Mãi ấm giữa trùng dương

Cơn mưa cuối tháng 6 tầm tã. Đài Truyền thanh xã phát liên tục bản tin áp thấp nhiệt đới đang mạnh dần lên từ phía đảo Hoàng Sa. Sóng từ xa nối đuôi nhau chạy liên tục vào bờ cát cuốn tròn những gốc phi lao như cười cợt nô đùa rồi lùi ra biển tạo những tiếng vỗ ầm ào không dứt.

 

Minh họa: Trần Thắng


Vân ẵm con đứng ngồi không yên, thắc thỏm hết đi vào rồi lại đi ra với vẻ bồn chồn lo lắng. Con Thùy còn nhỏ quá nên chưa biết gì, chỉ thấy nhà nó hôm nay sao có nhiều người lạ tới chơi cười nói rôm rả rồi sửa nhà, lót gạch, lợp tôn. Người ta còn xây cho nó chiếc bàn học bằng xi măng mới toanh. Bất chợt nó hỏi Vân:


- Sao bữa nay nhiều người tới nhà mình quá vậy mẹ?


- Ừ. Mấy chú, mấy bác tới cất nhà mới cho mẹ con mình đừng bị dột nữa.


- Vậy là mưa cỡ nào, nội với mẹ con mình khỏi phải thức sáng đêm hứng nước rồi phải hôn mẹ? A. Con vui quá. Mà phải chi…


- Phải chi gì con?.


Thấy con yên lặng đôi mắt cứ nhìn ra phía biển mang theo nỗi trông chờ xa vắng, nỗi hờn giận trẻ con, Vân hiểu nó đang nhắc và nhớ về ba nó giờ này đang làm nhiệm vụ ngoài vùng đảo Hoàng Sa sóng to gió lớn khi cơn áp thấp nhiệt đới ùa về. Mà đâu đã vậy. Mấy tháng qua Trung Quốc lại ngang ngược ùn ùn đem giàn khoan với tàu chiến qua xâm lấn biển khơi. Hoàng - chồng Vân và đồng đội tất bật ngày đêm để giữ lấy biên cương trên biển.

Mấy bữa rày không thấy chồng gọi điện về báo tin, lòng Vân nóng như lửa đốt. Tội nghiệp con Thùy cứ cằn nhằn vì ba nó hứa đóng cho nó cái bàn học và con ngựa gỗ sau chuyến vô bờ. Vậy mà Hoàng có về được đâu. Thay vào đó là những cuộc điện thoại về thăm gia đình lúc được, lúc không. Lần nào gọi anh cũng dành thời gian thăm hỏi và xin lỗi con gái vì chưa làm tròn lời hứa. Gần hai tháng rồi mà Hoàng vẫn chưa rời vị trí và cũng chưa biết đến bao giờ anh vào bờ sum họp với gia đình.


- Vân ơi. Bữa nay mưa lớn quá, anh em lạnh quá trời quá đất nhưng quyết tâm làm cho kịp tiến độ căn nhà “tình yêu” ủa lộn căn nhà tình thương, bây chuẩn bị “mồi” để tụi tao lai rai chiều thứ bảy nghe. Tiếng chú Hai trưởng ấp nói thật to.


- Dạ. Chú khỏi lo. Con chuẩn bị sẵn rồi.


- Trời đất. Tao nói chơi vậy thôi, chớ chuẩn bị gì cho nó tốn kém tà la. Tụi tao làm nhà cho bây là nhiệm vụ với dân, với gia đình chiến sỹ đang làm nhiệm vụ giữ biển, giữ đảo. Thôi hổng có nấu nướng ăn nhậu gì ráo trọi.


- Chú nói vậy sao đặng. Hổng có chú tuyên truyền vận động thì nhà tui đâu có được cái nhà tình thương này. Tiếng bà Tám - Mẹ Hoàng chen vào.


Ngồi trên cây thang để quét vôi, bất chợt chú Hai trưởng ấp nhìn xuống mái tóc bạc phơ đang rối bời bởi cơn gió biển lùa vào cửa sổ của bà Tám với nỗi buồn vui đan xen lẫn lộn. Người đàn bà quê biển chân chất ấy đã âm thầm chịu đựng nỗi mất chồng khi ông hy sinh trên đoàn tàu không số chở vũ khí vào Nam. Đau đớn nhất là đến nay không tìm được xác khi ông cho nổ tàu quyết không để vũ khí rơi vào tay giặc trước khi lệnh cho mười một thủy thủ cùng đi rời tàu bơi vào bờ an toàn. Hàng năm cứ đến ngày ông hy sinh đều có mặt đầy đủ mười một người đồng đội năm xưa đến thắp nhang tưởng nhớ. Nghĩa tử là nghĩa tận đến như vậy.


Vậy mà bà không ca thán một lời. Không yêu cầu bất kỳ sự ưu đãi nào của Đảng và Nhà nước đối với gia đình. Nhiều lần địa phương đề nghị cất nhà tình nghĩa thì y như rằng họ nhận được lời từ chối vừa nhẹ nhàng, vừa kiên quyết đi kèm một lời từ chối thật khéo léo và thấm thía biết bao.


- Mẹ con tui vẫn chưa đến nỗi nào, mấy chú nên cất cho các gia đình khác khó khăn hơn.


Làm trưởng ấp vùng quê biển này đã mấy mươi năm nay, chú Hai quá tường tận cuộc sống kinh tế gia đình bà Tám. Nhà chỉ có hai công ruộng nhưng đã cầm cố lấy tiền cho thằng Hoàng đi học tận Nha Trang tới nay vẫn chưa hoàn trả cho người ta. Đã vậy con Hảo em thằng Hoàng giáo viên miền núi mấy tháng mới về thăm nhà một lần, mới đây bị tụi đua xe đụng gãy hai chân nằm bệnh viện mấy tháng trời. Bọn ác nhân ác đức đó chạy mất tới nay công an chưa tìm được. Nỗi khổ lại chồng lên nỗi khổ. Nợ lại chồng lên nợ. Tiền trợ cấp gia đình liệt sỹ hàng tháng cộng với lương sỹ quan của thằng Hoàng có thấm tháp gì đâu. Bà Tám lại đi vay nợ để lo cho con Hảo tới đâu hay tới đó chớ để con nhỏ nằm vậy rồi làm sao đi dạy. Cũng may người cho vay cũng thông hiểu hoàn cảnh của bà nên lãi suất không đáng là bao.


Lần nào Hoàng ngoài biển gọi điện về thăm mẹ đều được bà Tám trả lời tỉnh queo:


- Mẹ, em con, con Vân, con Thùy đều khỏe. Con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Ở nhà mẹ và gia đình đã có chính quyền, bà con chòm xóm lo toan giúp đỡ. Con cứ yên tâm.


- Mẹ ơi! Mùa mưa đã về. Nhà mình chắc dột nhiều lắm. Mẹ và mọi người làm sao ngủ được. Tiếng Hoàng lo lắng.


- Có hề gì đâu con. Trong này mưa cũng ít. Gia đình mình xoay xở được. Bà Tám trả lời.


Nói cho con yên lòng chớ bà cũng thấy lo khi mùa mưa đã cận kề. Mùa mưa khổ đến vậy thì mùa bão tố năm nay không biết gia đình bà sẽ đối phó ra sao. Mấy ngày nay bà bồn chồn lo lắng quá khi thấy bóng dáng người chủ nợ láng giềng đi qua đi lại trước nhà rồi đi luôn một thể. Có lẽ họ định ghé đòi nợ nhưng không hiểu nghĩ sao lại đi luôn. Cái chuyện nợ nần lo toan cho con Hảo tới nay bà cũng không hề cho Hoàng hay biết. Bà còn dặn cả gia đình không được hé môi để con yên tâm ngoài biển đảo. Cái thằng gì mà giống tánh nết ba nó như đúc. Hễ nói một là một. Trời đánh cũng cũng không thay đổi ý kiến, ý cò gì hết. Hễ nói là làm liền. Năm rồi cơ quan đã xét hỗ trợ tiền cho nó cất nhà vì không chịu được cảnh những mảnh đời khốn khó sống chật vật trong căn nhà lá tạm bợ ven biển đấy nắng gió này. Vậy mà nó cười khà khà, nụ cười chân chất mặn mòi mùi biển với cầu trả lời chắc nịch:


- Rất cảm ơn thủ trưởng và các đồng chí. Chuyện đó tính sau. Còn rất nhiều anh em Cảnh sát biển có hoàn cảnh khó khăn hơn. Tôi đề nghị cất nhà cho họ trước đã.


Hôm nay, đứng trước căn nhà sắp sửa hoàn thành, bà Tám bật khóc vì hạnh phúc đến với gia đình bà dù trước đó nhiều lần bà đã từ chối nhận căn nhà tình nghĩa do địa phương cấp. Trước đó cả xóm này kéo nhau tới đầy nhà bà khuyên lơn:


- Chị sao tự ái quá trời. Nhà nước cấp nhà tình nghĩa là chính sách đền ơn đáp nghĩa với anh Tám, phải quá đi chớ. Tội nghiệp, ảnh chết mà có kiếm được xương cốt gì đâu… Tiếng bà Tư Ánh khẽ khàng.


- Dì thấy đó. Em Hảo còn đang trong giai đoạn điều trị bệnh, cũng cần có ngôi nhà ấm cúng. Tiếng chú Hai Trưởng ấp nói vô.


