TP Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù

TP Hồ Chí Minh đang rất khẩn trương chuẩn bị về tâm thế, các nội dung, các điều kiện để triển khai hiệu quả Nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Chú thích ảnh
Ngày 27/6, Báo Người Lao Động tổ chức Hội thảo "Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh".

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa bế mạc cách đây 3 ngày, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đã được thông qua với 481/487 đại biểu tán thành, chiếm tỉ lệ 97%. Từ ngày 1/8/2023, khi Nghị quyết chính thức có hiệu lực, với nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt là cho phép thí điểm những mô hình mới, cách làm mới, TP Hồ Chí Minh sẽ có cơ hội tối ưu hóa mọi nguồn lực, tiềm năng sẵn có để phát triển vượt bậc. Đây là chìa khóa quan trọng không chỉ cho TP Hồ Chí Minh mà còn thúc đây phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như lan tỏa cho cả nước.

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, đây là cơ chế, chính sách đặc thù khổng lồ nhất từ trước đến nay mà Quốc hội thông qua, gồm 44 cơ chế, chính sách. Cụ thể: 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết 54; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế đang quá trình trao đổi, thông qua thời gian tới mà TP Hồ Chí Minh được đi trước; 27 cơ chế, chính sách chỉ dành riêng cho TP Hồ Chí Minh. 

"Điều đặc biệt, đây là một nghị quyết được sự đồng thuận rất cao từ đại biểu Quốc hội khi đạt hơn 97%. Điều đó cho thấy, sự đồng thuận và ủng hộ rất cao đối với TP Hồ Chí Minh với mong muốn khơi dậy đúng mảng đất của những con người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới; không chỉ giữ vững mà phát huy hơn nữa tính đầu tàu cả nước", ông Hoàng Văn Cường nói. 

Chú thích ảnh
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ ý kiến tại hội thảo. 

Trong khi đó, theo ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao động, việc được trao những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội sẽ giúp TP Hồ Chí Minh tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế, đặc biệt huy động được các nguồn lực ngoài xã hội cho đầu tư, phát triển; tạo điều kiện cho Thành phố phát huy vai trò đầu tàu kinh tế, dẫn dắt cả nước như mục tiêu được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết,  TP Hồ Chí Minh rất mong muốn lắng nghe các ý kiến của các diễn giả, các chuyên gia… để giúp Thành phố hiện thực hóa nghị quyết, để nghị quyết triển khai đạt được kết quả cao nhất. TP Hồ Chí Minh cũng đang rất khẩn trương chuẩn bị về tâm thế, các nội dung, các điều kiện triển khai Nghị quyết này. Đầu tháng 7/2023, sẽ tổ chức hội nghị toàn TP Hồ Chí Minh để triển khai Nghị quyết. Trong quá trình đó, TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các cơ quan trung ương, các viện, trường, các chuyên gia để cụ thể hóa hơn các cơ chế, chính sách, sắp xếp ưu tiên để triển khai trong thời gian sắp tới.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh là địa phương có tiềm lực để phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch vượt trội.

"Chúng tôi hiểu rằng, việc triển khai Nghị quyết sẽ có những khó khăn nên TP Hồ Chí Minh sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan trung ương, chuyên gia để có những sự chuẩn bị tốt nhất. TP Hồ Chí Minh rất mong muốn các cơ quan trung ương hỗ trợ TP Hồ Chí Minh để triển khai Nghị quyết đạt kết quả cao nhất, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội TP Hồ Chí Minh vượt bậc hơn", ông Phan Văn Mãi nói.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết: "Hiện nay TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch, sẽ trình 8 tờ trình tới HĐND Thành phố về các cơ chế chính sách…; từng quý sẽ có nhiệm vụ riêng như quý 3 có 11 nhiệm vụ, quý 4 có 34 nhiệm vụ… Thành phố cũng đang trong quá trình hoàn tất Nghị định để triển khai các cơ chế cụ thể trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thành tất cả cơ chế chính sách để thực hiện. Bộ KHĐT đang phối hợp với Thành phố để ban hành Nghị định sớm nhất triển khai nghị quyết này".

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh muốn thực hiện nghị quyết mới cần quan tâm tới con người, bộ máy hành chính và sự liên kết khi thực hiện.

Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, để Nghị quyết mới đi vào hiện thực, Trung ương cần tạo cho TP Hồ Chí Minh sự chủ động nhiều hơn nữa, nhất là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, để trong quá trình thực hiện Nghị quyết phải liên tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ phía Trung ương mà không phải đợi đến 3 năm sơ kết hay 5 năm. Ngoài ra, Trung ương cần tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh thực hiện thành công mô hình chính quyền đô thị, phát huy vai trò đầu tàu. Với sự chuẩn bị tốt, tâm thế tốt, Thành phố sẽ phát huy tinh thần của "chiến binh"; tinh thần của doanh nhân; tinh thần năng động, sáng tạo của người dân để TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững.

Để hiện thực hóa Nghị quyết, TS Trần Đình Thiên gợi mở 3 việc quan trọng cần làm ngay. Trước tiên là công tác con người, đó là cho phép TP Hồ Chí Minh có cơ quan chức năng phù hợp với mình; cho phép chủ động biên chế cấp cơ sở. Trong đó, TP Hồ Chí Minh cần nhấn mạnh vào để sắp xếp lại bộ máy tổ chức hiệu quả, chịu trách nhiệm cá nhân, công việc có đầu mối rõ ràng…

Thứ hai, phải thống nhất quan điểm, nhận thức là thực hiện Nghị quyết mới hiệu quả,  không chỉ là nhiệm vụ của TP Hồ Chí Minh, là việc riêng của TP Hồ Chí Minh mà phải là sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả, tích cực từ Trung ương. Trung ương phải có một sự đảm bảo mạnh mẽ để Thành phố thực hiện tốt, hiệu quả Nghị quyết.

Cuối cùng là phối hợp hành động, nghĩa là cơ chế, chính sách này cần được mở ra cho cả ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Bốn địa phương này đã liên kết trên nhiều lĩnh vực, giờ liên kết được thể chế này sẽ tạo động lực phát triển mạnh kinh tế - xã của cả  vùng.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh hợp tác với vùng Ile-de-France về kinh tế, bảo tồn di sản
TP Hồ Chí Minh hợp tác với vùng Ile-de-France về kinh tế, bảo tồn di sản

Vùng Ile-de-France ủng hộ phương hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và hai địa phương sẽ phối hợp với nhau để nghiên cứu, xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế, bảo tồn di sản và chuyển đổi sinh thái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN