặt nặng mày nhẹ thốt lên: “Anh đàn ông đàn ang kiểu gì mà có chút việc nhỏ ấy cũng không quyết định được lại để vợ cầm trịch thế? Cứ mù quáng giao toàn bộ trọng trách tay hòm chìa khóa cho nó rồi có ngày bị tống cổ ra đường với hai bàn tay trắng thôi con ạ”.
Cô em chồng thì tức tối mỉa mai: “Đúng là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Chồng thì hứa giúp, vợ lại có ý thoái thác. Nếu chị dâu không thoải mái thì em cũng chẳng dám phiền kẻo lại mang tiếng”.
Sự tác động từ phía người thân tựa “lửa đổ thêm dầu” vào thói gia trưởng, độc đoán khiến anh giận dữ chỉ tay vào mặt chị quát lên: “Không phải bàn tính gì nữa. Tôi đã quyết rồi, cô cứ thế mà thực hiện”.
Lòng chị quặn đau trước cách hành xử vô lí của chồng. Thay vì gánh vác trọng trách trụ cột kinh tế trong gia đình, anh phó thác mọi lo toan cho vợ.
Từ việc mua nhà, sắm sửa tiện nghi, đóng học cho con, chi tiêu ăn uống, sinh hoạt... anh chẳng bao giờ ngó ngàng tới.
Đành rằng hàng tháng lĩnh lương anh chỉ giữ lại vài trăm nghìn tiêu dùng cá nhân, còn đưa hết cho chị giữ nhưng thực tế thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng chỉ được 6 triệu đồng, trừ hết các khoản chi tiêu còn chẳng đáng là bao.
Thương con gái phải sống cảnh thuê nhà, bố mẹ chị dồn hết vốn liếng cả cuộc đời chắt chiu, dành dụm phòng khi tuổi già cho vợ chồng chị vay mua nhà.
Biết bố mẹ hết lòng vì con cái nên chị luôn tiết kiệm để mỗi tháng trả dần ông bà một ít... Tiêu bất cứ một khoản gì chị cũng đắn đo, cân nhắc thật kĩ xem có thiết thực hay không. Thậm chí những đồng nghiệp nữ cùng phòng còn nhận xét chị quá sẻn so, hà tiện với bản thân khi lâu lắm chẳng dám hào phóng mua cho mình một chiếc váy mới.
Thấy nàng dâu quản lý tài chính, mẹ anh quy kết chị “chỉ biết có đằng ngoại” và chê trách con trai lép vế, nhu nhược. Thay vì nói rõ cho mẹ hiểu, anh lại nao núng trước sự tác động nên sĩ diện muốn chứng tỏ “uy lực” của mình. Càng ngày anh càng tự ý quyết định nhiều việc, đặt chị vào tình thế “sự đã rồi”...
Mấy tháng trước, anh dõng dạc tuyên bố trước sự chứng kiến của đông đảo họ hàng rằng vợ chồng anh sẽ trao tặng sợi dây chuyền vàng 5 chỉ cho cô út trong ngày cưới.
Ai cũng nghĩ gia đình chị giàu có, dư giả nên mới hào phóng vậy chứ đâu ngờ vì muốn giữ thể diện cho anh, muốn ngày vui của em được trọn vẹn, chị đành ngậm đắng nuốt cay chạy đôn chạy đáo vay mượn bạn bè gần 20 triệu đồng mua dây chuyền tặng em theo ý chồng.
Sau lần đó, chị đã tế nhị khuyên anh khi đối nội đối ngoại, vợ chồng nên bàn bạc, thống nhất sao cho hợp tình, hợp lý, trong khả năng cho phép chứ đừng bốc đồng “một tấc lên trời” rồi không thực hiện được người ngoài lại chê trách.
Chị cũng công khai số tiền còn nợ ông bà ngoại hơn 100 triệu đồng để anh biết và có bổn phận chia sẻ...
Những tưởng anh sẽ thay đổi, sẽ hiểu ra nào ngờ anh vẫn chứng nào tật nấy. Cách hành xử của anh không chỉ gieo vào lòng chị cảm giác bị coi thường mà còn khiến người thân của anh hiểu lầm chị hẹp hòi, ích kỉ.
Nhưng suy cho cùng, việc âm thầm gánh vác mọi việc lớn, nhỏ trong gia đình, mặc cho anh dửng dưng như người ngoài cuộc của chị cũng là một sai lầm bởi nó càng khiến anh thờ ơ, chểnh mảng vai trò làm chồng...
Theo TGPN