- Mà đâu phải có mình gia đình dì được cất nhà đâu. Các gia đình Cảnh sát biển gặp khó khăn cũng đều được xem xét giúp đỡ cất nhà. Đây là trách nhiệm là đạo lý của hậu phương đối với những chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương. Tiếng Tám Quang, Bí thư xã tiếp lời.


Bà Tám nghẹn lời rồi bất chợt nhìn lên di ảnh của chồng và nhìn mông lung ra ngoài khoảng biển xanh thăm thẳm. Nỗi đau xót lại ầm ập tìm về như xé toang lồng ngực một người phụ nữ Việt Nam luôn tảo tần, nhẫn nhịn, đón lấy những đau thương mất mát đến với mình bằng trái tim nóng bỏng luôn chấp nhận sự hy sinh để đổi lấy độc lập tự do cho Tổ quốc. Biển vẫn xanh, màu xanh hy vọng. Biển vẫn mênh mông bất tận và chứa đựng, hòa quyện biết bao xương máu của rất nhiều người lính hải quân Việt Nam, trong đó có chồng bà.

Giờ đây đại dương bao la kia đang được giữ gìn bằng biết bao tấm lòng yêu nước trong đó có thằng Hoàng. Cứ mỗi lần coi truyền hình thấy cảnh tàu lớn Trung Quốc hung hăng đe dọa, máy bay Trung Quốc thám thính bầu trời, thấy cảnh tàu Việt Nam vừa tránh né, vừa yêu cầu chúng rút lui trong lúc đối phó với các vòi rồng hung hãn phun nước xối xả thì bà lại đến đốt nhang cầu nguyện trước bàn thờ chồng phù hộ thằng Hoàng và đồng đội bình an vượt qua nguy hiểm. Còn con Thùy cứ mỗi lần thấy trên ti vi những người Cảnh sát biển đang làm nhiệm thì cứ la toáng lên “… ba kìa mẹ ơi, ba kìa nội ơi…” làm cả nhà xót từng khúc ruột. Con nít mà. Thấy giống thì cứ kêu đại bất kể đúng sai để đỡ nhớ vậy thôi.


Sáng nay, người chủ nợ lại tới tìm bà. Đang rót nước mời khách chuẩn bị nói lời khất nợ thì điện thoại nhà vang lên:


- Mẹ. Con là Hoàng. Mẹ khỏe không?


- Khỏe. Cả nhà đều khỏe. Con công tác ngoài đó sao rồi?


Nói đến đó, bà Tám ra hiệu năn nỉ người chủ nợ nói thật khẽ về chuyện nợ nần như để trấn an người lính biển đang tranh thủ gọi về từ đại dương xa thẳm.


- Cũng còn gay go và phức tạp lắm. Bằng bất kỳ giá nào tụi con cũng chiến đấu tới cùng. Nhà mình lúc này sinh sống ra sao? Mùa mưa tới con lo quá. Căn nhà tình thương làm có kịp không mẹ? Nhà mình nghèo, lương con cũng chẳng lo cho gia đình đầy đủ như người ta. Mẹ tha lỗi cho con nghe mẹ.


- Con có lỗi gì đâu. Có hiếu nữa là đằng khác. Nhà cũng sắp xong rồi con ạ.


Nói đến đó thì điện thoại mất liên lạc. Bà Tám bần thần quay sang người chủ nợ đang đỏ hoe đôi mắt vì xúc động sau khi chứng kiến cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con bà.


- Thôi tui về đây. Chuyện nợ nần chút đỉnh tôi ủng hộ chị luôn. Thiệt bậy hết sức. Bấy lâu nay là hàng xóm của nhau mà tui bạc bẽo vô tình hết sức. Chị bỏ qua nghe. Nè bữa nào ăn mừng nhà mới tui tới tặng chị cái “ truyền hình” mặt phẳng để coi ba cái vụ Biển Đông. Tui “ quạo” mấy thằng “ chệt” nầy lắm rồi. Bà mẹ nó… làm ăn tầm bậy tầm bạ. Làm vậy giang hồ coi ra gì. Hứ. Thôi tui đi nghe.


Tiễn khách ra về trong sự xúc động và bất ngờ quá đỗi. Bà thật ấm ấp trong vòng tay yêu thương của quá nhiều người. Chỉ nay mai thôi những người lính biển khó khăn sẽ có được những căn nhà mới mang đầy hơi ấm hậu phương. Những căn nhà nghĩa tình ấy đang bay theo những chuyến tàu ra khơi giữa trùng dương lớn rộng với những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, để tạo nên sức mạnh thần kỳ đủ sức đẩy lùi những chiến thuyền hiếu chiến phương Bắc, đẩy lùi con quái vật 981, biểu hiện cho mộng bá quyền đang dần tan theo sóng biển độc lập Việt Nam.


Bà tin như vậy.

 

Triệu Mỹ Ngọc

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN