Chị Lan sắp về. Hạnh không biết là mình nên buồn hay vui. Gần đây Hạnh hay nghĩ tới điều đó, vậy mà nghe tin, Hạnh vẫn còn cảm thấy bất ngờ, bởi vì Hạnh không nghĩ rằng chị Lan lại về nhanh đến vậy. Hạnh sẽ phải làm gì đây? Ở lại hay ra đi? Không! Hạnh sẽ nói cho Thắng hiểu, và ra đi là giải pháp tốt nhất.
Ngày… tháng… năm…
Anh à…!
Xin lỗi anh. Em rất buồn vì mọi việc lại trở nên thế này. Em là Hạnh. Thời gian vừa qua em đã phải sống trong đau khổ và tội lỗi. Đã gần hai năm trôi qua cũng đồng nghĩa với từng ấy thời gian em lừa dối anh. Xin anh hãy hiểu cho em bởi vì em không còn sự lựa chọn nào khác. Khoảng thời gian được ở bên anh, em hiểu được rằng anh yêu chị Lan biết chừng nào. Chỉ còn vài ngày nữa thôi chị Lan sẽ về anh ạ! Đã đến lúc phải trở về với đúng vị trí của mình. Sau khoảng thời gian dài xa cách, có lẽ đây cũng đúng là lúc anh chị cần phải được ở bên nhau. Cảm ơn anh vì những ngày tháng qua. Em sẽ luôn nhớ về anh! Chúc anh chị hạnh phúc.
Hạnh
*
* *
Cách đây gần hai năm chị Lan đã rời bỏ chốn quê nghèo nàn này vào Nam sinh sống. Chị bỏ đi vào lúc nửa đêm, trước khi đi chị còn ôm chặt lấy Hạnh mà khóc.
- Chị không muốn cả đời phải sống trong cái làng quê khốn khó này, tất cả chị nhờ em, ở nhà cố gắng chăm sóc bố mẹ.
Nghe chị nói, Hạnh cũng khóc theo.
Vậy là chị đi thật, bỏ lại sau lưng tiếng thở dài của mẹ, của bố.
- Biết phải ăn nói thế nào với người ta bây giờ. Chỉ vài ngày nữa là cưới mà nó bỏ đi đâu? Trời ơi là trời, con với chả cái.
Nhìn bố đấm ngực kêu than, Hạnh cũng đành im lặng, bởi chỉ có Hạnh là người hiểu chị hơn cả. Nhưng tại sao chị lại ra đi vào đúng thời điểm này. Chị đâu biết khi chị làm thế sẽ khiến biết bao nhiêu người phải khổ. Bố mẹ phải chịu cái tiếng với dân làng đã đành, lại còn đằng nhà anh Thắng- chồng sắp cưới của chị.
Chị đi được hai ngày thì điện về thông báo chị đang trong Sài Gòn. Qua điện thoại chị khóc rưng rức:
- Con cắn rơm cắn cỏ con lạy bố mẹ. Hãy tha lỗi cho con bởi vì con không còn cách nào khác. Bố mẹ đã cam chịu, nhưng con thì không. Con không thể sống trên mảnh đất cọc cằn một năm chỉ có hai vụ lúa, mỗi khi đến vụ màu thì lại trồng sắn, trồng khoai. Cứ như thế mãi con cũng không biết đến bao giờ mới giàu được.
- Mày nông nổi lắm con ơi! Mảnh đất này tuy nghèo nhưng ở đây còn có làng có xóm, có ông bà ông vải. Về đi con! Bố mẹ sẽ không mắng mỏ gì mày đâu.
- Không! Khó khăn lắm con mới vào được tới đây. Con không thể về, khi nào con kiếm được nhiều tiền lúc đó con sẽ về báo hiếu bố mẹ.
- Tao không cần mày báo hiếu? Chỉ còn vài ngày nữa là cưới rồi. Mày bảo tao phải ăn nói làm sao với người ta đây?
