Tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều 25/4, đại diện Ban quản lý Đường sắt Đô thị TP Hồ Chí Minh đã thông tin về kế hoạch triển khai cụ thể việc đốn hạ cây xanh cũng như định hướng tái thiết lập mảng xanh tại khu vực này sau khi Dự án Metro số 2 Bến Thành – Tham Lương hoàn thành.
Ban quản lý Đường sắt Đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện trạng hệ thống cây xanh hiện hữu bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có tổng cộng 453 cây, chủ yếu thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Theo thiết kế, tuyến Metro số 2 có chiều dài hơn 11 km với 10 nhà ga, trong đó có 9 ga ngầm và 1 ga trên cao. Các nhà ga ngầm, đoạn đào hở, nhà ga trên cao của dự án tuyến Metro số 2 được bố trí dọc theo các tuyến đường từ khu vực chợ Bến Thành, đường Phạm Hồng Thái, Cách mạng Tháng 8, đường Trường Chinh, nằm trong các khu vực dân cư đông đúc… Bên trong phạm vi nhà ga và tiếp giáp với ranh dự án có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm và nổi hiện hữu. Do đó, việc di dời/bứng dưỡng và đốn hạ hệ thống cây xanh là cần thiết để có mặt bằng phục vụ cho công tác thi công di dời - tái lập các hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi cho các công trình chính của dự án.
Theo phương án xử lý cây xanh do Ban Quản lý Đường sắt đô thị lập, được Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua tại công văn số 1501/UBND-ĐT ngày 14/4/2023, đã được lấy ý kiến phản biện của Liên hiệp hội Khoa học thì tổng số cây xanh phải di dời và đốn hạ để phục vụ công tác thi công của Dự án Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương là 453 cây xanh. Trong đó, có 49 cây xanh loại 1 sẽ được di dời và 404 cây xanh bị đốn hạ.
Theo kế hoạch, việc di dời/đốn hạ số cây xanh trên sẽ được chia thành hai giai đoạn. Trong giai đoạn 1 sẽ có 24 cây xanh bị đốn hạ và 1 cây được di dời để phục vụ thi công các công trình cấp, thoát nước, điện, viễn thông… của dự án; công tác này bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2024 đến tháng 7/2024. Trong giai đoạn 2 sẽ có 48 cây được di dời và 380 cây bị đốn hạ để phục vụ thi công các nhà ga ngầm của dự án; công tác này dự kiến thực hiện từ năm 2026 khi các nhà ga của tuyến metro số 2 chính thức được khởi công xây dựng.
Ban quản lý Đường sắt Đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, sở dĩ lượng cây xanh được bứng dưỡng, di dời không nhiều vì qua thực tiễn cho thấy, việc bứng dưỡng cây xanh để trồng lại có tỷ lệ sống rất thấp, trong khi đó, chi phí bảo dưỡng lại rất cao. Ngoài ra, cây xanh có kích thước lớn khi bứng, di dời buộc phải cắt phần lớn rễ. Do bị cắt các rễ lớn nên khả năng tái tạo rễ như cũ là không thể, vì vậy không thể trồng lại trên đường phố vì nguy cơ ngã đổ là rất cao. Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Thành phố đã yêu cầu các nhà thầu, đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá, nghiên cứu phương án tối ưu nhất nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ cây xanh bị đốn hạ.
Theo Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Thành phố, việc thực hiện di dời, đốn hạ cây xanh khi làm những công trình trong thành phố, trong đó có công trình xây dựng dự án tuyến Metro số 2 là sự lựa chọn bất khả kháng. Tuy nhiên, cần phải thực hiện để có mặt bằng thi công dự án, và sau khi thi công xong công trình dự án sẽ thực hiện tạo mảng xanh và trồng lại cây xanh theo thiết kế đồng bộ với công trình Metro số 2. Việc thiết kế tái bố trí cây xanh, mảng xanh trong phạm vi ảnh hưởng của tuyến Metro số 2 sẽ được thực hiện một cách khoa học, đồng bộ.
Hiện việc tái tạo mảng xanh và trồng lại cây xanh tại các vị trí nhà ga tuyến Metro số 2 hiện đã được bố trí trong dự án CTF/Quỹ công nghệ sạch do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ và được Ban Quản lý dự án công trình giao thông làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm các hạng mục: tạo cảnh quan và trồng cây xanh tại các nhà ga tuyến Metro số 2 cũng như tăng cường khả năng tiếp cận của người dân khi đưa dự án vào vận hành khai thác như cải tạo vỉa hè, trạm dừng xe buýt, bãi đậu xe, cầu/hầm bộ hành... đảm bảo đồng bộ với công trình Metro số 2 sau khi được hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác.
Hiện Ban Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục phối hợp nhà thầu chuyên ngành di dời cây xanh xem xét phương án chuyển đổi từ việc đốn hạ sang bảo vệ/di dời đối với các cây có vị trí gần mép phui đào và có khoảng cách, bán kính vùng an toàn bảo vệ cây/rễ nhỏ nhằm mục đích giảm số lượng cây xanh cần xử lý đốn hạ/di dời.