Cô độc

Thu chợt thức giấc, trời đã gần về sáng mà mẹ vẫn chưa ngủ. Cánh cửa khép hờ, dáng mẹ nhỏ bé, cô đơn cặm cụi đan chiếc túi len, thỉnh thoảng mẹ ngóng ra ngoài cửa. Mẹ trông ba về. Thu bước xuống giường, rót cốc nước đưa mẹ rồi bảo:

- Mẹ nằm nghỉ đi. Biết chừng nào ba về mà đợi. Sắp sáng rồi.

- Mẹ nhìn Thu hiền hòa: Con ngủ tiếp đi, sáng còn đi học. Ba con tiếp khách về khuya. Mẹ đợi vì lỡ ba say...

- Sáng mai mẹ cũng đi dạy mà? Kệ ba mà.

- Nghe lời mẹ đi con. Ngủ ngoan.

Thu lên giường nằm nhưng ấm ức lắm. Mẹ Thu là giáo viên, ba Thu là Trưởng phòng kinh doanh một công ty liên doanh nước ngoài.

Ảnh internet

Ba hễ đi thì thôi về đến nhà là tỏ ra khó chịu, suốt ngày chê mẹ chậm, cũ, lỗi thời từ hình thức đến tính cách. Mà có phải mẹ xấu xí, ăn mặc lôi thôi gì cho cam. Mẹ đẹp lắm. Tóc mẹ dài, mềm mượt; da mẹ trắng mịn màng, đôi tay mẹ khéo léo chăm sóc cho Thu, cho ba. Mẹ nấu ăn rất ngon. Mẹ duyên dáng và gọn gàng.

Lên lớp, mẹ mặc áo dài thướt tha, bạn bè Thu ai cũng khen, ông bà nội cũng yêu quý mẹ.

Ở nhà, mẹ lo chu toàn việc nhà, mẹ gọn gàng trong bộ đồ giản dị, phẳng phiu, tươi màu. Thế mà không hiểu sao ba chê mẹ hoài. Ba chê mẹ không biết sửa soạn cho vẻ ngoài hiện đại, quý phái để tỏ ra là người sang trọng, biết hưởng thụ cuộc sống. Ba muốn tóc mẹ khi thì uốn xoăn, khi thì ép thẳng, lúc thì nhuộm màu nâu, màu vàng để thay cho mái tóc dài đơn điệu.

Ba muốn mẹ mặc những bộ váy quyến rũ và đi trên đôi giày cao gót hoặc đôi bốt cao ba đã mua sẵn cho mẹ. Ba muốn khi đến những buổi tiệc, mẹ phải trang điểm thật đậm nét, mặc chiếc đầm ôm sát cơ thể; mẹ phải biết uống rượu tây, biết khiêu vũ và khi nói phải trộn lẫn ngoại ngữ trong tiếng Việt thế mới là sành điệu, thế mới xứng vợ của trưởng phòng một công ty lớn.

Mẹ bảo mẹ không hợp với không khí ấy. Mẹ chỉ quen với những điều giản dị, quen với nếp sống bình yên, với những chiếc áo dài, áo sơ mi, quần tây giản dị. Mẹ yêu mái tóc suôn dài không nỡ cắt, uốn, ép, nhuộm nó đi, bởi mái tóc ấy ngày xưa ba đã mê mẩn...

Thế mà giờ, ba hòa vào nhịp sống hiện đại, hòa vào không khí nửa tây nửa ta ở công ty ba, ba thay đổi, ba bắt mẹ thay đổi theo. Ba lại bắt mẹ bỏ nghề. Ba bảo lương giáo viên quèn không đủ để cho mẹ ăn sáng, ba đủ khả năng để cho mẹ và Thu ăn sung mặc sướng. Ba khó chịu, ba to tiếng với mẹ, ba bảo mẹ thật lỗi thời và quê mùa, tâm hồn mẹ thật già nua và cằn cỗi.

Mẹ chỉ mỉm cười, vẫn nhẫn nại, nhỏ nhẹ mong ba hiểu mẹ. Thu chưa hiểu hết thế nào là lối sống hiện đại, hợp thời? Lối sống mà ba Thu đã quy định cho mẹ và Thu phải chăng là lối sống hiện đại?

Hay ba đã hiểu sai đi?

Dù thời gian, xã hội, thời đại có thay đổi đến đâu Thu vẫn nghĩ rằng có cũ thì mới có cái mới, cuộc sống ấy phải là sự hòa hợp giữa những chuẩn mực truyền thống và hiện đại, hòa hợp những thói quen vốn có và tập những thói quen mới theo chiều hướng phát triển tích cực với sự thay đổi của thời đại. Hiện đại đâu cứ phải như những điều ba muốn...

Thu không thấy mẹ lỗi thời chút nào, gia đình chú Tuấn, cô Mai cũng làm ở công ty nước ngoài vậy mà đâu có như ba Thu, gia đình cô chú ấy vẫn sống giản dị với những điều đã có từ trước tới giờ. Ba triền miên trong những tiệc chiêu đãi, tiếp xúc đối tác. Ba căng thẳng suốt những giờ làm việc hết dự án này đến dự án kia...

Cuộc sống hiện đại cùng guồng quay khủng khiếp của nó cuốn ba đi và có khi đang nghiền nát ba mà ba không hay biết. Đây chẳng phải là lần đầu tiên ba về trễ. Nhiều lúc Thu thấy giận ba vô cùng. Không biết đến bao giờ ba mới hiểu được mẹ và Thu.

Điều Thu cần đâu phải là sự lột xác mọi thứ để cố biến mọi người thành những cỗ máy vô tri. Mẹ và Thu chỉ cần ba như trước kia thôi...

Thu trằn trọc không ngủ được. Thu miên man nghĩ và thương mẹ vô cùng, bóng mẹ in trên nền tường cô độc...

Ba vẫn chưa về...

Trời sắp sáng...

|Theo TGPN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN