Một mùa thi nữa lại đến. Xa rời cổng trường đã hơn 10 năm vậy mà những cảm xúc ân hận và tiếc nuối vẫn trào dâng trong tôi. Tôi giận mẹ tôi và giận dỗi chính bản thân mình. Tôi học lớp chọn từ bậc tiểu học và mẹ luôn nhắc nhở tôi phải cố gắng danh hiệu số 1 của lớp.
Mẹ luôn nói với tôi rằng: “Thua thầy một vạn không bằng kém bạn một li”. Bà luôn muốn tôi giỏi nhất lớp, phải đạt danh hiệu trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Có lần tôi đỗ vớt học sinh giỏi huyện năm lớp 8, mẹ đã mắng tôi rất nhiều. Mẹ luôn giành làm hết việc nhà chỉ muốn tôi toàn tâm, toàn ý trong chuyện học hành.
Năm lớp 9 tôi đạt học sinh giỏi quốc gia và được tuyển thẳng vào lớp chuyên của tỉnh. Đó là niềm tự hào lớn của mẹ tôi và từ đây bước ngoặt chặng đời học sinh của tôi đã rẽ sang hướng khác.
Năm lớp 10 tôi vẫn đạt giải nhì môn văn cấp tỉnh, đứng trong tốp đầu của lớp. Nhưng tâm trạng tôi hoang mang và chán nản.
Tôi sống ở thôn quê giản dị và bố mẹ bao bọc tôi từ tấm bé. Ra thị xã, môi trường sống thay đổi hoàn toàn, tôi ngơ ngác và lạc lõng khi làm việc gì (ngoài việc học) tôi đều bị người khác chê bai, chế nhạo. Từ những việc rất đơn giản như nhóm bếp than, đi chợ mua rau, mua đậu... tôi cũng làm rất chậm chạp và hậu đậu. Từ đó tôi sống tự ti, khép mình vì tự thấy bản thân mình sao mà kém cỏi.
Những tâm sự nho nhỏ ấy cứ chất chồng lên không thể giải tỏa tâm sự với ai, tôi sống cô đơn và mặc cảm. Năm lớp 11 tôi xin mẹ chuyển về quê học, mẹ không đồng ý vì nghĩ học trên thị xã, tôi sẽ phát huy được hết khả năng của mình.
Điểm tựa tinh thần lung lay, tôi học hành chán nản và có biểu hiện trầm cảm từ đó. Lớp 12, mẹ chuyển tôi về quê, tôi chỉ sống vật vờ, học hành buông xuôi và tôi còn nghĩ mình không thể đỗ tốt nghiệp cấp THPT. Mẹ tôi chửi mắng tôi rất nhiều, mẹ nói mẹ nhục nhã vì tôi không học được khiến mẹ hổ thẹn không dám nhìn ai.
Mọi người xung quanh ai cũng nhìn tôi đầy thương hại. Những lời mẹ nói khiến trái tim tôi đau nhói, tôi càng sống mặc cảm và thu mình. Biết trước mình không thể đỗ đại học mà nhận được kết quả trên tay, tôi choáng váng như người say nắng.
Có lẽ 1 năm ở nhà ôn thi đại học lại, nếu mẹ gần gũi tôi hơn, động viên và khích lệ tôi cố gắng thì kết quả của tôi sẽ khác. 3 năm dài một mình tự chống chọi với căn bệnh trầm cảm (những năm 1999, 2000 ở quê tôi chẳng ai biết bệnh trầm cảm là gì, họ chỉ bảo là tôi học nhiều nên bị hâm), tôi thực sự kiệt sức.
Thi đại học lần hai, tôi trượt vì thiếu nửa điểm. Mẹ mắng nhiếc tôi là vô tích sự, ăn tàn phá hại. Trong một lần quá đau khổ vì mẹ chửi mắng không tiếc lời, tôi đã dỡ bỏ hết bằng khen, giấy khen thời đi học cùng sách vở ôn thi đem đốt hết.
Trái tim tôi như hóa đá, cũng từ ngày đó giữa tôi và mẹ có một hố sâu ngăn cách không gì xóa được.
Tôi rẽ ngang học trung cấp và đi làm, lấy chồng xa quê, sống ở một nơi hoàn toàn mới mẻ, không ai biết rõ về quá khứ đau buồn của tôi, lòng tôi thanh thản lạ lùng. Tôi sống vui vẻ và tự tin hơn, bệnh cũng tự khỏi. Tôi vĩnh viễn muốn xa rời quá khứ thời đi học, về quê gặp lại bạn bè cũ, mọi người thành đạt hơn tôi rất nhiều.
Bọn nó vẫn nói : “Sao ngày xưa mày học giỏi thế mà lại thi trượt?”. Tôi chỉ cười buồn mà nói “học tài thi phận”.
Ước mơ thời cắp sách đã lùi xa, sau bao năm nỗi đau dai dẳng thời đi học vẫn làm trái tim tôi buốt nhói.
Một chặng đường dài nhìn lại đủ để tôi nhận ra lầm lỗi mà bao dung cho chính mình cũng như nỗi oán giận mẹ tôi đã tiêu tan. Mẹ có lỗi gì khi quá kỳ vọng vào con cái? Mẹ tôi hẳn cũng rất đau lòng khi con đường học hành của tôi dang dở. Chỉ có điều mẹ đã sai khi nghĩ rằng roi vọt và mắng chửi mới khiến con nên người. Mẹ không chấp nhận khi con gái mẹ trượt ngã và thất bại...
Bài học hết sức đau xót mà mẹ dành cho tôi giờ thành liều thuốc đặc trị khi tôi có con. Cháu cũng sắp vào lớp 1. Tôi tự hứa với lòng mình,
tôi sẽ không bao giờ áp đặt con trong việc học hành để việc học sẽ không trở thành gánh nặng. Động viên con học hành, tạo tâm lý thoải mái và giúp con hòa nhập cuộc sống chính là điều mà tôi mong ước.
Theo PNVN