Điệp xưa

Đạp xe trên con đường hoa điệp, trời mưa, dưới gốc cây có một người đứng trú. Điều gì đó xui khiến cánh tay tôi lái xe vào. Cô gái đứng đó khép nép, mắt trân trân nhìn. Mưa tạnh, tôi vẫn chưa dám nói gì, định đạp xe đi. Cô gái ngỏ lời muốn đi nhờ. Tôi đồng ý. Cô nói: “Cảm ơn anh. Em đi dạo và ngắm hoa điệp, chẳng ngờ gặp mưa. Và gặp anh”. Câu nói nhí nhảnh của cô khiến tôi khoan khoái. Khi cả hai đều biết người kia đều yêu hoa điệp, chúng tôi quen rồi thân nhau. Cũng từ đó mà yêu. Nụ hôn say đắm có hương điệp vào một đêm trăng khiến tôi mãi nhớ. Ngọt lắm và đê mê lắm!

Con đường chẳng hiểu sao nhiều hoa điệp thế. Không biết ai đã trồng nó, chỉ biết khi lớn lên tôi đã thấy nó rực rỡ mỗi mùa. Hỏi mẹ, cả cha, họ cũng lắc đầu không nhớ là ai. Thôi, ai cũng được, miễn là mình được hưởng thành quả tuyệt đẹp này. Khi cùng với Phi đi trên con đường này, tôi đùa: “Hoa điệp do một nàng tiên thất tình xuống trồng trộm đấy, để tưởng nhớ người tình trong mộng. Khi về trời, nàng quên mất không mang về trời, nên hàng điệp mới xanh tươi và rực rỡ hoa đến ngày hôm nay”. Biết tôi đùa, Phi đế thêm: “Em có phải là nàng tiên đó không nhỉ, em nhớ người trong mộng, nên hiện hình thành người để ở bên anh?”. Chúng tôi cùng cười sảng khoái. Tiếng cười của tuổi trẻ và tình yêu hào phóng gác giòn giã trên cành điệp, ngấm vào hương hoa điệp và thoang thoảng đêm trăng tình.

Em tên Điệp Phi thì đẹp rồi. Nhưng con người mới đẹp nao lòng. Nội tâm không chê vào đâu được. Ngoại hình ai nhìn cũng mê. Tôi tự hào quá, sung sướng quá. Nhiều khi rộn ràng như cậu bé trong thơ ai đang tập tọe làm người lớn, tuy mình đã là một chàng trai. Tôi ra phố học đại học, còn Điệp Phi ở nhà làm nghề truyền thống cha ông để lại. Chao ôi, cái nghề thâm căn cố đế vất vả quanh năm đã giữ chân Phi lại, hay chính cái tính bảo thủ của bố em đã giữ chân em lại. Mơ ước làm cô giáo được ấp ủ từ lâu trong tâm hồn vốn trong sáng của Phi, nhưng em chẳng thể nào có cơ hội thử sức để thi thố. Nếu được thi, tôi tin em sẽ đỗ. Tôi đi rồi, thành ra lẻ loi trên phố, Phi lẻ loi ở quê và buồn bã đợi tôi về. Hàng điệp cũng lẻ loi thừa thãi ở con đường tăm tắp và giàu có tiếng chim ấy thì phải.

Minh họa: Trần Thắng

Thi thoảng tôi về, hai đứa ân ái trong hương quê mùa. Lúc đó mắt em đăm đắm, muốn được như tôi ra phố học, còn tôi muốn có em ở bên. Nhưng em chẳng thể nào cãi lời cha mẹ. Em phải tuân thủ lời của bề trên, sẽ lấy một người chồng giỏi nghề này, để giữ vững cái thương hiệu “Làng nghề - làng văn hóa” mà bố em hiện là trưởng làng. Ông muốn con rể mình là một gã ăn to nói lớn, giỏi nghề, kiếm được tiền và là chỗ dựa cho con gái ông. Nghề bánh cuốn đang được ưa chuộng ở thị xã, thành phố. Cứ mang nghề này ra, chẳng mấy mà thành tỷ phú. Thực ra ông đã “chấm” cho con gái mình một đám. Gia đình bố mẹ đôi bên đã ưng, chỉ chờ ngày. Còn tôi, một gã còn đang mơ ước con đường học hành chữ nghĩa ở làng bên. Bố mẹ em chưa biết chuyện tôi và em, nếu biết thì sự thể sẽ thế nào, chắc khó lường, hình như một lần em nói vậy.

Cái kim đã lòi ra khỏi bọc rồi, chuyện mỗi lần về quê tôi và Phi đi với nhau bố mẹ em đã biết. Ngay lập tức có phản ứng. Bố mẹ hỏi chuyện Phi và nhắc nhở rằng không được đi với ai khác, chờ ít ngày nữa gia đình kia sẽ sang nói chuyện. Phi nói cái chuyện điếng người này với tôi, rằng sẽ không gặp nhau nữa. Gần một năm trời yêu nhau để rồi nghe câu nói này, nhìn nhận sự thật phũ phàng này, sao mà chua xót. Tôi không chấp nhận, phải làm gì đó chứ. “Em cứ như vậy sao? Chúng ta yêu nhau mà. Em chịu để bố mẹ đặt đâu rồi ngồi đấy, giờ là cái thời nào rồi?”. “Hãy thông cảm cho em, em không thể cưỡng lại được. Em đã từng làm như vậy, nhưng tính bố em em biết, nói một là một, em chẳng thể nào phản kháng. Hãy vì em mà đừng gặp em nữa”.

Tôi ra phố, lao xao đi trong mưa một mình. Sao lại như vậy được! Mọi chuyện qua đi vô nghĩa vậy ư? Kẻ thất tình là tôi như một gã điên khùng bất chấp trời lạnh, vẫn để cho nước mưa táp ràn rạt vào người, vào mặt, thất thểu trên phố.

*

*    *

Ba tháng sau trở về quê, hàng điệp xưa đã bị cày lên nham nhở. Một con đường mới chuẩn bị được mở cắt ngang con đường hoa điệp. Tôi vì sao mà chẳng biết chuyện về dự án này. Rằng người ta sẽ mở con đường mới, xuyên qua khu vực xã tôi nhằm phát triển kinh tế vùng. Cũng có nghĩa là quê hương tôi sẽ đổi đời trong tương lai. Giờ tất cả mọi thứ đang bị cày xới, công trình dang dở. Người ta ra sức đo đạc, bán đất, dựng nhà... tất cả đang hồ hởi, gấp gáp trong không khí mới. Hàng điệp chỉ còn mấy cây xơ xác do bị máy móc va phải, bị xém khói. Có ai xa xót cùng tôi, khi hàng điệp tơi tả thế này(?).

Gặp Phi, em sợ sệt hơn là bẽn lẽn trong dáng vẻ tiều tụy. Chúng tôi trốn tất cả, rủ nhau về bờ sông gió xa xưa tâm sự và nuối tiếc cho hàng điệp đã sắp sửa đi vào dĩ vãng. Em khóc, ôm tôi mà nức nở: “Anh ơi, em khổ quá. Chẳng ngờ bố mẹ dẫn cho con cái mình một gã gần như dở hơi. Nếu người ngoài không để ý thì cứ ngỡ hắn bình thường, nhưng ở gần mới biết. Cứ nhìn thấy em là gã lại muốn lột quần mình ra, mà anh có biết không, hắn không có khả năng làm đàn ông”. Nghe em nói tôi điếng người. Tại sao em phải chịu khổ vậy, sao bố mẹ em nỡ...? Có thể ông bà cũng không lường được chuyện này. Tôi khuyên em nhất định không thể đồng ý lấy gã được. Gã hơn em sáu tuổi, hơn tôi năm, nhà giàu gần nhất vùng này. Có nghĩa gì cơ chứ, có nghĩa gì cho hạnh phúc của một cô gái. Tội nghiệp em vô cùng.

- Anh bảo em phải làm gì bây giờ? Bố mẹ em vẫn muốn em lấy gã đó. Vì cái lợi của bố mẹ em anh ạ.

Tôi đau thắt lòng. Biết làm gì, nói với em thế nào đây khi mà tôi chẳng làm được gì cả. Tôi mới chỉ là thằng nhóc đang còn phải học hành bằng tiền chu cấp của bố mẹ. Tôi sẽ làm được gì cho đời em ngoài tình yêu tuổi xuân vụng dại. Lúc này, tôi muốn nói với em rằng hãy yêu và cưới tôi, nhưng tôi đâu chứng tỏ được khả năng của mình trước gia đình em. Tôi là kẻ vô dụng, một thằng nhóc đứng trước người yêu đau khổ mà chẳng thể làm gì được để giúp đỡ. Gió quất vào tôi ràn rạt, tôi muốn đưa em về, nhưng Điệp Phi không muốn. “Nào có gì mệt mỏi bằng đoạn đường của em phía trước. Có về thì anh về một mình”. Tôi đành đứng lại với em, ít nhất là trong những cơn gió này, được cùng em đứng đây...

*

*     *

Ngày cưới em đã đến, nhưng đó là một ngày buồn tẻ khủng khiếp cho đời một cô gái đi lấy chồng. Đúng ngày cưới thì gã trai được em gọi là chồng, do bố mẹ sắp xếp đã dở chứng, bỏ vào buồng đóng kín cửa và gào khóc, không đi rước dâu. Nhà trai không biết xử trí ra sao, đã quá giờ đón dâu rồi mà không làm sao thuyết phục được chú rể mở cửa, phía nhà cô dâu ngóng mãi chẳng thấy nhà trai đến, cô dâu từ trước đã ri rỉ khóc, lúc này thấy họ mạc xôn xao chuyện rước dâu càng khóc to hơn. Phi lột bỏ áo cưới, đóng sập cửa lại không ra nữa. Đám cưới tiếng khóc nhiều hơn tiếng cười. Sau này, nhà trai chính thức có kết luận rằng chú rể bị bệnh về não. Phi xấu hổ không dám ra ngoài, khép kín đời mình ở nhà cùng nỗi buồn tưởng chừng không bao giờ nguôi ngoai.

Nghe mẹ nói mà tôi thắt lòng, mẹ bảo con Phi bên đó có tiếng là ngoan ngoãn, nào ngờ vì bố mẹ mà khổ. Tôi thấy hận những ông bố bà mẹ vì chính mình mà đã đơn giản hạnh phúc của con cái, để đời chúng khổ. Gặp Phi trên con đường làng, giờ vẫn bụi mù đất đá. Hàng điệp chỉ còn mấy cây đang cố trổ hoa nuối tiếc mùa xa. Phi buồn hơn xưa nhiều.

- Lâu rồi em mới ra ngoài, ra thì lại gặp anh. Độ này anh thế nào?

Tôi định nói tôi thế nào có quan trọng bằng Phi, nhưng phải nén lại những cảm xúc đó, tôi cần phải nghĩ cho em chứ không thể phũ phàng như một cơn mưa.

- Anh bình thường, còn Phi, em định thế nào?

- Em không biết nữa. Đời em tủi quá anh ơi. Anh cũng đừng gặp em làm gì nữa, chỉ làm cả hai đau đớn.

Rồi em bỏ chạy, chạy trốn tôi, chạy trốn nỗi buồn mình, nhưng làm sao trốn được. Sau đó, tôi lên phố học, cộng thêm nhiều việc riêng tư nên chẳng có thời gian về. Lâu lâu trở về hàng điệp, nó có vẻ xanh hơn độ nào, nhưng Điệp Phi thì đã lấy chồng. Em lấy một kỹ sư xây dựng đang thi công con đường chạy qua xã. Em chấp nhận lấy người đó để về phố. Về đó rồi, sẽ chẳng ai biết quá khứ của em, quá khứ mệt mỏi và buồn. Em cũng muốn né tránh tôi, nhưng Phi ơi, em có biết càng né tránh tôi, thì tôi càng thấy mình thật tội nghiệp, lẻ loi.

Sắp ra trường, tôi cũng có một cô gái của riêng mình, đưa về quê. Đi qua những cây điệp còn sót lại của mùa xa, thấy tóc người yêu rung rinh cười trong gió, lại thấy bóng dáng Phi ùa về nghẹn ngào. Đêm trăng sáng, ôm hôn người yêu bên gốc điệp, những chiếc ôtô ào ào đi qua đường lớn, tôi như thấy cả cơn gió vụng dại thuở thiếu thời mình ùa qua, có hương thơm từ mái tóc của Điệp Phi. Dù thấy có lỗi với người yêu, nhưng tôi chẳng thể cấm được lòng mình. Lúc này có lẽ em đang hạnh phúc bên gia đình, thì ở nơi quê, tôi cũng đang ôm một người con gái và nhớ về em. Xin hiểu một điều như vậy, cây điệp nhé, người xưa nhé.

Nguyễn Văn Học

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN