Thảo luận tại hội trường, đại biểu chất vấn đại diện Công an TP Hồ Chí Minh về tính hợp lý của việc kiểm tra nồng độ cồn cả đêm lẫn ngày thời gian qua. Có đại biểu dẫn chứng bản thân sáng cùng ngày đã di chuyển qua khu vực Ngã sáu Gò Vấp thì gặp tình trạng kẹt xe kéo dài dù không phải giờ cao điểm. Lý do dẫn đến kẹt xe kéo dài là do lực lượng Công an lập chốt kiểm tra nồng độ cồn vào ban ngày.
Trước đó vào chiều 6/12, các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố thảo luận tại tổ cũng bày tỏ sự quan tâm về việc xử lý tình trạng trẻ chưa thành niên (chưa đủ tuổi) lái xe trên 50 phân khối tham gia giao thông; kiểm soát nồng độ cồn để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tối đa tai nạn là cần thiết, tuy nhiên cần có cách làm phù hợp hơn hiện nay.
Theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, vừa qua Công an Thành phố mở cao điểm kiểm tra nồng độ cồn và các đối tượng tham gia giao thông có sử dụng ma túy. Liên quan kiểm tra nồng độ cồn, Phó Giám đốc Công an Thành phố khẳng định không sử dụng chung đồ thổi mà đều dùng riêng; quy trình kiểm tra cần không gây ùn tắc cũng như xáo trộn về trật tự giao thông.
"Năm 2023 cũng là năm thứ 11 (trừ năm 2017) tai nạn giao thông ở TP Hồ Chí Minh được kiềm chế và kéo giảm. Năm qua, Thành phố giảm được 99 người tử vong", Thiếu tướng Trần Đức Tài cho biết Thành phố vẫn mất đi 600 người/năm vì tai nạn giao thông, nguyên nhân phần lớn do không chấp hành luật lệ giao thông, trong đó có việc v phạm nồng độ cồn.
Thiếu tướng Trần Đức Tài cho biết, năm 2023, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh kéo giảm ở 3 tiêu chí. Số vụ tai nạn giao thông xảy ra 1.538 vụ làm 600 người tử vong, 922 người bị thương, trong đó giảm 412 vụ, 99 người tử vong và 258 người bị thương. Tới đây, Công an Thành phố tiếp tục phối hợp với các lực lượng nhằm nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông, trật tự công cộng để người dân tham gia giao thông an toàn, hiệu quả hơn.