Thủy nhận ra ngôi nhà nghỉ nằm bên mép nước. Rất may là nó vẫn còn đó mặc dù đã được sửa sang đôi chút.
Bảo người tài xế cho xe dừng lại, cô đi bộ một đoạn. Biển chiều Nha Trang quá đỗi tuyệt vời. Thủy ngồi trên bờ cát đón những cơn gió lồng lộng thổi về từ biển. Ngày đó, thực ra cô và Thứ đâu có nhiều thời gian để mà ngắm biển. Trong kứ ức của cô mỗi khi nhớ đến nơi này chỉ là tiếng ầm ào của biển và tình yêu dào dạt của anh, như những con sóng kia đang cuống quýt xô vào bờ cát.
- Phòng tầng hai, bên trái...
- Dạ, vẫn còn, thưa chị!. Nhưng là phòng đôi!
- Được rồi, tôi sẽ trả giá phòng đôi!
- Dạ...Vậy chìa khóa của chị đây!
- Tôi có mang theo đồ ăn tối. Tôi không muốn bị làm phiền.
- Dạ!
Thủy mở cửa bước vào phòng mỉm cười mãn nguyện, đúng căn phòng năm xưa. Cô mở toang cửa sổ, hơi biển ùa vào, mặn mòi vẫn như ngày nào...
Ngày ấy, tốt nghiệp đại học, Thủy chưa có việc làm. Hơn Thủy bảy tuổi, Thứ đã là người đàn ông thành đạt. Họ quen nhau và rồi tình yêu đến rất ngọt ngào. Không như gia đình Thủy chỉ có hai chị em và là gia đình viên chức, gia đình Thứ có tới bảy anh em mà anh là người thành đạt nhất. Chị cả của Thứ, người đàn bà hiền dịu chỉ kém mẹ Thủy vài tuổi, bảo “Cậu ấy khôn lỏi từ nhỏ!”. Chỉn chu, đúng mực, anh được lòng hầu hết lũ bạn của Thủy. Chúng gật đầu phán “Được!”. Mẹ không nói gì. Bằng tuổi Thủy bây giờ, bà đã sinh con đầu lòng. Bố thì bảo: “Bố không cấm con nhưng bố không thích nó. Nó là thằng hẹp bụng. Còn như con đã nặng lòng với nó thì tùy con”.
Ngày đó, họ đến Nha Trang vào lúc xế chiều. Thuê phòng xong, Thủy theo anh xuống bãi. Hai người ăn tối qua loa bên bờ biển rồi trở về phòng nghỉ. Anh dìu cô lên giường. Thủy với tay tắt đèn, Thứ bật lên, Thủy lại tắt. Thứ không nói gì, anh chồm qua như con sóng, dữ dội, ngọt ngào. Thủy ngất ngây hạnh phúc. Để rồi cho đến bây giờ, ám ảnh trong cô chính là tiếng sóng biển ngoài kia, ầm ào.
Lên xe hoa về nhà chồng, đứa con đầu lòng đã hơn hai tháng tuổi trong bụng mẹ. Thứ bảo thế là đại hỷ. Chị gái anh cũng lấy làm mừng: “Lấy chồng rồi sinh con, đời đàn bà chỉ mong có thế, mợ ạ!”. Chỉ có bà mẹ chồng là nhìn cô với ánh mắt lạnh lùng. Cũng may Thủy không phải sống với nhà chồng, trước khi cưới, Thứ đã mua nhà riêng. Sinh con trai kháu khỉnh, bụ bẫm, mãi đến khi thằng Thắng đi mẫu giáo, Thủy mới tính chuyện đi làm. Cầm tờ quyết định của Thủy, cánh tay Thứ run lên bần bật. “Sao em định đi làm mà không nói với anh?”. “Anh có lúc nào rảnh mà em nói. Với lại, em cũng mới nộp đơn, không ngờ họ đã gọi...”. “Anh có để em thiếu thốn đâu. Hay là từ tháng sau anh đưa thêm tiền để em chi tiêu...”.
Thủy nghẹn giọng: “Anh tưởng em đi làm vì tiền à?. Anh tưởng em lấy anh cũng vì tiền ư?...”. “Hứ! Đi làm không phải vì tiền thì vì cái chó gì! Tôi sai ở đâu à? Cô giỏi thì cứ đi... Nhà này rồi sắp có nhiều chuyện hay đây”. Anh xô đũa đứng dậy. Thằng cu con khóc òa. Thủy thấy lòng chát đắng. Đó là vết rạn nứt đầu tiên sau những tháng ngày hạnh phúc.
Thủy đi làm nhưng vẫn xắp xếp thời gian cho chồng con, cố gắng không để xảy ra nhiều xáo trộn. Có lẽ Thứ cũng đã thấy mình vô lý. Thủy thấy bà chị chồng nhắn nhe “Cậu ấy bướng bỉnh hiếu thắng từ nhỏ. Mợ chấp nhặt làm gì, vợ chồng lựa nhau mà sống.” Thủy cũng chẳng mang chuyện cũ ra nhắc lại làm gì, dù rằng chẳng dễ gì quên được.
Một hôm, nằm gối đầu lên tay chồng, Thủy bảo: “Em nhắn bà ngoại mai lên chơi với thằng cu”. “Ừ. Bảo bà ở lại chơi với con vài bữa”. “Em cũng định thế, vì tuần sau em phải đi tập văn nghệ buổi tối để tham gia liên hoan tiếng hát công nhân viên chức....”. “Cái gì- Thứ gạt Thủy ra- Đủ rồi đấy!. Nhà này chưa đến nỗi phải để vợ đi làm đêm. Cô tưởng cô cao giá lắm à? Tôi cấm. Cô mà cố ý thì đừng có trách!”. Nhìn con đang say giấc, Thủy cắn chặt môi, nuốt nước mắt vào trong. “Thằng này hẹp bụng...” . Thủy bỗng nhớ đến câu nói của bố ngày nào. Hôm sau mẹ lên, Thủy không dám hé răng nửa lời về chuyện đêm hôm trước. Thứ nhìn cô hả hê.
Thấm thoắt rồi cu Thắng đã học lớp hai. Nhìn bề ngoài, cuộc sống vẫn êm trôi nhưng bên trong, những vết rạn nứt dần hiện hình ngày một nhiều lên như những vết chân chim trên cánh đồng thiếu nước.
Một hôm, Thứ đi làm về muộn, sặc sụa hơi rượu. Ném chiếc cà vạt xuống nền nhà, anh lè nhè: “Nhà này được phúc nhỉ. Liệt tổ, liệt tông chưa có ai làm đến chức trưởng phòng. Giờ cô con dâu lên chức trưởng phòng nghiệp vụ hàng tháng nay mà không ai biết, lẽ ra phải làm lễ khao làng...”. Thủy điếng người. Nhưng rồi cô chỉ nói: “Anh say rồi, đi ngủ đi!”.
Sáng hôm sau Thủy xách va ly xuống cầu thang. “Hôm qua anh say quá nên tôi không nói được. Tôi đi công tác ở Huế dự hội nghị toàn quốc về công tác thư viện. Tôi đã gửi con cho ngoại”. “Không đi đâu hết!. Tôi cấm cô!” Thủy gạt tay Thứ, bước ra. “Choang!”. Tiếng động vang lên chát chúa. Thủy biết rằng Thứ đã cầm vật gì đó ném vỡ vụn chiếc gương to treo tường. Những mảng thủy tinh rơi xuống va vào nhau loảng xoảng nhưng cô quyết không quay đầu lại.
Đi công tác mà lòng Thủy buồn nặng nề. Khi trở về, nhìn thấy khoảng tường trống nơi trước kia là chiếc gương soi, lòng lại cồn lên. Thứ lầm lầm lì lì. Thủy muốn tranh luận cùng anh đến tận cùng sự việc nhưng Thứ thì không. Bao giờ cũng vậy, anh không xin lỗi cũng không muốn nhắc lại, xem như việc đã rồi, cuối cùng chẳng bao giờ ngã ngũ là ai đúng, ai sai.
Những cuộc nhậu triền miên. Những đợt công tác dài ngày. Thứ càng ít thời gian cho vợ con. Thủy lặng lẽ chịu đựng. Vô tình một hôm lên mạng, vào trang riêng của anh bắt gặp một loạt ảnh chụp anh cùng với một người đàn bà. Thủy nhận ra đó là Phượng, người yêu cũ của Thứ.
Sau này, Thứ một mực nói là chỉ vô tình gặp Phượng, chụp chung mấy kiểu ảnh làm kỷ niệm. Thủy chẳng có lý gì để mà dằn vặt anh. Biết tính Thứ không muốn nhắc lại chuyện cũ, Thủy cũng cố quên đi nhưng không quên được, càng không giả vờ quên được. Cuộc sống chăn gối của hai người hết sức tẻ nhạt.
Độ này, Thứ học thêm một lớp nghiệp vụ, thi thoảng phải ngủ lại cơ quan vì làm buổi tối. Hôm ấy, Thứ vội vã đi sau bữa cơm chiều, trước khi cơn mưa ập đến. Nằm một mình đến phát chán, Thủy rón rén trở dậy khép cửa đi ra ngoài. Mưa đã ngớt, Thủy cho xe chạy chầm chậm. Đang lang thang chẳng biết rẽ vào đâu thì trụ sở cơ quan Thứ bỗng lù lù hiện ra. Cổng sáng ánh đèn nhưng phòng làm việc của Thứ ở trên gác hai tối om. Trong nhà để xe chỏng chơ mỗi một cái xe máy của anh bảo vệ. Thủy chột dạ nhưng rồi cô bình tĩnh quay về.
Chiều hôm sau trời lại đổ mưa. Cơm nước xong thấy Thứ dắt xe ra cửa Thủy giả vờ ướm hỏi “Anh đi à, trời còn mưa đấy!”. “Thì phải cố cho xong bài tiểu luận chứ!”. Thứ phóng xe đi Thủy cũng gọi một chiếc taxi bám theo. Anh đi lòng vòng một lúc rồi rẽ vào một con ngõ nhỏ và dừng lại trước một biệt thự sơn màu tím. Đó là một khách sạn. Giàn hoa giấy buông những bông hoa đỏ tím phủ kín chiếc cổng lớn của ngôi biệt thự. Có người ra dắt xe và anh đi sâu vào trong. Về nhà, cả đêm Thủy không ngủ. Thủy gọi điện cho những người bạn của Thứ. Trong cơn phẫn nộ, Thủy vừa van xin, vừa xỉ vả họ. Cuối cùng, Thủy cũng có được cái điều mình muốn. Đó là lời xác nhận Thứ ngoại tình. Người đàn bà mà Thứ đang theo đuổi là cô bạn cùng lớp học thêm.
Hôm sau, trời vừa tảng sáng Thủy đã vùng dậy. Cô ra đầu đường gọi mấy cửu vạn vào dỡ đi giàn hoa giấy đang kỳ nở rộ những chùm hoa đỏ tím, buông phủ kín sân nhà. Thứ rất yêu giàn hoa này nên Thủy đã kỳ công chăm sóc. Thủy mang con về ở nhà mẹ đẻ.
Rồi sau hơn nửa năm trời, Thủy phải quay lại cái nơi mà cô đã tưởng mình sẽ không bao giờ trở lại. Thứ xin lỗi. Lần đầu tiên trước Thủy. Nhưng điều làm cô thay đổi quyết định chính là câu nói của mẹ: “Mẹ đồng ý cho mày bỏ thằng Thứ, nhưng với điều kiện mày phải đứng vậy nuôi con cho đến chết, bằng không, coi như mày phải nhắm mắt sống vì thằng Thắng...”.
Thứ hối lỗi, chiều chuộng Thủy như ngày mới cưới. Nhưng cuộc sống vợ chồng vẫn có phần gượng gạo. Một hôm, đi làm về Thủy thấy dì Phổ đang lúi húi nấu cơm. “Dì lên chơi..”. Dì Phổ lúng túng: “Mẹ chị bảo tôi lên ở với anh chị, cơm nước giặt giũ mấy lại đón đưa thằng Thắng...”. “Vâng thế cũng tiện ạ. Dì cứ ở lại...”. Dì Phổ là dì họ của Thủy. Chồng mất sớm, hai cô con gái đã đi lấy chồng xa, ở quê dì sống một mình. Tối đến, chờ dì Phổ đi nằm Thủy mới điện về cho mẹ. “Mẹ thấy chúng mày bận bịu, quần áo chất đống cả tuần mới giặt nên mẹ bảo dì lên giúp. Con đừng ngại. Dì Phổ sống một mình cũng buồn. Công xá thì tùy con. Dì chẳng qua cũng là quý con quý cháu...”.
Từ ngày có dì Phổ nhà cửa lúc nào cũng sạch bong. Vợ chồng Thủy đi làm về là có cơm nóng canh ngọt. Thủy cũng có thời gian để chăm sóc chính mình. Một hôm, dì Phổ đồ một nồi xôi to tướng làm Thủy phát hốt. “Tôi làm rượu nếp. Mẹ chị gửi lên mấy chục trứng gà bảo tôi ngâm rượu nếp cho anh chị ăn. Tôi trông anh chị cứ xanh xanh. Để đấy tôi làm cho mà ăn rồi lại chẳng hồng hào ra!”.
Dì Phổ ngâm trứng gà vào hai bình rượu nếp, hạ thổ đúng một trăm ngày rồi mới đào lên. Đều đặn mỗi sáng, dì múc cho hai vợ chồng mỗi người một quả. Hôm đầu tiên, Thứ cứ ngửi ngửi, hít hít mãi mới dám ăn. Sau rồi cả hai đều nghiện cái món tẩm bổ cổ truyền ấy. Ăn gần hết hai hũ rượu, Thứ bảo: “Dì ngâm nữa đi. Mà một trăm ngày nữa mới lại được ăn, lâu nhỉ!”. Nhìn cái vẻ thòm thèm của Thứ, Thủy phì cười. Hôm đó, thấy trong phòng ngủ có hoa tươi, Thủy lẩm nhẩm: “Dì Phổ dở giời à, lại mua hoa cắm ở trong này!”. “Anh giở giời đấy!i”. Thứ kéo Thủy nằm xuống, lâu lắm, hai vợ chồng mới lại có một đêm như thế.
Chín tháng sau Thủy sinh con gái. Thứ mừng cuống quýt, cái vẻ thành thực của anh làm cô cảm động. Bây giờ thì bé Thái Anh đã được hơn hai tuổi, nó theo bà Phổ còn hơn theo mẹ.
Hôm nay là sinh nhật Thủy. Nói với Thứ là phải ra Hà Nội họp, cô cố tình để quên di động ở nhà. Bây giờ thì sẽ chẳng ai biết cô đang ở đâu. Nằm trong căn phòng nhỏ được bao bọc bởi tiếng sóng biển ầm ì, Thủy suy nghĩ miên man. Mười ba năm trước, cũng vào ngày này, ở chính căn phòng này, cô đã trao thân gửi phận cho Thứ. Hạnh phúc là gì nhỉ?. Cái gia đình bé nhỏ mà hai người đã gây dựng nên tưởng chừng như hạnh phúc sẽ đủ đầy mà đã bao lần cơn bão đi qua.
Miên man trong suy tưởng, Thủy giật thót khi nghe có tiếng gõ cửa. Đã gần mười hai giờ khuya. Định thần lại, Thủy nghĩ là ai đó nhầm phòng. Nhưng tiếng gõ cửa lại vang lên, dứt khoát. “Ai đó?. Tôi đã bảo là không làm phiền mà!”. “Anh đây!” - một giọng nói quen thuộc. “Anh đây! Thứ đây! Mở cửa đi em”. Thủy lao ra mở cửa. Thứ xuất hiện cùng với bó hồng nhung tươi thắm. Phút chốc, mùi hương hoa tràn ngập khắp căn phòng. “Chúc mừng sinh nhật em!”.
Trong vòng tay Thứ, Thủy lặng yên nghe sóng biển thì thầm. Đêm nay biển lặng, tiếng sóng dịu êm như ru.
Vi Thị Thu Đạm