Điển hình như vụ gần trăm đối tượng mặc áo cam, mang hung khí “diễu võ dương oai trên đường” sau đó xông vào một quán ốc trên đường số 6 (phường An Lạc A, quận Bình Tân) đập phá đánh người; vụ khoảng 20 thanh thiếu niên tụ tập, mang theo dao tự chế để chuẩn bị đánh nhau ở khu đất trống thuộc tổ 60 (khu phố 5, phường Tân Thới Nhất, Quận 12)… Cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định đang triển khai nhiều giải pháp quản lý địa bàn, tăng cường tấn công trấn áp các loại tội phạm.
Trước đó tối 5/6, mạng xã hội facebook đăng tải nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh nhóm gần trăm đối tượng đi trên hàng chục xe máy, mặc đồng phục áo cam, cầm theo hung khí gầm rú phương tiện, hò hét trên đường thuộc địa bàn quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm đối tượng này đã xông vào quán Ốc Hương (địa chỉ 86 - 88 đường số 6, khu phố 8, phường An Lạc, quận Bình Tân, do anh Nguyễn Văn Quý làm chủ) hò hét, đòi người rồi xông vào trong quán đập phá. Khách ngồi ăn uống trong quán sợ sệt bỏ chạy, anh N L.T.L (sinh năm 1990, ngụ Quận 6), một khách ăn trong quán đã sử dụng điện thoại ghi hình, đã bị nhóm đối tượng này đánh và dùng chai bia đập vào đầu gây thương tích. Sau khi quậy phá khoảng 5 phút, hàng trăm đối tượng này lên xe tháo chạy mà không quên hô hào khiến người dân trên đường số 6 hoảng sợ. Khi sự việc xảy ra, nhiều hộ kinh doanh vội đóng cửa quán để tránh vạ lây.
Trước sự manh động của nhóm đối tượng trên, Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công an yêu cầu Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, truy xét nhóm đối tượng trên để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Thượng tá Nguyễn Thế Lâm, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an Thành phố cho biết, trước vụ việc gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự chung của thành phố, Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã triệu tập các đơn vị có liên quan để quán triệt chủ trương, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phối hợp Công an quận Bình Tân tập trung điều tra làm rõ vụ án và truy bắt các đối tượng liên quan, xử lý kiên quyết hành vi phạm tội. Ngày 7/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án "gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích và hủy hoại tài sản", căn cứ vào các điều 318, 134, 178 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo một nguồn tin riêng, tính đến ngày 24/6, Cơ quan điều tra đã bắt giữ tổng cộng 54 đối tượng, trong đó có đối tượng cầm đầu khi người này đang lẩn trốn ở Ninh Thuận.
Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, các nhóm đối tượng quy tụ hàng chục người trong thời gian qua đa phần chỉ là bị kích động, lôi kéo, tụ tập với số lượng lớn để giải quyết mâu thuẫn nhỏ. Đây không phải là những nhóm giang hồ, băng nhóm tội phạm có tổ chức. Tuy nhiên, việc ngăn chặn những vụ va chạm, giải quyết mâu thuẫn tự phát như vậy khiến cơ quan chức năng còn bị động, nhất là trong vụ việc trên chốt dân phòng của Công an phường An Lạc A chỉ cách quán ốc này chưa tới 200m. Theo cán bộ này, để ngăn chặn những nhóm đối tượng, băng nhóm kiểu giang hồ tự phát này, việc tuần tra bí mật và cả công khai, các tổ công tác như hình sự, trinh sát, tổ công tác 363 (tổ công tác tuần tra hỗn hợp) là rất quan trọng.
Điển hình như vào trung tuần tháng 6 vừa qua, tổ trinh sát hình sự Công an Quận 12 đi tuần tra đã phát hiện tại khu đất trống thuộc tổ 60 (khu phố 5, phường Tân Thới Nhất) có nhóm thanh thiếu niên tụ tập mang theo dao tự chế để chuẩn bị đánh nhau. Công an tạm giữ 3 đối tượng và truy xét thêm 13 đối tượng khác. Qua làm việc, nhóm này khai nhận hành vi chuẩn bị hung khí đi đánh nhau do Đoàn Nguyễn Khắc Trường ("Trường xì po", sinh năm 2002) là kẻ chủ mưu. Nguyên nhân là Trường mâu thuẫn với Thái Minh Quốc (sinh năm 2003, là học sinh lớp 10) nên rủ cả nhóm cùng tham gia hỗn chiến. Tuy nhiên, khi cả nhóm đã tập hợp chuẩn bị xuất phát, Công an đã phát hiện, kịp thời ngăn chặn, không để hậu quả phức tạp xảy ra.
Nói về vấn đề phòng chống tội phạm là các nhóm đối tượng mang tính chất hội nhóm xảy ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Thượng tá Nguyễn Thế Lâm, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an Thành phố Minh cho biết, một thực tế tại thành phố là một số đối tượng có những hành vi ứng xử bạo lực khi giải quyết mâu thuẫn đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Những vụ việc này thường xảy ra tại các quận huyện vùng ven, tại các khu vực đang đô thị hóa, nơi mà thanh thiếu niên đa phần bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu trên mạng, những video clip mang tính chất cổ xúy cho bạo lực khiến nhiều thanh niên thiếu hiểu biết pháp luật, a dua, thích thể hiện bị tiêm nhiễm.
Để phòng ngừa các nhóm đối tượng này, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp căn cơ trong đó có sự phối hợp với nhiều ban ngành liên quan để tuyên truyền về ý thức chấp hành pháp luật, cách ứng xử từ nhà trường, gia đình đến ngoài xã hội. Lực lượng Công an cơ sở thông qua các biện pháp nghiệp vụ hay trinh sát địa bàn để nhanh chóng phát hiện những đối tượng ăn chơi lêu lổng, có dấu hiệu tụ tập gây rối, gây án thì lập tức mời làm việc, răn đe. Công an cơ sở cũng được tập huấn thường xuyên về công tác nắm địa bàn để kịp thời phát hiện những mâu thuẫn giữa cá nhân với nhau hay giữa các nhóm với nhau, nhanh chóng giải quyết những mâu thuẫn không đáng có.
Bên cạnh đó, Công an Thành phố đẩy mạnh phong trào “Vì an ninh Tổ quốc” trong lực lượng để cổ vũ, nâng cao trách nhiệm cán bộ chiến sỹ. Theo Thượng tá Lê Viết Tiệp, Trưởng Phòng Công tác đảng và công tác chính trị Công an Thành phố, đây là động lực, là đòn bẩy, động viên khích lệ kịp thời cán bộ, chiến sỹ tu dưỡng rèn luyện, khắc phục khó khăn, nâng cao tinh thần trách nhiệm, mưu trí dũng cảm, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thực hiện phương châm "làm hết việc, không làm hết giờ", yên tâm công tác, tâm huyết với công việc, nhiều tấm gương mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong lao động, học tập được phổ biến và nhân điển hình tiên tiến.
Theo Công an Thành phố, đến nay, các đơn vị đã xây dựng được 41 tập thể 8 đơn vị cơ sở và 33 đơn vị trực thuộc cơ sở), 7 cá nhân điển hình tiên tiến toàn diện; 18 tập thể (4 đơn vị cơ sở và 14 đơn vị trực thuộc cơ sở), 102 cá nhân điển hình tiên tiến một số mặt trong lực lượng Công an. Ngoài ra, thông qua các chương trình “Gương sáng phố phường” “Tỏa sáng giữa đời thường” được phát sóng trên truyền hình, Công an Thành phố đã tuyên dương, giới thiệu đến người dân 83 tấm gương tiêu biểu trong lực lượng Công an dũng cảm đấu tranh chống tội phạm. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Phong trào thi đua một số đơn vị còn thiếu tính sáng tạo. Nội dung kế hoạch chưa sâu, còn mang tính hình thức, dập khuôn, máy móc; chưa chủ động phát hiện, khen thưởng các nhân tố mới; còn xem nhẹ thi đua, nặng về khen thưởng.
Từ vụ việc nổi cộm trên cho thấy, công tác quản lý địa bàn cần đi vào chiều sâu hơn. Đó là không chỉ “để ý” đến các đối tượng “cộm cán”, có nguy cơ phạm tội mà cần phải chú ý đến các đối tượng còn rất trẻ nhưng chơi bời lêu lổng, có xu hướng côn đồ do bị ảnh hưởng bởi lối sống bạo lực tiêm nhiễm từ internet, nhất là trên mạng xã hội. Các đối tượng tham gia gây án chủ yếu là bị lôi kéo, ham vui và muốn thể hiện bản lĩnh của mình với bạn bè cùng trang lứa chứ không phải xuất phát từ tư thù hay vụ lợi vật chất. Do vậy ngoài biện pháp mạnh của ngành Công an, rất cần có sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể và gia đình trong việc cảm hóa, giáo dục trẻ hư để không tham gia vào các băng nhóm, ngăn chặn nguy cơ trở thành những tên tội phạm trong tương lai.