Hẻm 694 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) sau khi các hộ dân hiến đất đã trở nên thông thoáng hơn. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Hơn 5,3 triệu m2 đất “vàng”
Năm 2010, ông Bùi Văn Đèo, ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi đã hiến hơn 1.300m² đất để thực hiện tuyến đường giao thông nông thôn mới Võ Thị Bàng, đường Cánh Đồng Mua, đường Cánh Đồng Dược, tuyến kênh Thai Thai… Theo ông Đèo, thời điểm ấy, chính quyền vận động hiến đất, không hỗ trợ gì song gia đình sẵn sàn giao đất bởi đó là trách nhiệm đảng viên, tính nêu gương, đi đầu trong thực hiện chủ trương chung.
Tham gia vận động hiến đất mở rộng hẻm, Ủy ban MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cũng đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động thu hút sự đồng thuận của người dân cùng kiến tạo diện mạo mới cho đô thị, xây dựng các tuyến hẻm, đường giao thông nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn và nhiều công trình nghĩa tình, an sinh xã hội…
Khi Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh phát động phong trào hiến đất mở rộng hẻm, hiến đất cho các hoạt động xã hội từ thiện, cựu chiến binh Nguyễn Văn Coi, ngụ tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi đã hiến 500m2 đất để nâng cấp hẻm thành đường; ông Bùi Công Hiệp ngụ tại phường Long Trường, Quận 9 tặng mảnh đất 2.500m2 cùng căn nhà để mở trường nuôi dạy trẻ mồ côi…
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố, nhiều cựu chiến binh không ngại khó, luôn đi đầu trong các phong trào hành động tại địa phương; tuyên truyền, vận động người thân hiến đất, tham gia ngày công mở rộng hẻm cùng các hoạt động xã hội từ thiện khác.
Mới đây, Ban Vận động nhân dân Ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đã vận động ông Tống Công Thắng đồng ý hiến hơn 700m2 đất, ông Nguyễn Tố Hữu hiến 1.028m2 đất, ông Trần Văn Bé hiến hơn 400m2 đất để nối dài con hẻm từ Tổ 1-2 ra đường Võ Văn Vân… Bà Nguyễn Thị Đính cùng nhiều người dân ở Ấp 1 cũng đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để nâng cấp mở rộng hẻm thành đường và đóng góp hàng trăm triệu đồng để trải nhựa…
Chia sẻ không ít chuyện vui buồn trong quá trình trực tiếp vận động, song ông Lê Thanh Hoài, Trưởng ấp 1, xã Vĩnh Lộc B nhìn nhận đa số người dân đồng tình với chủ trương hiến đất mở rộng hẻm.
“Việc người dân hiến đất, cùng chung tay với Nhà nước cải tạo, mở rộng hẻm là việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực. Điều đó không chỉ mang lại bộ mặt đô thị văn minh hơn mà còn tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế. Tôi mong rằng thời gian tới mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng hơn nữa”, ông Hoài chia sẻ.
Hơn hai thập kỷ qua, phong trào hiến đất mở rộng đường, hẻm tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc. Thống kê từ năm 2000 đến năm 2021, hơn 168.139 gia đình đã tự nguyện hiến tặng 5,3 triệu m2 đất, với tổng giá trị ước tính lên tới 10.000 tỷ đồng. Những đóng góp của nhân dân đã giúp thực hiện 5.230 dự án mở rộng đường, hẻm trên toàn Thành phố, mang lại diện mạo mới cho nhiều khu dân cư....
Theo UBND Thành phố, từ năm 2022 đến đầu năm 2025, có hơn 6.000 hộ dân tiếp tục hiến đất mở rộng hẻm với tổng diện tích gần 200.000 m2. Qua đó góp phân thúc đẩy hơn 500 dự án được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngoài việc hiến đất để thực hiện các công trình nêu trên, người dân còn trực tiếp đóng góp kinh phí để thực hiện mở đường, mở hẻm và các công trình phục vụ công cộng. Việc này đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng khu phố văn minh sạch đẹp, cải thiện môi trường sống của từng địa phương trên địa bàn thành phố. Phong trào hiến đất cũng đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Sức mạnh của ý Đảng, lòng dân
Những con hