Bên lề Quốc hội: Cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng về nồng độ cồn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 24/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đặc biệt, Điều 8 dự thảo luật quy định 28 nhóm hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, trong đó có quy định cấm "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Đánh giá tác động chặt chẽ của cơ quan y tế 

Nhiều đại biểu rất quan tâm về nồng độ cồn. Trong đó, có những ý kiến băn khoăn quy định bằng 0 hay liên quan đến phong tục tập quán khi uống rượu.

Theo tôi, cơ quan soạn thảo cùng các cơ quan liên quan, đặc biệt với ngành y tế cần có nghiên cứu đánh giá tác động thật kỹ trước khi triển khai. Quy định về nồng độ cồn cho người tham gia giao thông lần đầu tiên được đưa ra thảo luận ở Quốc hội. Vì vậy, cần có mức quy định phù hợp nhất. 

Để đưa ra được mức phù hợp thì các bên liên quan nên tham khảo kinh nghiệm Quốc tế, tình hình thực tế tại Việt Nam. Đồng thời, có những đánh giá tác động kỹ lưỡng từ các cơ quan chuyên môn và ngành y tế nên tham gia một cách chặt chẽ và cụ thể.  

Nếu các công việc này được thực hiện một cách tích cực và nỗ lực thì đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ được sáng tỏ. Các đại biểu sẽ đồng thuận khi đã có những đánh giá tác động kỹ lưỡng này.

Hiện nay, trung bình mỗi năm cả nước có 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Gần 30.000 người bị thương tật và để lại gánh nặng cho gia đình. Việc quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông cho người dân cũng nhằm đảm bảo sự bình yên cho gia đình và xã hội.

Quan điểm của tôi là nên bàn thảo kỹ về vấn đề này. Điều này cũng nhằm làm cho người tham gia giao thông được an toàn.

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội: Xử phạt nghiêm minh với những người có nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông 

Tôi cho rằng, cứ có nồng độ cồn trong người bị phạt là hợp lý. Chúng ta chưa có quy định cụ thể về nồng độ cồn với mỗi người dân. Chắc chắn với sự phát triển của khoa học và công nghệ thì việc nồng độ cồn trong máu sẽ được định danh về ngưỡng với mỗi người dân Việt Nam. Nhưng để làm được điều này thì rất lâu. Vì vậy, trước mắt, nếu có nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở của người tham gia giao thông cần xử phạt nghiêm minh.

Với một số trường hợp đặc biệt như có nồng độ cồn trong máu, hơi thở là do bệnh lý uống thuốc hoặc uống nước có ga sinh ra nồng độ cồn trong người cần có quy định kèm theo. Nếu những người có biểu hiện này thì nên đến ngay các cơ sở y tế để thẩm định. Theo tôi, những đối tượng này rất ít  vì thế việc quản lý nồng độ cồn với người tham gia giao thông là cần cần thiết và quản lý nghiêm ngặt. Điều này cũng nhằm tránh những tiêu cực trong quản lý sau này.

Vì sao tôi lại nói như vậy bởi những hậu quả nhãn tiền của tai nạn giao thông đã diễn ra nhiều năm qua. Mặc dù hậu quả tai nạn giao thông giảm qua các năm vẫn là mức độ cao trong khu vực và quốc tế. Có nhiều nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, trong đó có nguyên nhân say rượu không làm chủ tay lái là rất lớn. Chúng ta phải kiên quyết, triệt để làm thay đổi ý thức, hành vi người dân để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.    

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Cân nhắc về văn hóa truyền thống? 

Người Việt có truyền thống văn hóa tiệc vui có bia rượu, nếu không có bia rượu không vui. Có trường hợp, người tham gia giao thông nếu uống rượu từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn trong máu thì bị xử phạt có phù hợp không? Nếu thực hiện được các quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông là rất tốt. Nhưng tôi nghĩ nên có giới hạn nhất định là nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở với người tham gia giao thông là bao nhiêu là phù hợp. Còn vượt ngưỡng là sẽ bị phạt.

Lê Vân/Báo Tin tức
Bên lề Quốc hội: Đại biểu ủng hộ quy định lái xe không được uống rượu bia nhưng băn khoăn về nồng độ cồn bằng 0
Bên lề Quốc hội: Đại biểu ủng hộ quy định lái xe không được uống rượu bia nhưng băn khoăn về nồng độ cồn bằng 0

Chiều 24/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự luật này đã được thảo luận tại tổ hôm 10/11, tại đợt 1 của kỳ họp. Một trong những điểm có nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo luật là quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN