Các cấp, ngành chức năng của Thành phố đã lên kế hoạch chủ động ứng phó với triều cường nhằm hạn chế tình trạng ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước đỉnh triều tại các trạm trên sông, kênh rạch TP Hồ Chí Minh từ ngày 7-10/11 lên chậm nhưng ở mức cao, cần đề phòng ngập úng ở các vùng trũng thấp. Cụ thể, mực nước đỉnh triều tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn lần lượt trong các ngày 7/11 là 1,72 m; 8/11 là 1,69 m; 9/11 là 1,7 m và 10/11 là 1,68 m. Tại trạm Nhà Bè, mực nước ngày 7/11 là 1,66 m; 8/11 là 1,68 m; 9/11 là 1,68 m và 10/11 là 1,67 m.
Riêng trong ngày 7/11, mực nước đỉnh triều tại trạm Phú An dự báo đạt 1,72 m thuộc nhóm mực nước cao. Với đỉnh triều cường như trên, nguy cơ ngập tại một số tuyến đường trục chính như Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Quận 7); Phạm Hữu Lầu, Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè); Quốc lộ 50, Trịnh Quang Nghị (huyện Bình Chánh) và các khu vực dân cư lân cận các tuyến trục chính... Trước tình hình triều cường tiếp tục đạt mức cao, nhiều người dân Thành phố chủ động điều chỉnh sinh hoạt hàng ngày trong thời gian xuất hiện triều cường.
Anh Phùng Ngọc Long, ngụ đường Trần Xuân Soạn (Quận 7) chia sẻ, cứ mỗi đợt triều cường là tuyến đường này lại ngập nặng gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Nhiều người vì tránh ngập nên phải vòng đường khác để đi khiến những tuyến đường lân cận bị kẹt xe nghiêm trọng mỗi khi cao điểm. Anh Long cho biết, người dân trên đường Trần Xuân Soạn đã quen với cảnh ngập do mưa lớn và triều cường nhưng những năm gần đây, tình trạng ngập ngày càng trầm trọng, năm sau lại ngập nặng hơn năm trước.
Chị Trần Hồng Lan, ngụ phường Thảo Điền (thành phố Thủ Đức) cho biết, tình trạng ngập do mưa lớn hay triều cường ở đây đã kéo dài nhiều năm nên mỗi khi đến mùa mưa hoặc các đợt triều cường, người dân phải kê đồ đạc lên cao. Nhiều hộ phải “huy động” cả gia đình để rào chắn cửa, tát nước tràn vào nhà, lau dọn. Đợt triều cường cuối tháng 10 vừa qua, suốt cả một tuần, ngày nào gia đình chị cũng phải thức đêm để "đắp đê, tát nước", mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn. Sau mùa ngập năm nay có thể gia đình chị phải nâng nền nhà.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo triều cường tại Nam Bộ sẽ còn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 1/2023, mỗi tháng 2 đợt, tương đương còn 6 đợt triều cường. Trong 6 đợt triều cường này, riêng 3 đợt triều cường vào những ngày cuối tháng 11/2022, cuối tháng 12/2022 và tháng 1/2023, độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu sẽ trên 4 m. Trường hợp triều cường trùng với thời kỳ gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh sẽ làm gia tăng ngập lụt tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển và cửa sông khu vực ven biển Nam Bộ.
Để chủ động ứng phó với đợt triều cường, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Công văn khẩn số 38/BCH-PCTT đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát… để kịp thời xử lý, gia cố bờ bao xung yếu, không để xảy ra tình trạng bể, tràn bờ bao, sự cố cửa van gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cùng phối hợp với các quận, huyện chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kiểm soát, vận hành các cửa xả, cống kiểm soát triều, trạm bơm; kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra.
Đồng thời, phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an Thành phố bố trí máy bơm nước di động để khắc phục các điểm ngập do triều cường gây ra. Các chủ đầu tư những dự án giao thông, hạ tầng đô thị cũng chủ động tổ chức kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý những sự cố về đê bao, kè, cống, kênh dẫn dòng xung yếu thuộc phạm vi dự án của đơn vị.