Ông Vũ Hồng Thanh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội dẫn đầu đoàn, cùng Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hồ Chí Minh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông Thành phố và lãnh đạo sở, ngành các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
Trong buổi sáng, đoàn khảo sát đã di chuyển đến nút giao Bến Lức (thuộc địa phận Long An) nơi giao giữa tuyến Vành đai 3 và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Tại đây, đoàn khảo sát đã nghe báo cáo từ phía đại diện sở, ngành của tỉnh Long An về đoạn Vành đai 3 đi qua địa bàn.
Ông Trần Thiện Trúc, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết: “Đoạn Vành đai 3 đi qua địa bàn tỉnh Long An là 6,6km. Thời gian qua, Sở GTVT tỉnh Long An cũng đã phối hợp tốt Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cùng Bình Dương và Đồng Nai đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ đầu tư trình ra Quốc hội, chỉ chờ Quốc hội thông qua, tỉnh Long An sẽ làm ngay”.
Cũng theo ông Trần Thiện Trúc, đối với công tác giải phóng mặt bằng, qua kiểm tra sơ bộ có khoảng 350 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 100 hộ dân cần được tái định cư. Tỉnh Long An đã dành khoảng 20ha ngay trung tâm thị trấn Bến Lức để làm khu tái định cư cho người dân nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Dự kiến, tỉnh sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng chậm nhất là trong quý II/2023 và triển khai thi công trong quý II hoặc quý III/2023, cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2025 và thông xe toàn tuyến năm 2027 theo đúng tiến độ đã trình Quốc hội.
Sau đó, đoàn khảo sát tiếp tục di chuyển theo Quốc lộ 1 về các nút giao Bình Chiểu, Tân Vạn của tuyến Vành đai 3.
Ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết: “Qua chuyến khảo sát, chúng tôi thấy sự quyết liệt của các địa phương thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri, của nhân dân. Các địa phương cũng đã có cam kết trong thời gian tới sẽ có phiên họp HĐND bất thường để cam kết bố trí vốn, kể cả vốn điều chỉnh tăng thêm đáp ứng yêu cầu của dự án. Qua ghi nhận của chúng tôi, tính cấp thiết, cấp bách của các tuyến cao tốc ở vùng đầu phía Nam như tuyến Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết”.
Tại buổi họp cùng đoàn khảo sát tại trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) là khó nhất đối với dự án này.
"Hiện Thành phố đã làm việc với các tỉnh, trong đó tỉnh Long An là thuận lợi nhất. Đối với TP Hồ Chí Minh, Thành phố đã hoàn thành GPMB trên địa bàn. Sau khi Quốc hội thông qua sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề, tiến độ đến cuối năm 2023 sẽ hoàn tất GPMB. Với các địa phương khác, Thành phố đã làm việc với tỉnh, trong đó lên kế hoạch thống nhất kế hoạch tổng thể, phương thức, tiến độ GPMB với Bình Dương", ông Phan Văn Mãi cho biết.
"Liên quan đến vấn đề tái định cư, hiện TP Hồ Chí Minh có số hộ ảnh hưởng lớn nhất, nhưng có thuận lợi là Thành phố đang có quỹ nhà trên địa bàn rất lớn nên sẽ rà soát lại để tái định cư theo nguyên tắc người dân được tái định cư ở gần nơi ở cũ, đảm bảo quyền lợi cao nhất. Trong đó, giá đền bù thoả đáng, tái định cư thuận lợi, tạo điều kiện sinh kế để người dân ổn định cuộc sống", ông Phan Văn Mãi chia sẻ thêm.
Tuyến Vành đai 3 có vai trò hết sức quan trọng trong kết nối liên vùng (kết nối Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và hành lang xuyên Á), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuyến Vành đai 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011, nhưng đã hơn 10 năm qua, tuyến đường này vẫn chưa được đầu tư xây dựng khép kín.
Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, tuyến Vành đai 3 sẽ tạo ra một trục giao thông chiến lược, nối kết và lan tỏa, tạo tiền đề tháo gỡ 3 điểm nghẽn đã tồn tại hàng chục năm qua đó là: Nghẽn về giao thông; nghẽn về không gian phát triển; nghẽn về động lực, nguồn lực phát triển. Bên cạnh đó, sự tháo gỡ 3 điểm nghẽn này chắc chắc sẽ tạo ra động lực phát triển mới, mở ra một giai đoạn phát triển, tăng trưởng mới không chỉ cho 4 địa phương mà tuyến Vành đai 3 đi qua là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An mà còn cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo tiền đề để các địa phương phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa cùng cả nước, vì cả nước.