Đó là nội dung được thảo luận tại Hội thảo chuyên đề Quy hoạch giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20/8.
Đặt trong bối cảnh phát triển vùng
Mạng lưới giao thông vận tải chủ yếu TP Hồ Chí Minh theo các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt gồm 6 tuyến cao tốc; 5 tuyến quốc lộ; 3 tuyến vành đai; 5 tuyến đường trên cao; 8 tuyến đường sắt quốc gia; 8 tuyến đường sắt đô thị; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray; 6 tuyến xe buýt nhanh; luồng hàng hải qua khu vực TP Hồ Chí Minh gồm 11 tuyến…
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích, đến nay tình hình thực hiện các công trình giao thông kết nối vùng theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số và tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của thành phố.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, để quy hoạch đạt kết quả cao nhất cần đặt TP Hồ Chí Minh với các mối quan hệ với vùng như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố đang tập trung triển khai quy hoạch chung của TP Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức. TP Hồ Chí Minh sẽ rà soát các lĩnh vực; trong đó ngành giao thông đi trước mở đường cho các ngành nghề được phát triển.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP Hồ Chí Minh rất quan tâm việc kết nối giao thông đi trước mở đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương sẽ dựa theo các nền của quy hoạch này, tổ chức thực hiện các quy hoạch thành phần để góp phần cụ thể hoá và góp phần phát triển kinh tế xã hội của vùng. Mong muốn các địa phương lân cận, trong vùng góp ý để hoàn thiện quy hoạch, trên tinh thần giao thông thành phố phải đặt trong vùng.
Cùng với đó, ông Phan Văn Mãi cho rằng, các công trình giao thông cần rất nhiều vốn, mặt bằng ảnh hưởng đến nhiều hộ dân nên cần có cách làm để mang lại hiệu quả. Chúng ta làm kinh tế giao thông, không phải chỉ là dự án giao thông. Nếu chỉ dựa vào ngân sách Thành phố hay Trung ương thì các dự án phải rất lâu nữa mới có thể hoàn thành.
Thống nhất với những định hướng quy hoạch giao thông của TP Hồ Chí Minh, theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, về kết nối vùng giữa Đồng Nai - TP Hồ Chí Minh có đường bộ, đường sắt, đường thủy; trong đó giao thông đường bộ là hoàn chỉnh nhất. Tuy nhiên, một số điểm đã đưa vào quy hoạch rất lâu như cầu Cát Lái nhưng chưa thực hiện. Trong khi đó, tuyến đường sắt nhẹ kết nối Thủ Thiêm - sân bay Tân Sơn Nhất - sân bay Long Thành đã đưa ra nhiều đề xuất. Hi vọng, khi sân bay Long Thành được hoàn thành thì đường sắt nhẹ cũng hoàn thành đồng bộ và đi vào hoạt động ngay.
Phân tích vai trò quan trọng trong kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, tuy nhiên, ông Đào Ngọc Vinh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) cho rằng, hệ thống giao thông kết nối trực tiếp giữa các tỉnh với nhau chưa được quan tâm đúng mức. Các trục giao thông của tỉnh được quan tâm đầu tư thường có xu hướng là các trục kết nối với TP Hồ Chí Minh. Điều này có nghĩa việc đi lại giữa các tỉnh thường phải qua địa phận TP Hồ Chí Minh dẫn tới kéo dài hành trình và tập trung chuyến đi vào khu vực TP Hồ Chí Minh.
"Bức tranh trên cho thấy rõ ràng đang có sự tập trung lớn giao thông quá cảnh qua TP Hồ Chí Minh. Để giải quyết vấn đề này, nghiên cứu kết nối giao thông vùng sẽ cần quan tâm tới kết nối giao thông giữa các tỉnh liền kề, phân tán giao thông, rút ngắn thời gian đi lại và thuận tiện cho sự tương trợ phát triển chung của toàn vùng", ông Đào Ngọc Vinh phân tích.
Phát triển mô hình TOD
Hiện nay, UBND TP Hồ Chí Minh đang hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060 theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các chuyên gia cho rằng, các nội dung về quy hoạch giao thông vận tải thành phố đã nêu trên cần được khẩn trương nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, quy mô và tầm nhìn phát triển của thành phố.
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 26 tỷ USD cho 15 dự án đầu tư để hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị với tổng chiều dài gần 220 km. Hiện tại, thành phố đã huy động được hơn 6,5 tỷ USD từ vốn vay ODA cho 3 dự án (tuyến metro số 1, metro số 2 và metro số 5 – giai đoạn 1), tương đương 25% tổng nhu cầu vốn đầu tư.
Phân tích hiện trạng, chuyên gia Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức cho rằng, TP Hồ Chí Minh chưa có quy hoạch và thiết kế đô thị phù hợp với quan điểm phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng nhanh sức chở lớn (mô hình TOD). Dưới 25% dân số trong phạm vi bán kính 500m (khoảng cách đi bộ) từ các nhà ga đường sắt đô thị quy hoạch là rất thấp so với chuẩn quốc tế (70-80%).
Mô hình đối tác công tư (PPP) gắn với các dự án phát triển đô thị tích hợp nhà ga đường sắt đô thị (TOD) có thể sẽ là chìa khóa để giải quyết thách thức về huy động vốn. Đồng thời, thành phố có thể triển khai phát triển mô hình TOD theo hướng phát triển đô thị mật độ cao, chức năng hỗn hợp tại các tiểu trung tâm, là các nhà ga đường sắt đô thị chính và các ga đầu mối giao thông liên vùng.
"Để triển khai TOD trong thực tế, thành phố cần điều chỉnh và bổ sung công cụ thể chế quản lý quy hoạch tích hợp phát triển đô thị và giao thông. Thành phố xem xét thành lập Ban chỉ đạo phát triển TOD và Ban chuyên gia cố vấn hỗ trợ trong triển khai các chương trình nghiên cứu, lập quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách mới và tăng cường hợp tác quốc tế", ông Vũ Anh Tuấn kiến nghị.
TP Hồ Chí Minh hiện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, không chỉ thể hiện ở việc gia tăng dân số mà cả ở tiến trình cơ giới hóa, tăng trưởng kinh tế và những thay đổi trong lối sống của người dân. Vùng đô thị của TP Hồ Chí Minh tiếp tục được mở rộng, kết nối với các đô thị xung quanh của Đồng Nai, Bình Dương, Long An...
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho rằng, trong tương lai cần nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh sao cho phù hợp với quy mô, tầm nhìn phát triển của thành phố. Đơn cử như bổ sung quy hoạch hệ thống đường bên sông Sài Gòn như tuyến nối vào trung tâm TP Hồ Chí Minh với khu vực phía Tây Bắc thành phố... Hệ thống đường sắt đô thị, quy hoạch đô thị theo hình thức TOD, các tuyến đường sắt đô thị kết nối với các sân bay, cảng biển... tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đánh giá hệ thống giao thông vận tải là một trong những trụ cột quan trọng trong sự phát triển của TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho rằng, điều này quyết định đến sự phát triển nhanh hay chậm kinh tế - xã hội của thành phố. Quy hoạch giao thông vận tải của TP Hồ Chí Minh bên cạnh bám sát quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia, cần có những ý tưởng đột phá, sáng tạo và nâng cao chất lượng quy hoạch cũng như đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố trong tương lai.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, định hướng quy hoạch giao thông vận tải cần được nghiên cứu dựa trên tiềm năng, lợi thế của TP Hồ Chí Minh trong mối quan hệ kết nối với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và cả nước, quốc tế để phát triển đồng bộ, hiệu quả. UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở ngành phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để cập nhật các định hướng quy hoạch của quốc gia vào quy hoạch giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh.
"Điều này sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ giữa các phương thức, loại hình vận tải; thực sự là tiền đề, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng nói chung và cho TP Hồ Chí Minh nói riêng", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.