TP Hồ Chí Minh cảm ơn các lực lượng tuyến đầu chống dịch

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Thành phố luôn ghi nhận và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những hy sinh của các lực lượng tuyến đầu đã đồng cam cộng khổ cùng chính quyền Thành phố chống dịch COVID-19 trong 4 tháng, giúp TP Hồ Chí Minh tiến gần với mục tiêu đưa người dân trở lại cuộc sống “bình thường mới”.

Lấy sức dân lo cho dân

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, hơn 100 ngày tham gia chống dịch COVID-19 cũng là chừng ấy thời gian TP Hồ Chí Minh kiên cường chiến đấu với biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm, trong lúc chưa có kinh nghiệm gì để ứng phó. Đến nay, Thành phố đã ngăn chặn làn sóng lây nhiễm và phủ sóng vaccine trên toàn địa bàn, từng bước chuẩn bị mở cửa lại nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ quân y thăm khá cho các F0 đang cách ly tại nhà. 

Tuy nhiên, trong những ngày giãn cách xã hội, cuộc sống bình thường của người dân chuyển sang một trạng thái không ai mong muốn khi sức chịu đựng về thể chất và tinh thần luôn bị thử thách. Chính vì vậy, các cấp chính quyền và mặt trận đoàn thể TP Hồ Chí Minh đã ngày đêm làm việc hết sức, hết lòng để san sẻ những khó khăn cho người dân, mang lại cuộc sống an sinh xã hội một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, không để ai phải thiếu ăn, khó khăn trong mùa dịch.

Cũng theo ông Phan Văn Mãi, trong đợt dịch đang diễn ra, thành phố có trên 132.000 người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch các cấp. Thành phố cũng đón nhận gần 30.000 lực lượng từ ngoài thành phố đến hỗ trợ, đưa tổng số người ở tuyến đầu chống dịch lên đến trên 160.000 người. Đặc biệt, Thành phố còn có hàng ngàn lực lượng ở cơ sở ngày đêm lăn lộn với hoạt động phòng, chống dịch. Trong số đó, có không ít cán bộ cơ sở đã bị phơi nhiễm, trở thành F0, thậm chí có người đã mất. Đây là tổn thất lớn đối với chính quyền TP Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19.

"Chúng tôi rất trân trọng sự tham gia, đóng góp của lực lượng tuyến đầu TP Hồ Chí Minh, cũng như lực lượng tăng cường, đặc biệt trân trọng sự hy sinh của cán bộ cơ sở trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Nhờ có các lực lượng này, người dân thành phố được chăm lo an sinh ngày đêm và được chăm sóc sức khỏe tận tình để yên tâm cách ly tại nhà an toàn… Tất cả những nỗ lực và sự chung sức, đồng lòng của người dân cùng chính quyền Thành phố, tôi tin rằng dịch bệnh sẽ sớm qua và mọi người sẽ được trở về nhà sum họp cùng gia đình sớm nhất. Để cảm ơn các lực lượng tuyến đầu chống dịch, hiện nay TP Hồ Chí Minh cũng đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể dành cho lực lượng trực tiếp, gián tiếp tham gia phòng, chống dịch với các khoản tiền hỗ trợ 1 lần; đồng thời tăng cường thêm trợ cấp, chế độ đãi ngộ khác để các cán bộ tuyến đầu chống dịch yên tâm công tác…”, ông Phan Văn Mãi nói.

Chú thích ảnh
Những chiến sĩ áo xanh tích cực tham gia hỗ trợ giúp phân chia rau củ để đi trao quà an sinh cho người dân trong mùa dịch.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm, vừa qua HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua quy định về đối tượng, mức chi và nguồn kinh phí thực hiện chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.

“Theo đó, các đơn vị quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã thực hiện chi hỗ trợ (hưởng một lần) cho lực lượng tuyến đầu với tổng kinh phí khoảng 463 tỷ đồng. Ngoài việc chi hỗ trợ trong đợt dịch này, lãnh đạo Thành phố cũng sẽ tổ chức tổng kết, tri ân kịp thời với sự đóng góp, hi sinh của các bộ cơ sở, lực lượng tuyến đầu, doanh nghiệp, người dân thành phố… trong công tác chống dịch vừa qua”, ông Võ Văn Hoan nói.

Phát huy vai trò nòng cốt

Chia sẻ thông tin về công việc của các cán bộ mặt trận tại cơ sở, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ VN) TP Hồ Chí Minh cho biết, từ lúc dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, TP Hồ Chí Minh một lần nữa bước vào cuộc chạy đua sinh tử với dịch bệnh khi số ca nhiễm tăng lên hàng ngày. Trong cuộc chiến ấy, luôn có những câu chuyện “cổ tích đời thường” với nhiều gương cán bộ cơ sở vượt khó giúp dân. Thậm chí, có những bác sĩ, y tá, điều dưỡng, chiến sĩ công an, cán bộ khu phố đảng viên, đoàn viên, cán bộ cơ sở... đã đương đầu với dịch bệnh không kể ngày đêm và chấp nhận hy sinh cả bản thân để bảo vệ sự bình an cho nhân dân. Trong cuộc chiến ấy, tinh thần sẵn sàng tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi của cán bộ cơ sở với người dân khiến mọi người gắn kết nhau hơn dù thành phố đang trong thời gian giãn cách.

Chú thích ảnh
Lực lượng quân y tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch đã được chính quyền TP Hồ Chí Minh cảm ơn bằng 1 chuyến du lịch về huyện Củ Chi.

 “Sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ kêu gọi các lực lượng tuyến đầu, các doanh nghiệp, người dân thành phố cùng tiếp tục đồng lòng, chung sức chống dịch để dịch bệnh được lùi xa, cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường mới. Đặc biệt, TP Hồ Chi Minh yêu cầu các cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, đoàn thể, đoàn viên, hội viên, cán bộ cơ sở ở từng địa bàn khu phố, các tổ COVID-19 cộng đồng tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc động viên nhân dân tuân thủ thực hiện phòng, chống dịch và tích cực chăm lo an sinh cho người dân, tuyệt đối không bỏ sót đối tượng khó khăn nào… ” bà Tô Thị Bích Châu nói.

Cũng theo bà Tô Thị Bích Châu, TP Hồ Chí Minh rất trân trọng các lực lượng tuyến đầu luôn vững tâm, đồng lòng cùng chính quyền Thành phố trên mặt trận chống dịch. Vì vậy, sắp tới các cấp chính quyền, MTTQVN cũng sẽ có các hình thức biểu dương, khen ngợi tùy theo sự tham gia đóng góp của từng cá nhân, đơn vị.

Chú thích ảnh
Các chiến sĩ, bác sĩ quân y rất vui khi được tham quan Khu di tích địa đạo Củ Chi để tìm hiểu về quá khứ chiến đầu hào hùng của quân và dân Củ chi trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng cảm ơn tấm lòng của đồng bào cả nước đã cùng nhau chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau trên công tác thiện nguyện. Cụ thể, hàng chục ngàn nam nữ tu hành, người dân không phân biệt tuổi tác xung phong tham gia phòng, chống dịch; hàng ngàn bếp ăn thiện nguyện do các cơ sở hội, đoàn, tôn giáo, nhà hảo tâm chăm lo các suất ăn, nước uống hàng ngày cho những hoàn cảnh khó khăn và các lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly, phong tỏa…; có những cụ già trên 70 tuổi, có những em nhỏ bỏ ống heo để dành quyên góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch...

“Vì vậy, chờ đợt dịch bệnh này đi qua, TP Hồ Chí Minh sẽ có những cuộc tổng kết, tri ân, ghi nhận để cảm ơn xứng đáng với những hi sinh, đóng góp của tất cả các lực lượng trên để bù đắp phần nào cho những tháng ngày vất vả, mất mát, thậm chí là cả hy sinh tính mạng để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân trong cuộc chiến không tiếng súng này”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ thêm.

Theo bà Tô Thị Bích Châu, khi chúng ta có sự đoàn kết, chung sức chung lòng của các bộ cơ sở, người dân và chính quyền thì TP Hồ Chí Minh sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường mới. Khi đó, người dân, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng sẽ lấy lại một khí thế mới, nỗ lực mới, quyết tâm phấn đấu lập nhiều thành tích mới, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước giao phó.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, khoảng 13.200 người là lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp được hỗ trợ 10 triệu đồng/người; khoảng 33.000 người thực hiện công việc gián tiếp (gồm lực lượng y tế tham gia quản lý, điều hành, điều phối trực tiếp hoạt động phòng, chống dịch), khoảng 14.000 người tham gia các tổ phòng, chống dịch tại địa phương và khoảng 19.000 người tham gia tuyến đầu không thuộc chuyên môn y tế, thực hiện công việc gián tiếp tại các bệnh viện điều trị COVID-19 và cơ sở cách ly tập trung được hỗ trợ 4,5 triệu đồng/người. Đối với khoảng 68.400 người trong tổ COVID cộng đồng của thành phố Thủ Đức và các quận, huyện được hỗ trợ 2 triệu đồng/người.

Các lực lượng tình nguyện viên được Thành phố huy động tham gia phòng, chống dịch với khoảng 8.300 người (trong đó có lực lượng cán bộ giảng viên từ các trường y khoa trên địa bàn thành phố, lực lượng y tế tư nhân, lực lượng nhân viên y tế đã nghỉ hưu; lực lượng  tình nguyện viên tôn giáo chăm sóc F0, F1); tình nguyện viên lái xe vận chuyển F0, F1 theo yêu cầu cách ly tập trung với khoảng 5.500 người được mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người. Riêng lực lượng sinh viên y khoa, dự kiến khoảng 2.800 người sẽ hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Lực lượng tình nguyện viên được Bộ Y tế huy động tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch, chi viện cho TP Hồ Chí Minh khoảng 10.000 người (trong đó lực lượng nhân viên y tế, cán bộ giảng viên dự kiến khoảng 6.800 người) được mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người. Riêng lực lượng sinh viên y khoa với khoảng 3.200 người được mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.
Chú thích ảnh
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Từ 1/10, người dân TP Hồ Chí Minh dùng ứng dụng nào để khai báo lấy mã QR khi ra đường?
Từ 1/10, người dân TP Hồ Chí Minh dùng ứng dụng nào để khai báo lấy mã QR khi ra đường?

Ngày 30/9, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, trong thời gian chờ chuyển các dữ liệu lên ứng dụng "PC-Covid", người dân vẫn có thể sử dụng ứng dụng "Y tế HCM" và ứng dụng VNEID để lấy mã QR lưu thông, giao dịch… từ nay đến ngày 15/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN