Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các hoạt động này nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lý sau khi điều trị xong COVID-19, can thiệp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng, giảm chức năng và sức khỏe; góp phần bảo đảm an sinh, bảo vệ lực lượng lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố.
Theo đó, ngành y tế sẽ xây dựng hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho người dân hậu COVID-19, cùng với đó là phát triển nền tảng số của thành phố về dữ liệu sức khỏe của người dân hậu COVID-19. Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, đây là một trong những dữ liệu quan trọng về sức khỏe ban đầu để tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân; quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân hậu COVID-19.
Bên cạnh đó, ngành y tế thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu: “Bệnh lý hậu COVID-19”, tăng cường hợp tác quốc tế về các chương trình phục hồi sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sau đại dịch COVID-19.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị các bệnh viện công lập và ngoài công lập xây dựng mô hình điều trị các bệnh lý sau mắc COVID-19 phù hợp khả năng điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình 3 tầng. Cụ thể, tầng 1 thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu COVID-19 mức độ nhẹ; tầng 2 gồm những bệnh viện đa khoa quận, huyện thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu COVID-19 mức độ trung bình; tầng 3 là những bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch.