Xây dựng TP Hồ Chí Minh an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em

Sáng 29/11, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới TP Hồ Chí Minh cùng Cơ quan Liên hiệp về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn năm 2025 đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố.

Chú thích ảnh
 Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới thành phố phát biểu tại Hội nghị. 

Chiến lược, Chương trình trong giai đoạn mới đặt ra mục tiêu chung là tiếp tục xây dựng các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách về giới trong ngành, lĩnh vực nhằm tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ, nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố. Chiến lược, Chương trình hướng tới thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới thông qua việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng dân cư; rà soát nghiên cứu các cơ sở cung cấp dịch vụ hiện có để cải tạo, nâng cấp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu về giới.

Chương trình cũng đặt chỉ tiêu cụ thể giai đoạn 2025 - 2030 đạt 60% - 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tăng tỷ lệ nữ làm giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt từ 27% - 30%; tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương từ 50% - 60%... Chương trình đặt chỉ tiêu, đưa ra giải pháp chủ yếu để phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong lĩnh vực y tế; giáo dục đào tạo; thông tin truyền thông… hướng đến xây dựng Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh bình đẳng giới là vấn đề toàn cầu được nhiều quốc gia quan tâm. Việc phụ nữ được bình đẳng với nam giới khi tham gia mọi hoạt động của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, được thừa hưởng mọi thành quả của tiến bộ xã hội là biểu hiện của một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

“Do vậy, Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố tập trung rà soát các hoạt động, mô hình; xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực về bình đẳng giới; đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành, lĩnh vực hiểu đúng, hiểu đủ về bình đẳng giới và hệ lụy của định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới ảnh hưởng đến sự phát triển của cá nhân, gia đình, xã hội”, ông Đức nhấn mạnh.

Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức và đơn vị liên quan chủ động rà soát, lựa chọn cụ thể một vấn đề về bình đẳng giới về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong ngành, lĩnh vực để xây dựng đề án hoặc chương trình hành động. Đồng thời, các đơn vị tăng cường thu thập thông tin, dữ liệu tách biệt về giới tính trong từng hoạt động chuyên môn để làm cơ sở đánh giá tác động giới và ngân sách có trách nhiệm giới trong các chính sách, chương trình, dự án của ngành, lĩnh vực.

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự Hội nghị.

Theo ông Đức, để thay đổi các định kiến giới, các hành vi bạo lực bị ảnh hưởng bởi các quan niệm văn hóa, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, tổ chức và cả cộng đồng; hơn hết mỗi người cần tỏa thông điệp về bình đẳng giới. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông, báo chí và bản thân các nhà báo, phóng viên có vai trò quan trọng trong việc truyền thông xóa bỏ định kiến, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới trong xã hội.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội Quận 10, TP Hồ Chí Minh cho rằng, công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên để tạo sự chuyển biến nhận thức. "Ai cũng có người thân là trẻ em và phụ nữ do vậy, mỗi người tự ý thức để lan tỏa tinh thần về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên sở giới, hướng đến xây dựng Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em'', bà Hồng chia sẻ.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hiệp về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam cũng đánh giá cao các hoạt động của Thành phố về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đặc biệt, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức nhiều hoạt động để hạn chế bạo lực trên cơ sở giới, như: “Ngân sách có trách nhiệm giới”, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nạn nhân, đường dây nóng tiếp nhận và xử lý, “Mô hình dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố”…

Theo bà Elisa Fernandez Saenz, UN Women cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Thành phố trong thực hiện các hoạt động về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Trong đó, có các hoạt động hỗ trợ về kỹ thuật, nâng cao năng lực cho các cấp ngành, cộng đồng về vấn đề bình đẳng giới nhằm tăng cường không gian an toàn cho phụ nữ, trẻ em vì một Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em…

Dịp này, nhiều hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022” trên địa bàn Thành phố cũng được tổ chức.

Bài, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
Thúc đẩy hành động vì bình đẳng giới
Thúc đẩy hành động vì bình đẳng giới

Sáng 27/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 với chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN