Chưa có cơ sở pháp lý
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố hiện có hơn 7,6 triệu xe máy, trong đó xe sử dụng trên 10 năm chiếm gần 68%. Tổng lượng khí CO (cacbon monoxit) và HC (hydrocarbon) có hại cho sức khoẻ phát ra từ xe máy hiện chiếm đến 90% tổng các loại xe cơ giới tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo tính toán, nếu triển khai kiểm soát khí thải xe máy, Thành phố Hồ Chí Minh có thể giảm 13% khí CO (tương đương 56.000 tấn) và gần 14% khí HC (tương đương 5.000 tấn) thải ra môi trường.
Trước thực trạng này, từ ngày tháng 5 – 9/2020, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe máy, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố. Qua 6 tháng thực hiện, gần 11.000 xe máy đã được kiểm tra, phần lớn xe sau 5 năm sử dụng không đạt chuẩn khí thải.
Từ kết quả thí điểm, nhóm nghiên cứu đã xây dựng đề án đề xuất với Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố phương án kiểm soát khí thải xe máy cho Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng kiểm soát hỗn hợp dựa trên khu vực và năm sử dụng của xe, trước tiên là khu vực trung tâm rồi tiến tới toàn Thành phố. Các giải pháp kiểm soát khí thải xe máy sẽ là kiểm tra, bảo dưỡng xe máy định kỳ cho người dân; thu hồi, loại bỏ xe máy cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện lưu thông...
Tuy nhiên, theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện kiểm tra khí thải xe máy trên thực tế vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do hành lang pháp lý chưa cụ thể. Trước hết, Thành phố cần được Chính phủ đồng ý chủ trương cho triển khai kiểm soát rộng rãi. Kế đến, các quy chuẩn, lộ trình kiểm tra, cơ chế quản lý, mức thu và chế độ thu phí... cũng phải cụ thể. Điều quan trọng khác là việc xử phạt vi phạm cũng như nhiệm vụ, quyền của đơn vị thực hiện kiểm soát khí thải xe máy phải được xây dựng hoàn chỉnh... Khi có những hành lang pháp lý, Thành phố mới có thể thực hiện được.
Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, Chính phủ mới chỉ quy định niên hạn sử dụng và kiểm tra định kỳ đối với ô tô khách và ô tô tải, còn xe gắn máy lại chưa có nên hiện chưa có thống kê cụ thể nào về tình trạng xe cũ nát trên toàn quốc. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định đảm bảo an toàn kỹ thuật cho phương tiện đang lưu hành nhưng không ghi rõ phải kiểm tra khí thải xe máy dẫn đến lúc triển khai, các đơn vị ở dưới rất khó để triển khai.
Thậm chí, khái niệm “xe cũ nát” cũng không tồn tại chính thức trong các bộ luật liên quan. Muốn đánh giá tình trạng một chiếc xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải và không đảm bảo an toàn phải thông qua cơ quan kiểm định uy tín là Cục Đăng kiểm thực hiện, chứ không thể vì xe quá niên hạn đánh giá ngay là “xe cũ nát” không an toàn.
Một vấn đề quan trọng khác là làm cách nào nhận được sự đồng tình từ phía người dân khi thực hiện kiểm định xe máy. Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh có hàng triệu người sử dụng xe máy là phương tiện mưu sinh, nhất là người dân nghèo chỉ có thể sử dụng xe máy cũ. Nếu ngay lập tức áp đặt biện pháp kiểm định và thu hồi xe cũ sẽ gây tác động rất lớn đến đời sống của người dân.
Theo Luật sư Trần Đình Dũng, chiếc xe là tài sản của công dân, việc thu hồi là không đúng Hiến pháp. Ngay cả với ô tô hết hạn sử dụng, luật pháp cũng chỉ quy định cơ quan Công an thu hồi giấy đăng ký, biển số và cơ quan đăng kiểm không cấp kiểm định để ngăn xe hết hạn lưu hành trên đường. Chủ xe có quyền giữ xe để trưng bày làm lưu niệm hoặc bán sắt vụn chứ cơ quan chức năng không thu hồi xe.
Chính vì vậy, Luật sư Trần Đình Dũng cho rằng, kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy tại Thành phố Hồ Chí Minh nếu muốn triển khai thực hiện nhất định phải làm từng bước, có lộ trình, cân nhắc nhiều yếu tố để có chính sách hỗ trợ cho phù hợp.
Cần chính sách hỗ trợ
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), do chưa có quy định về niên hạn đối với xe máy nên muốn thực hiện kiểm định được khí thải xe máy và thu hồi xe máy cũ, Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý vững chắc, có quy chuẩn về khí thải xe máy. Với những xe không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải có thể dừng lưu hành. Người dân có trách nhiệm bảo dưỡng, nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải.
Nếu xe cũ nhưng sửa chữa vẫn hoạt động tốt, nên có quy định về bảo trì, không nhất thiết phải thu hồi. Nếu xe quá cũ nát, không thể sửa chữa, không thể bảo dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải, không đủ tiêu chuẩn lưu hành, người dân sẽ tự thải bỏ. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ tài chính hợp lý cho chủ xe bị thu hồi như giảm giá mua xe mới hoặc cho vay mua xe không lãi suất để không ảnh hưởng đời sống người dân, nhất là người nghèo. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể hỗ trợ để nhà sản xuất thu hồi xe cũ và đổi xe máy mới cho người dân.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong khi chờ đợi hành lang pháp lý về việc kiểm soát, kiểm định khí thải xe máy, Thành phố Hồ Chí Minh nên chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án cụ thể trong việc xử lý xe máy cũ bị thu hồi, đặc biệt là vấn đề về nhân lực và diện tích sân bãi cần thiết để lưu giữ, xử lý số lượng lớn xe thu hồi. Nếu có thể, nên xem xét việc giao cho các doanh nghiệp xe máy tự thu hồi, xử lý xe của hãng mình để cân đối, tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, Thành phố hướng đến quản lý xe máy dựa trên việc kiểm soát khí thải thay vì chỉ thu hồi dựa trên niên hạn sử dụng vì trên thực tế, có những xe máy chất lượng tốt tuy sử dụng quá niên hạn quy định nhưng vẫn không gây nguy hại đến môi trường. Ngược lại, có những xe mới mua, sử dụng chưa lâu nhưng chất lượng sản xuất kém, lượng khí thải xả ra vượt mốc quy định, dễ hư hỏng thì vẫn cần cấm lưu thông.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc thu hồi xe hết niên hạn cần được áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện, bao gồm cả ô tô và xe máy. Chính sách công bằng cho tất cả các loại phương tiện sẽ tránh dẫn đến tâm lý tiêu cực cho những người sử dụng xe gắn máy.
Theo ông Phạm Xuân Mai, không thể phủ nhận hiện vẫn còn rất nhiều người nghèo mưu sinh dựa vào xe máy nhưng đồng thời cũng là lựa chọn chủ động của những người không thuộc diện khó khăn mà chỉ muốn tiết giảm chi phí lưu thông, tăng lợi nhuận. Nếu cứ mãi vì thế mà “ngại” không dám thực hiện kiểm định thì vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không thể cải thiện. “Hiện nay, nhận thức của người dân cũng đã có nhiều thay đổi. Họ hiểu rõ tác động tiêu cực của những phương tiện cũ, không đạt tiêu chuẩn. Chỉ cần Nhà nước có chính sách và lộ trình thích hợp sẽ nhận được ủng hộ”, ông Phạm Xuân Mai đánh giá.
Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã báo cáo UBND Thành phố kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành quy định pháp luật cho kiểm soát khí thải xe máy; đồng thời, đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xây dựng lộ trình kiểm định, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.
Sở Giao thông Vận tải cũng đang tham mưu UBND Thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để mở rộng thực hiện kiểm định khí thải xe máy. Trước mắt, Sở đề xuất tập trung kiểm soát xe từ 5 năm sử dụng trở lên rồi mới kiểm soát tất cả. Toàn bộ quá trình chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn đầu xây dựng 88 trạm kiểm định và hệ thống lưu trữ dữ liệu; thực hiện thí điểm kiểm tra khí thải toàn bộ xe lưu hành để lập cơ sở dữ liệu với mức phí 50.000 đồng/xe/năm. Thành phố miễn phí kiểm tra khí thải cho người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và có cơ chế hỗ trợ người dân thay thế xe cũ không đạt chuẩn. Sau đó, bắt đầu phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải và áp dụng cho xe từ 5 năm trở lên. Giai đoạn tiếp theo mở rộng ra xây dựng thêm 78 trạm, quy mô toàn thành phố. Kinh phí thực hiện đề án tới năm 2030 là 553 tỉ đồng.