- Con xin bố! Nhưng cưới nhau về thì cuộc sống của chúng con cũng chẳng có gì thay đổi, anh ấy là con một nên không thể đi theo con và ngược lại, con sẽ bị bó buộc. Nhìn thấy ngày cưới đến gần con lại càng muốn đi, bởi vì con không thể đối diện với anh ấy.
- Thế là mày giết bố, giết mẹ rồi con ơi! - Giọng bố xót xa.
Vậy là hết! Bố Hạnh coi như đã để mất một đứa con mà ông đã mất bao công nuôi nấng từ khi sinh ra đến giờ. Lúc này ông chỉ còn có thể tưởng nhớ tới nó qua hình bóng của Hạnh.
Chị Lan và Hạnh cùng được sinh ra trong một lần mang thai của mẹ, vì thế mà hai chị em giống nhau như đúc. Chị Lan có một cái bớt nhỏ ở cổ, còn Hạnh thì không. Chính vì vậy mà trừ bố mẹ ra, người ngoài khó mà phân biệt được. Đúng là cha mẹ sinh con trời sinh tính. Về ngoại hình thì hai chị em giống nhau, nhưng về tính cách thì lại khác nhau một trời một vực. Chị Lan mạnh mẽ đầy cá tính, còn Hạnh thì điềm đạm ít nói. Nếu xét về điểm này thì đúng thật, chẳng ai bảo họ là chị em cùng cha sinh mẹ đẻ.
Suy ra tính vào mãi, cuối cùng bố mẹ cũng quyết định, Hạnh sẽ thay chị Lan lên xe hoa về nhà chồng. Còn Lan, bố mẹ sẽ che lấp bằng cách bảo Hạnh đã lên thành phố xin việc. Thương bố mẹ khỏi phải chịu cái tiếng với làng xóm, Hạnh đành chấp nhận hi sinh, nghe theo sự sắp xếp của bố mẹ.
*
* *
Hạnh về nhà chồng một cách thuận buồm xuôi gió, dần quen với tiếng gọi Lan ơi! Kể từ đó Hạnh cũng không thấy chị Lan liên lạc gì nữa.
Chẳng mấy chốc đã gần hai năm. Cuộc sống mới làm Hạnh thay đổi. Lúc đầu có thể chưa quen, nhưng dường như mưa dầm thấm lâu, dần dần Hạnh cảm nhận được tình cảm của mình dành cho Thắng. Ở lâu Hạnh mới hiểu Thắng là một người tốt bụng, suốt ngày chỉ biết chăm lo cho gia đình, đó cũng chính là cuộc sống mà trước kia Hạnh đã từng mơ ước, và Hạnh đã yêu Thắng lúc nào không hay. Nhưng đổi lại, ngày ngày Hạnh phải sống trong sự thấp thỏm, dằn vặt. Mỗi khi nghe Thắng gọi mình là Lan, Hạnh vừa cảm thấy đau lại vừa thấy mình có tội. Hạnh không phải là người Thắng yêu thương mà Hạnh mãi mãi vẫn chỉ là cái bóng của người khác, Hạnh đã phải núp trong cái bóng đó âm thầm lặng lẽ gần hai năm trời: Cái kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra. Nếu đến một ngày bị Thắng phát hiện thì chắc là Hạnh sẽ không sống nổi, anh sẽ không bao giờ tha thứ và coi cô là một kẻ giả dối. Rồi còn chị Lan nữa, chị cũng có thể trở về vào bất cứ lúc nào. Khi đó Hạnh sẽ phải tính sao đây. Bây giờ mọi thứ đã trở thành sự thật: Chị Lan đánh điện cho bố thông báo vài ngày nữa sẽ về. Hạnh như ngồi trên đống lửa chờ đợi từng ngày trôi qua.
Tất cả đã kết thúc, Hạnh cảm nhận nỗi đau nơi lồng ngực. Trước đây trái tim Hạnh chưa một lần rung động. Còn bây giờ? Với Hạnh- Thắng trở thành tất cả, và sắp tới sẽ là cha của đứa con đang được hình thành trong bụng đã được gần hai tháng trời. Hạnh còn chưa kịp chia sẻ với Thắng về niềm hạnh phúc khó tả ấy. Bình thường Thắng tin tưởng Hạnh biết bao nhiêu. Thắng sẽ không bao giờ chấp nhận, bởi Hạnh biết điều Thắng ghét nhất chính là sự giả dối.
Đã đến lúc Hạnh phải trở về với đúng vị trí của mình. Hạnh sẽ không còn phải sống trong dằn vặt, lo lắng. Bây giờ điều Hạnh hi vọng nhất chính là chờ cho đến khi đứa trẻ chào đời. Nó sẽ trở thành niềm hạnh phúc duy nhất để Hạnh có thể vượt qua được tất cả. Hạnh hôn nhẹ lên trán chồng một lần cuối trước khi xách hành lý rời khỏi nhà. Bức thư Hạnh đã để sẵn trên mặt bàn. Chỉ một lúc nữa thôi, khi Thắng tỉnh dậy anh sẽ biết sự thật, lúc ấy Hạnh đã ở một nơi xa xôi và sẽ không phải nhận ánh mắt lạnh lùng của Thắng.
Chuyến xe lăn bánh. Hạnh trở về với vùng quê ngoại yêu thương, nơi mà hai chị em đã từng gắn bó với biết bao nhiêu kỉ niệm. Từ ngày ngoại mất, căn nhà cũ kĩ thành bỏ hoang, chỉ mỗi khi buồn Hạnh mới trở lại chốn này.
*
* *
Một tuần trôi qua không êm ả!
Thắng ngán ngẩm nhìn cánh cửa đã bị khóa trái, nhưng khi nhìn sâu vào bên trong mới thấy cây cối um tùm. Đó là một khoảng không gian rộng rãi và mát mẻ. Bây giờ anh mới hiểu tại sao Hạnh lại thích nơi đây. Vậy mà phải khó khăn lắm anh mới tìm thấy được. Tất cả là nhờ Lan.
Hạnh không có nhà. Thắng vội vàng cài bức thư vào then cửa.
…
Em thân yêu!
Em có nhớ đêm đầu tiên của chúng ta không? Hôm đó anh đã bỏ đi uống rượu không về ngủ, vì thực tình lúc đó anh đã biết em không phải là Lan. Lan có chiếc bớt nhỏ ở cổ, còn em thì không. Nhưng anh cho rằng đó là số phận, mà số phận thì không thể thay đổi bởi ván đã đóng thuyền. Cũng trong thời gian đó Lan không hề biết em đã thay thế cô ấy nên đã gọi điện cho anh, Lan cầu mong anh tha thứ. Anh thừa nhận lúc đầu anh đã có một chút tự ái vì biết mình đang bị lừa gạt, nhưng những ngày gắn bó bên nhau chính em đã làm cho anh nhận ra rằng người anh yêu là em chứ không phải là Lan. Dù Lan đã về nhưng em biết đấy: Tình yêu không thể miễn cưỡng… Em hãy nhanh chóng về bên anh nhé! Anh đợi em.
Thắng
*
* *
- Hai mẹ con Lan đi rồi em ạ!
Hạnh giật mình nhận ra tiếng Thắng sau lưng.
- Anh đã tìm em khắp nơi và Lan đã nói cho anh biết. Cách đây gần một năm Lan có gọi điện cho anh nói là đã sinh con trong đó. Nhưng vì hoàn cảnh của chúng ta lúc ấy nên anh không tiện nói với em.
Thật vậy sao? Chị Lan đã có con? Mắt Hạnh ngân ngấn nước. Không giấu nổi niềm cảm xúc. Hạnh chợt nhìn xuống bụng mình rồi lấy tay xoa nhẹ. Khoảng trống trong lòng vụt tắt, chỉ còn lại đâu đây giọng nói ấm áp của Thắng. Thắng đang thì thầm: Em ơi! Mình về thôi!
Kiều Huy Thức