Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu, mặc dù TP Hồ Chí Minh đã công bố cấp độ dịch tương ứng cấp độ 2 nhưng số ca mắc vẫn còn ở mức độ 3 nên kế hoạch ứng phó của Thành phố với dịch bệnh vẫn đang đặt ở mức độ 3. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh phải thận trọng trong thời điểm này dù số ca mắc mới giảm liên tục, số ca tử vong và chuyển nặng cũng giảm.
"Thực ra, nếu chỉ dựa vào tiêu chí số ca mắc mới trên 100.000 dân/tuần thì hiện nay Thành phố tương ứng cấp độ 3. Tuy nhiên, do TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi đạt tỷ lệ trên 99% và tỷ lệ tiêm đủ liều cho người trên 65 tuổi đạt trên 91%, chiếu theo tiêu chí của Nghị quyết 128 của Chính phủ thì Thành phố được xếp vào nhóm nguy cơ cấp độ 2", ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng cho biết, từ cuối tháng 10/2021, ngành y tế TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn toàn tự lực kiểm soát dịch bệnh khi các đoàn y tế chi viện cho Thành phố đã rút đi. Do đó, người dân không được chủ quan, lơ là trong việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
“Tôi lo lắng khi người dân thấy đánh giá cấp độ 2 cũng như chủ quan vì đã tiêm vaccine mà không tuân thủ 5K, các quy định an toàn thì nguy cơ lây lan dịch sẽ khiến số ca mắc mới tăng lên, không ngoại trừ khả năng số ca nặng tăng lên”, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo.
Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện Thành phố đang điều trị cho 10.996 bệnh nhân, trong đó có 746 trẻ em dưới 16 tuổi, 286 bệnh nhân nặng đang thở máy và 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 24/10, TP Hồ Chí Minh có 689 bệnh nhân nhập viện, 539 bệnh nhân xuất viện, 40 trường hợp tử vong.
Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố cấp độ dịch tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Theo đó, có 9 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đạt cấp độ 1; 12 quận, huyện đạt cấp độ 2; riêng quận Bình Tân là đơn vị duy nhất còn cấp độ 3.