Màu trắng sẽ là điểm nhấn chủ đạo của cầu đi bộ qua sông Sài Gòn để tạo sức hút thị giác dưới ánh nắng mặt trời, qua đó có thể nhấn mạnh được biểu tượng của cây cầu có hình lá dừa nước. Mặt khác, khi chiếu sáng vào ban đêm, màu trắng của cầu đi bộ sẽ là nền cho việc chiếu sáng nghệ thuật chuẩn nhất.
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, sở dĩ chọn phương án hình tượng lá dừa nước là nhằm tối ưu hệ thống cột dưới lòng sông và đưa hệ cột về gần bờ tạo tĩnh không dưới nước lớn, tránh va đập tốt hơn khi có tàu thuyền qua lại dưới sông. Đây cũng là một mô hình kiến trúc độc đáo, ấn tượng, chưa trùng lắp, giản dị, có sức hút cho người dân và khách du lịch khi đến TP Hồ Chí Minh. Đề xuất này cũng được đầu tư khá chu đáo, có cơ sở, chính xác và hứa hẹn đạt hiệu quả cao.
Từ năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn và đến nay mới chọn được mô hình thiết kế phù hợp, có ý nghĩa với TP Hồ Chí Minh.
Địa điểm xây dựng cầu đi bộ được xác định tại vị trí giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn. Vị trí cầu ở phía Quận 1 sẽ nằm trong khu vực công viên bến Bạch Đằng (gần với phố đi bộ Nguyễn Huệ). Còn phía bên bờ thành phố Thủ Đức được chọn nằm tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A, phía Nam quảng trường trung tâm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngoài ra, để người dân dễ dàng tiếp cận cầu đi bộ, một cầu bộ hành sẽ được xây dựng băng qua đường Tôn Đức Thắng. Dự kiến, cầu đi bộ này nằm tại đường Nguyễn Huệ kết nối công viên bến Bạch Đằng, Quận 1. Đồng thời, bãi đậu xe máy được bố trí tại vị trí ga tàu cao tốc bến Bạch Đằng và phía Khu đô thị mới Thủ Thiêm để người dân thuận lợi khi đến đây vui chơi, giải trí.
UBND TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu khởi công cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn vào dịp 30/4/2025 để chào mừng kỷ niệm 50 ngày thống nhất đất nước. Công trình hoàn thành kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng kiến trúc mới ở TP Hồ Chí Minh.