Thanh tra Thành phố cũng kiến nghị UBND thành phố giao UBND quận 9 tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 279 hộ và 1 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án; phối hợp với Ban Quản lý Công viên lịch sử Văn hóa dân tộc có biện pháp xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong khu vực dự án, không để phát sinh trường hợp lấn chiếm mới.
Theo Thanh tra thành phố, hiện nay vẫn còn 19 hợp đồng cho thuê mặt bằng tại khu đất dự án, trong đó có 1 hợp đồng đã thanh lý, bàn giao toàn bộ mặt bằng, 3 hợp đồng đã thanh lý bàn giao một phần mặt bằng, 5 hợp đồng đã thanh lý hoặc hết hạn hợp đồng nhưng không ban giao mặt bằng và 1 đơn vị không đồng ý thanh ký hợp đồng, bàn giao mặt bằng do chưa hết thời hạn hợp đồng.
Trong tháng 7/2020, UBND quận 9 đã làm việc với Ban Quản lý Công viên lịch sử Văn hóa dân tộc và thống nhất thành lập Đoàn công tác liên ngành để kiểm tra toàn diện về pháp lý, việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực dự án.
Đối với việc xử lý 11 trường hợp đang lấn chiếm, sử dụng đất trái phép, UBND quận 9 đã ban hành 11 quyết định xử phạt hành chính, sau đó ban hành quyết định cưỡng chế và đã hoàn tất việc cưỡng chế. Ngoài ra, còn có 2 trường hợp chiếm đất trống trên đường Hàng Tre, UBND phường Long Bình, quận 9 đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính nhưng 2 đối tượng này không chấp hành và tiếp tục sử dụng trái phép.
Đối với các hộ dân đã nhận bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng mà tiếp tục sử dụng nhà, đất hoặc tái chiếm để ở và cho thuê, theo UBND quận 9 hiện còn 279 hộ dân và 1 tổ chức chưa thu hồi mặt bằng với diện tích khoảng 15,41 ha. UBND quận 9 đã ban hành 51/279 quyết định cưỡng chế thu hồi đất nhưng chưa thực hiện cưỡng chế.
Theo bản Kết luận thanh tra số 15/KL-TTTP-P5 ngày 17/7/2018 của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, quy mô Công viên lịch sử Văn hóa dân tộc sau điều chỉnh có diện tích hơn 402 ha, trải rộng trên địa bàn phường Long Bình, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh và phường Bình Thắng, tỉnh Bình Dương khiến 1.626 hộ dân bị ảnh hưởng.
Dự án Công viên lịch sử Văn hóa dân tộc có 27 dự án thành phần trong đó có 9 dự án đã triển khai, 1 dự án đang triển khai theo hình thức PPP (đối tác công tư). Tổng cộng có 2 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng là dự án đường vành đai Nam, Đền thờ Lễ Thánh Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Đáng chú ý từ năm 2003, Ban Quản lý Công viên lịch sử Văn hóa dân tộc bắt đầu cho các đơn vị thuê mặt bằng để có thêm nguồn kinh phí hoạt động. Tính đến ngày 31/12/2017, tại khu đất dự án có 19 hợp đồng cho 15 đơn vị thuê mặt bằng, thời hạn thuê từ 1 - 5 năm.
Về vấn đề này, theo Thanh tra thành phố, việc Ban Quản lý Công viên lịch sử Văn hóa dân tộc cho thuê đất kéo dài là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, mục đích sử dụng đất và không báo cáo xin ý kiến của UBND thành phố. Việc này dẫn tới việc quản lý đất đai manh mún, không tập trung, thiếu chặt chẽ. Đây là việc làm chủ quan, tùy tiện, ít nhiều ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư các dự án thành phần, cần kiểm điểm và chấm dứt ngay việc cho thuê đất trái phép.
Ban Quản lý Công viên lịch sử Văn hóa dân tộc qua các thời kỳ đã thiếu trách nhiệm, yếu kém, buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất đai trái phép, chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xử lý. Các cá nhân, tổ chức trong quá trình chiếm dụng đất trái phép đã sử dụng hạ tầng do nhà nước đầu tư dẫn tới công trình xuống cấp, hư hỏng nặng, gây lãng phí trong đầu tư.
Về trách nhiệm quản lý địa phương, Thanh tra thành phố cho rằng, UBND quận 9 chưa kiên quyết trong việc thu hồi đất, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án dẫn đến việc còn 245 hộ dân và 2 tổ chức (vào thời điểm thanh tra) đã nhận tiền bồi thường, nhận căn hộ hoặc nền tái định cư nhưng chưa bàn giao mặt bằng.