Hiện thực hóa ước mơ kết nối đôi bờ sông Sài Gòn

Hai mươi năm trước, một dự án hạ tầng giao thông “đặc biệt” được khởi công trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đại lộ Đông Tây xuyên suốt chiều dài 22 km, với điểm nhấn hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, là một công trình “biểu tượng” không chỉ cho thành phố, mà là dự án ấn tượng cả nước lúc bấy giờ.

Chú thích ảnh
Đoạn đầu đường Võ Văn Kiệt (thuộc Dự án Đại lộ Đông Tây) kết nối với Quốc lộ 1 (nút giao Tân Kiên). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Từ Đại lộ Đông Tây

Dự án nâng cấp, mở rộng Đại lộ Đông Tây (nay là tuyến đường Võ Văn Kiệt - hầm Thủ Thiêm - Mai Chí Thọ) khởi công năm 2005 và hoàn thành năm 2011. Chiều dài tuyến khoảng 22 km, kết nối từ Quốc lộ 1 đến Xa lộ Hà Nội, đi qua địa bàn Quận 1, Quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức), Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Đây là dự án trọng điểm quốc gia, sử dụng vốn vay ODA từ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách. Tuyến đường đi qua trung tâm TP Hồ Chí Minh với chiều rộng từ 8 - 10 làn xe, được nâng cấp từ tuyến đường hiện hữu và xây dựng thêm tuyến mới, gồm công trình hầm Thủ Thiêm, tạo thành một trục theo hướng Đông - Tây. 

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (trước đây là lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước), các đoạn của Đại lộ Đông Tây là rời nhau, ban đầu dự kiến làm đường phía Đông, đường phía Tây và thậm chí chưa tính tới hầm vượt sông. Tuy nhiên, khi nghiên cứu tiền khả thi dự án, các lãnh đạo hình thành một ý tưởng liên kết toàn bộ thành một đường kết nối từ Đông sang Tây.

“Ý tưởng hình thành trục từ Đông sang Tây và đường hầm vượt sông Sài Gòn rất đột phá, phát huy hiệu quả dự án rất nhiều so với triển khai rời rạc như ban đầu. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam làm hầm vượt sông theo công nghệ đúc rời các đốt hầm, sau đó ghép chung một hầm đi xuyên qua lòng đất”, ông Lương Minh Phúc chia sẻ.

Đại lộ có điểm đầu là nút giao Tân Kiên (huyện Bình Chánh), điểm cuối tại nút giao Cát Lái (Quận 2). Khi triển khai Đại lộ Đông Tây, TP Hồ Chí Minh xác định sẽ đi qua 4 khu vực đô thị với những đặc thù riêng. Đó là Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Quận 2; trung tâm hành chính, văn phòng ở Quận 1; trung tâm buôn bán, kinh doanh ở Quận 5; khu vực sông nước “trên bến dưới thuyền” ở Quận 6 và Quận 8.

Dự án đại lộ Đông - Tây có tổng vốn đầu tư 16.000 tỷ đồng. Công trình sử dụng 61.000 tấn thép, 450.000 m3 thép bê tông, đào đất 3,3 triệu m3 đất đá và thời điểm cao nhất huy động tới 1.500 người tham gia. Khởi công từ tháng 1/2005, dự án hoàn thành và đưa vào khai thác phần đường phía Tây (đường Võ Văn Kiệt) tháng 9/2009; đưa vào khai thác đường hầm Thủ Thiêm và đường phía Đông (đường Mai Chí Thọ) vào tháng 11/2011.

Theo Sở Giao thông công chánh TP Hồ Chí Minh, tuyến đường tạo thuận lợi cho các phương tiện giao thông ra vào cảng Cát Lái. Xe từ các tỉnh miền Đông và miền Tây không phải đi vào trung tâm, qua đó giảm ùn tắc cho cầu Sài Gòn và các trục chính trong thành phố. Dự án cũng cải thiện môi trường ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, tăng vẻ mỹ quan và góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội thành phố.

Ông Lương Minh Phúc nhớ lại, thời điểm có hai dự án chạy song song, cùng với Đại lộ Đông Tây là cải tạo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Khối lượng di dời, giải phóng mặt bằng rất lớn với hơn 10.000 hộ bị ảnh hưởng. Chính nhờ các dự án này mà dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé trở nên sạch đẹp hơn, những khu nhà "ổ chuột" xập xệ cũng được giải tỏa. Từ đây, các chung cư cao tầng mọc lên dọc theo Đại lộ, văn minh - hiện đại hơn.

Thời gian qua, ý tưởng kéo dài Đại lộ Đông Tây cũng được hình thành nhằm kết nối liên vùng, phát huy hiệu quả của tuyến này. Trước đây, Thành phố đã triển khai dự án đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuy nhiên dự án này đã dừng hợp đồng BOT sau nhiều năm ngưng trệ.

Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đầu tháng 3/2025, Giám đốc Sở Giao thông công chánh TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, Thành phố đang nghiên cứu lập dự án khác mong muốn kéo dài đại lộ Võ Văn Kiệt đến Vành đai 3. Từ đây, tuyến kết nối Khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô, huyện Đức Hoà (tỉnh Long An).

Chú thích ảnh
Hầm Thủ Thiêm dài 1.490m bao gồm 371m hầm dìm, là hạng mục quan trọng nhất của dự án Đại lộ Đông Tây, công trình lịch sử của Thành phố Hồ Chí Minh. Ành: Thanh Vũ/TTXVN

Đến “Giấc mơ nối kết đôi bờ”

Ý tưởng đột phá trong dự án Đại lộ Đông Tây chính là xây hầm vượt sông Sài Gòn, một hạng mục nổi bật, tiêu biểu nhất trên toàn tuyến. Đây không chỉ là công trình có quy mô lớn, mà còn đòi hỏi yêu cầu rất cao về mặt kỹ thuật.

Theo Sở Giao thông công chánh TP Hồ Chí Minh, toàn bộ hầm Thủ Thiêm dài 1.490m, bao gồm 371m hầm dìm, là hạng mục quan trọng nhất của dự án Đại lộ Đông Tây, công trình lịch sử của TP Hồ Chí Minh và là đường hầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á, có công nghệ xây dựng hiện đại và phức tạp nhất.

Tháng 9/2007, mẻ bê tông đúc đốt hầm đầu tiên được đổ tại công trường bể đúc ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và tháng 6/2008 hoàn thành đúc 4 đốt hầm. Từ tháng 3 đến 6/2010, lần lượt các đốt hầm, với kích thước mỗi đốt dài 92m, rộng 33m, cao 9m và trọng lượng nặng 27.000 tấn đã được lai dắt từ sông Lòng Tàu - Nhà Bè về đến sông Sài Gòn an toàn.

Đúc xong, hai đầu đốt hầm được bịt kín bằng những lá thép, khi đó đốt hầm giống như viên gạch rỗng. Bên trong mỗi đốt hầm lắp 8 bể thép để chứa nước và một số máy bơm nhằm cân chỉnh trong quá trình lai dắt và dìm các đốt hầm. 

Dù mỗi lần lai dắt, ghép nối đốt hầm gặp những khó khăn, trở ngại khác nhau, nhưng các đốt hầm đều được dìm và nối kết thành công với sự chính xác, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, an toàn. Quá trình này là những thử thách lớn, kỷ niệm khó quên với những người trực tiếp tham gia.

Ông Lương Minh Phúc cho biết, các đốt hầm được lai dắt bởi 4 tàu được thuê từ Thái Lan. Để duy trì độ nổi của đốt hầm khi kéo dọc 22 km đường sông, các chuyên gia Nhật Bản đã dựa vào lực đẩy của định luật Acsimet để tính toán lượng nước bơm vào các bể bên trong đốt hầm, cân chỉnh để đốt hầm nổi lên trên mặt nước khoảng 20 cm.

“Rất nhiều khó khăn, nguy hiểm khi lai dắt và lắp các đốt hầm này. Với chiều cao 9m và ngang 33m, khi qua đoạn lòng sông cạn rất nguy hiểm, bởi đốt hầm có thể bị trượt dưới đáy sông. Những yếu tố này đều được các chuyên gia lên phương án dự phòng cụ thể. Những đoạn sông này đều bố trí người nhái, khảo sát rất chi tiết trước khi lai dắt”, ông Phúc nhớ lại.

Khu vực thi công hầm có nơi sâu nhất từ mặt nước xuống đáy sông là 15 m, từ đáy sông được đào sâu xuống thêm 12m nữa để dìm các đốt hầm xuống đáy sông. Ông Phúc cho biết, quá trình dìm các đốt hầm phải tính tốc độ, độ chính xác theo từng giây. Mỗi đốt hầm dài 92 m, nặng 27.000 tấn như một tòa nhà cao tầng, vừa dìm ngang vừa dìm xuống.

“Khi lai dắt các đốt hầm, người dân đứng 2 bên bờ xem và cổ vũ rất đông, đó là một hình ảnh rất cảm động. Trong khoang đốt có 10 anh em kỹ sư “cách ly” với thế giới bên ngoài và chỉ liên hệ với tháp chỉ huy qua điện đàm. Khi dìm xong, tôi là một trong những người từ tháp chỉ huy tiến vô khoang hầm, ở độ sâu 27m, anh em gặp nhau rất mừng vì hoàn thành nhiệm vụ sau hàng chục giờ lao động căng thẳng”, ông Phúc nhớ lại mỗi lần lai dắt và kết nối đốt hầm.

Cũng từ những hình ảnh đó, bài thơ “Thơ viết trong hầm vượt sông Sài Gòn” ra đời, do chính ông Lương Minh Phúc sáng tác. Những câu thơ này được Nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc với bài hát “Giấc mơ kết nối đôi bờ” ngay trước khi hầm vượt sông Sài Gòn được khánh thành vào ngày 20/11/2011.

“Lên hai mươi bảy mét trên đỉnh sóng, ta thấy được lòng dân. Xuống hai mươi bảy mét dưới đáy sông, nhận ra tình đồng đội”… “Hầm vượt sông Sài Gòn cong như cánh võng nâng giấc mơ nối kết đôi bờ. Hầm vượt sông Sài Gòn căng như cánh cung đưa thành phố tiến xa”… Những giai điệu đó được ông Phúc nhớ lại với cảm xúc dâng trào…

Ngày nay, TP Hồ Chí Minh đã có những công trình cầu hiện đại kết nối đôi bờ sông Sài Gòn như cầu Thủ Thiêm, Ba Son… nhưng hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn trên Đại lộ Đông Tây vẫn là một công trình biểu tượng của TP Hồ Chí Minh sau 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tiến Lực (TTXVN)
Dự kiến đấu giá 3 lô đất Thủ Thiêm trong quý II
Dự kiến đấu giá 3 lô đất Thủ Thiêm trong quý II

Sau phiên đấu giá 4 lô “đất vàng” gây rúng động thị trường vào ngày 10/12/2021, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tái khởi động đấu giá 3 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Tp.Thủ Đức) trong quý II/2025 với giá khởi điểm hơn 5.000 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN