TP Hồ Chí Minh cấp thiết phải chuyển đổi sang công nghiệp cao, có giá trị gia tăng lớn

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, việc chuyển đổi công nghiệp không chỉ là lựa chọn, mà còn là yêu cầu cấp thiết để phát triển kinh tế bền vững. Để làm được như vậy, TP Hồ Chí Minh cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.

Chú thích ảnh
Ngày 24/9, UBND TP Hồ Chí Minh và Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Đối thoại hữu nghị năm 2024, với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển” .

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của TP. Mục tiêu của TP Hồ Chí Minh là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030. Qua đó, không chỉ duy trì sự đóng góp của TP vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của TP trong cả nước và khu vực, duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững. 

"Hiện nay, cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong thị trường quốc tế, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Trong đó, nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, gắn kết thương mại với phát triển bền vững. Vì vậy, để duy trì sự hiện diện vững chắc trên thị trường toàn cầu, TP Hồ Chí Minh cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn này. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, đồng thời, tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị cho sản phẩm...", ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, thế giới đang chứng kiến những chuyển đổi mang tính thời đại, điển hình là cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển bứt phá, nhưng cũng đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ. Phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và các công nghệ mới làm thay đổi nhanh chóng các mô hình sản xuất, kinh doanh truyền thống. Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp là giải pháp then chốt giúp các quốc gia tạo ra sự phát triển bứt phá, vươn lên.

“Muốn chuyển đổi công nghiệp thành công, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng các mô hình, phương thức hợp tác để cùng nhau kiến tạo hệ sinh thái chuyển đổi công nghiệp. Mặt khác, TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, cần phải tiên phong trong chuyển đổi công nghiệp, để đưa ngành công nghiệp trở thành một động lực tăng trưởng của TP trong giai đoạn mới. Khi TP Hồ Chí Minh chuyển đổi công nghiệp thành công sẽ giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn, tạo ra nhiều giá trị kinh tế cao hơn”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết thêm.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng công nghệ cao trong phát triển công nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp tăng năng suất lao động lên đến 30% trong vòng 10 năm tới, từ đó giúp giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và tăng cường khả năng cạnh tranh. Vì vậy, doanh nghiệp ngành công nghiệp cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong phát triển công nghiệp. Thực tế, có khoảng 60% sáng kiến chuyển đổi công nghiệp thành công là kết quả của sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong và ngoài nước.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết - Ngân Tuyền/Báo Tin tức
Khai mạc Đối thoại hữu nghị TP Hồ Chí Minh năm 2024
Khai mạc Đối thoại hữu nghị TP Hồ Chí Minh năm 2024

Sáng 24/9, UBND TP Hồ Chí Minh khai mạc Đối thoại hữu nghị Thành phố lần thứ 2 - năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN