Hoa bần tím

Nàng gọi thành phố nơi nàng đang ở là Tây Phố, dịch sát nghĩa là “phố miền Tây”.

Tôi về Tây Phố vào một buổi chớm thu, trời cao xanh, nước sông mùa lũ dâng đầy, gió gờn gợn sóng, nắng xiên khoai, mây trắng đùn đuổi nhau chầm chậm phía chân trời. Xe chạy qua cây cầu dây văng cao ngất. Dòng trường giang hùng vĩ, bát ngát dài xa tít tắp, lục bình trôi tản mạn, những ven cây mờ mờ xa xôi, xanh thẫm.

…Hai tay nàng cầm hai con rắn bông súng đưa lên và đập mạnh, gọn gàng, dứt khoát xuống nền sàn! Hai con vật xấu số oằn oại, run, giãy giật tê tê rồi bất động chết ngon lành. “Rắn bông súng nướng lèo” là món ngon dân dã, hấp dẫn mà chút nữa chúng tôi sẽ được thưởng thức cùng các món họ nướng khác như: Cá lóc nướng trui, chuột nướng chao, ếch nướng mọi… Ấy là đặc sản, đặc trưng của ẩm thực phương Nam mùa nước lên. “Mấy con rắn mà bé Tiên nó xử là rắn lành, thường là rắn trun, bông súng, hổ hành, vi cá… Rắn độc như hổ đất (hổ mang), hổ chúa, nai gầm, lục đầu vồ đuôi đỏ, người ta phải “quản lý” nó kỹ, bởi sơ sảy, nó cắn, đổ thuốc không kịp là toi mạng như chơi! Đã có một tay thợ nấu của nhà hàng nọ “hy sinh” rồi”- Điền -bạn tôi nói.

Minh họa: Trần Thắng



Ấy là bữa tiệc chưa lấy gì xa xôi lắm. Năm ngoái ở cù lao. Nàng đưa đò chèo, kiêm hướng dẫn viên du lịch và kiêm luôn “thợ nấu”.

*
* *

Tôi đi dọc theo con đường xuyên giữa ruột cù lao về sát biển, dừng lại trước căn nhà nhỏ tuyềnh tàng ven con rạch đầy bần, lá mát rượi. Tôi gọi:

“Tiên ơi… Tiên ơi… có đưa đò không?”

Căn nhà cửa khép hờ, im ỉm. Tôi đứng tần ngần, bâng quơ nhìn quanh quất. Một bà lão từ trên mặt đê đi xuống đến gần tôi:

“Chú tìm con Tiên à?”

“Dạ. Năm ngoái tôi có xuống đây. Cô Tiên có đưa tôi đi tham quan rừng phòng hộ của cù lao”

“À…mấy chú là… Con Tiên đã đi làm ở CT”

“À, ra vậy!... Tiên làm gì trên ấy hở dì?”- Tôi hỏi“Nó nói là đi làm công nhân gì đó…lương bỗng cũng đỡ lắm. Ở dưới này đưa đò cực khổ mà tiền bạc chẳng có bao nhiêu!”- Bà ngoại Tiên nói như than thở. Năm nay bà hình như già hơn năm trước với mái tóc đã bạc nhiều.

Tôi nhìn dải rừng thăm thẳm, xanh um chập chùng những bần, lá, ô rô, cóc kèn, duối dại… lan dài theo con đê lấn biển, lòng nao nao nhớ về nàng- một cô gái quê đẹp mặn mà, chân chất như hoa đồng cỏ nội. Tiên đã bơi ghe đưa tôi đi vào sâu trong rừng. Tôi đã gặp hàng vạn bông bần tim tím rụng rơi, trôi giạt theo con nước mới lớn, dâng đầy bọt bèo với những chú cá bóng trườn mình lay lảy ven những bãi phù sa mới tinh khôi như chưa có dấu chân người… Ghe qua khúc cạn, Tiên xắn ống quần quá gối nhảy xuống đẩy. Tôi ái ngại định nhảy theo nàng. Tiên khoát tay bảo hãy ngồi yên, anh xuống mắc lầy ai kéo nổi! Bắp chân trần thon, săn chắc khỏe mạnh của cô gái mười chín tuổi làm tôi xúc động. Một cảm giác thăng hoa nhẹ nhàng, lãng mạn dâng lên như khi ta thưởng thức một bức tranh đẹp, mô tả về một thiếu nữ thanh xuân! “Tiên ơi! Em xinh quá… nữa về thành phố với anh nhé?”- “Anh trêu em hoài… Ai mà thương con gái nhà quê, nghèo như em” -“Vậy mà… có đó” - “Thôi anh ơi… để em đưa đò nuôi ngoại, nuôi em!”. Tôi nhớ hoài ánh mắt như biết nói của Tiên, làn da bánh mật, giọng nàng trong trẻo ngây thơ, mái tóc dài thơm thả ngang lưng. Chuyến về đất cù lao năm ấy tôi khó lòng quên được. Ba má của Tiên đã ly dị nhau lúc cô mới ba tuổi. Hai người ấy bỏ đi đâu chẳng ai biết, chỉ biết bà ngoại Tiên đã nuôi nàng từ lúc ấy với thu nhập của nghề đưa đò mướn.

“Tháng trước nó không biết uống rượu… Mấy ông tập hư con nhỏ!”- Anh Bá có vẻ không hài lòng lắm về việc nàng đã biết “nhậu” và mời ngược lại ông anh hơi khó khăn, đạo mạo này- Anh Bá là nhà thơ từ trong kháng chiến, từ rừng về, nên trong sâu thẳm của tâm hồn anh vẫn còn thơm mùi đồng đất quê hương- tôi và đám bạn bè, đàn em anh nghĩ vậy!

“Đã vào chốn này... Ở đây, một thời gian các cô gái ngây thơ của chúng ta sẽ rất sành sỏi và điệu đàng!”

“Các má mì huấn luyện các em rất kỹ, hơn cả người ta huấn luyện tân binh!”

“Có ai tập nàng nhậu đâu! Vấn đề chỉ là sự thích nghi để tồn tại!”- Một người bạn tôi nói.

Má mì Tuyết xuất hiện, kem phấn dầy da mặt, môi mỏ đỏ choét, miệng cười lẳng lơ:

“Mấy ông anh hài lòng chứ? Con bé này ở dưới quê mới lên”.

Cánh cửa phòng khép hờ bật mở. Một cô gái dáng dấp uyển chuyển bước vào với khay mồi nhắm và một chai rượu Tây;

“Mấy anh vui vẻ nhé?”

“Em uống với anh một cái thì mới vui!”

Tuấn nhấp một hớp rượu sóng sánh màu hổ phách rồi đưa cho cô gái.

“Trời ơi! Hình như là Tiên?- Tôi định thần nhìn kỹ. Chắc chắn là cô ấy rồi! Bởi vì trên mép môi trái khoảng chừng một phân về phía cánh mũi có một nốt ruồi duyên rất ưa nhìn! “Một đóa hoa đồng bưng luân lạc chốn phù hoa”- Tôi tự cảm thán với chút buồn man mác… Tôi nhớ con đò, bà lão, cánh rừng bần, mái lá tuyềnh toàng nép mình dưới chân con đê biển của dải đất cù lao xanh ngút bóng dừa…

Tôi hỏi Thùy Trang có về cù lao thăm ngoại không? - Thùy Trang là tên mới của Tiên - Những cô gái bán “bia ôm” thường có nhiều tên. Nghe nhắc tới ngoại, Trang bỗng dưng như khác hẳn: “Em nhớ ngoại lắm! Nhưng chưa về được vì em còn phải làm để trả nợ cho quán!”- Trang cúi đầu, dáng nhỏ nhoi tội nghiệp! “Hồi mới lên, chủ quán cho em mượn tiền để mua sắm quần áo, kem phấn và gởi chút ít về nhà…Bây giờ em phải ngồi bàn, uống rượu nhiều để có thêm tiền “bo” của khách!”- Anh Bá khi nghe được những câu tâm sự này của Thùy Trang chắc sẽ không còn trách bọn tôi tại sao mời rượu Thùy Trang. Đã bán bia thì phải biết “nhậu”!

Trang bây giờ đẹp sắc sảo, quyến rũ hơn xưa: Môi ướt hồng màu son, mắt long lanh, to đen với viền mi xăm khéo léo, làn da bánh ít đã được “lột” trắng mởn, sau đó được bôi lên một lớp kem bóng, mái tóc nhuộm vàng pha bạc rất thời thượng. Nàng là một trong những tiếp viên ăn khách của nhà hàng Karaoke “Đào Hoa”, được nhiều tay chơi săn đón, vồ vập.

Thời gian, rượu, thuốc, bạc bài, những cuộc truy hoan vô độ đã tàn phá nhiều cô thôn nữ mới hôm qua còn ngây thơ, khỏe mạnh với những ước mơ trong sáng…Có một điều mà tôi để ý và chiêm nghiệm ra - thấm thía, đau lòng - cứ cho là vu vơ đi chăng cũng được: Tiên và các bạn cô một khi đã ra đi, thường sẽ không bao giờ trở lại nơi chốn cũ cho dù thân xác, cuộc đời họ có tan nát, rã rời hay may mắn thành đạt, nên danh.

Không biết có phải là tại “ma dẫn lối, quỷ đưa đường” hay không mà sau một thời gian ở Đào Hoa, Thùy Trang đã nghiện hêrôin. Ban đầu nàng hít, sau đó hút và cuối cùng là tiêm chích cái chết trắng. Chỉ mới ba năm mà cuộc đời nàng xuống dốc không phanh. Nàng cũng đã không thực hiện được ước mơ cất lại căn nhà khang trang hơn cho bà ngoại. Nhưng bà Tư hình như cũng không cần chuyện ấy lắm, trong thâm tâm bà chỉ mong Thùy Trang trở về phụ bà đưa đò, lấy chồng đâu đó đàng hoàng và sinh cho bà cháu chắt ẵm bồng cho vui. Bà Tư đã mòn mỏi chờ Trang suốt ba năm… Một chiều mưa buồn trên đất cù lao, bà đã qua đời vì bạo bệnh trong căn chòi ướt dột cạnh chân đê, dưới rừng bần lưa thưa hoa tím, những cánh hoa nhỏ nhoi rụng rơi lả tả theo con nước lớn dâng đầy bèo bọt với những con cá bóng trườn mình lay lảy trên bãi đất phù sa ngai ngái mùi bùn, non mới, tinh khôi…

Tôi trở lại Tây Phố sau một thời gian xa cách. Một chiều nắng vàng mơ bên sông. Hoa phượng nở đỏ thắm trên những con đường ghi dấu nhiều kỷ niệm. Chẳng biết bây giờ Thùy Trang ở đâu?

Tôi đưa một người thân về yên nghỉ ở nghĩa trang MK. Bất chợt tôi gặp một người có dáng quen quen đang quét dọn khu vực lò thiêu. Một cô gái gầy ốm với mới tóc khô hanh và đôi mắt mỏi mệt.

“Cô Tiên ấy! Trước đây cô ta bán nhà hàng ở Tây Phố. Bị nhiễm H. Hoàn cảnh cô độc, không người thân, vô gia cư. Tiên đói khát, vào nghĩa trang phụ lặt vặt công việc hậu táng, hỏa thiêu, bốc xác… sống qua ngày nhờ vào lòng hảo tâm của thân nhân những người quá cố!”- Người quản trang quen tôi nói sơ về tình cảnh của cô gái trẻ, thân tàn ma dại kia…

Đúng là Tiên rồi. Đúng là Thùy Trang cùa quán Đào Hoa dạo nọ! Tôi xót xa đắng lòng, nhưng phải câm nín thôi. Tôi gởi người quản trang cho cô ấy một ít tiền và hẹn khi nào đó sẽ trở lại tìm cách giúp đỡ cô gái đáng thương này.

…Tây Phố mấy năm qua nhờ sự cố gắng của chính quyền và các ngành chức trách, nên AIDS… đã bị đẩy lùi ở đây!

Do Tây Phố có được nguồn tài trợ của quốc tế và là thí điểm điều trị AIDS theo phác đồ bậc 2 (cao hơn). Qua sự giới thiệu của tôi và người bạn quản trang, Tiên đã được tiếp cận với ARV miễn phí. Thật kỳ diệu, nhờ sức trẻ và quyết tâm sống, cùng với sự luyện tập, rèn luyện thân thể cộng thêm những việc làm có ý nghĩa, sau một thời gian không dài lắm, sức khỏe của Tiên dần cải thiện, phục hồi, cô lên cân, da dẻ hồng hào trở lại, khó có ai biết được cô có bệnh… AIDS bây giờ, gần như đã trở thành một căn bệnh mãn tính như những bệnh khác nếu như ta biết sống chung và không kỳ thị! Xét cho cùng, nói theo “duy tâm” thì đó là sự trừng phạt của thượng đế bởi sự sa đọa, đồi trụy của con người, còn nói theo “logic” tiến hóa của xã hội, sự phát triển về y sinh học thì đây là một bi kịch trong lịch sử sinh tồn của nhân loại.

Tiên phấn khởi nói với tôi: em tình nguyện xin phục vụ ở một bệnh viện điều trị đã từng nhiễm H, để chăm sóc cho những người bất hạnh như em. Trong ánh mắt cô gái ấy vẫn tràn đầy sự sống, niềm tin và hy vọng về một ngày mai…Sẽ không lâu lắm, đến một lúc nào đó người ta sẽ nhận ra mình, tha thiết yêu thương cái thể xác mà cha mẹ đã dày công sinh ra và nuôi dưỡng...

Đặng Hoàng Thám

Ông Sáu “Rạch Gầm”
Ông Sáu “Rạch Gầm”

Gió mùa này se se lạnh. Nước sông Tiền yên ắng lạ thường. Xa xa là cây cầu dây giăng Rạch Miễu. Trên đó những chiếc xe lớn chỉ còn là những chấm đen nho nhỏ cứ nối nhau qua cầu. Dòng người và xe hối hả ngày đêm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN