Tại buổi lễ phát động, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, quanh năm. Tuy nhiên, tháng 4 được chọn là tháng hành động vì an toàn thực phẩm bởi đây là thời điểm chuyển mùa, nóng nhất và cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy về an toàn thực phẩm.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, chấn chỉnh các hoạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm từ ngày 15/4 đến ngày 15/5, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Điểm nhấn của chương trình tháng hành động là sẽ kiểm tra không báo trước các bếp ăn trường học trên địa bàn Thành phố.
“Bằng bất cứ giá nào cũng không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Việc phòng ngừa và xử lý ngộ độc thực phẩm phải được thực hiện hiệu quả. Muốn như vậy, chúng ta phải phòng ngừa từ đầu. Sở đã có những đợt kiểm tra, giám sát và chỉ ra những sai phạm, xử lý kịp thời; thực phẩm đi vào những bếp ăn tập thể phải đạt tiêu chuẩn, quy trình chế biến bảo đảm sạch sẽ”, bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nền ẩm thực TP Hồ Chí Minh phong phú với nhiều nét riêng biệt cũng là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch. Chính vì vậy, công tác đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm càng quan trọng hơn.
Theo đó, để tháng hành động đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả cao, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đề nghị Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh quan tâm đến an toàn thực phẩm trong và xung quanh các trường học, thậm chí nghi ngờ có thực phẩm chứa ma túy được bán xung quanh các trường học gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, Thành phố cần lưu ý về việc chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, đặc biệt hình thức kinh doanh online. Các biện pháp kiểm soát đối với loại hình kinh doanh này cần được quan tâm và thay đổi để phù hợp với tình hình mới; công tác giám sát, quản lý và xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm cũng cần có những thay đổi để đáp ứng được sự thay đổi này.
Theo đại diện Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, trong tháng hành động năm 2024, Sở An toàn thực phẩm thành lập 11 Đoàn kiểm tra với thành phần gồm các cán bộ, công chức, viên chức của Đội Quản lý An toàn thực phẩm, Thanh tra Sở và đại diện chính quyền địa phương; xác định cụ thể đối tượng kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh… với số lượng dự kiến kiểm tra 2.366 cơ sở.
Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; chú trọng kiểm tra về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng an toàn của sản phẩm thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ; đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm; ghi nhãn, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm...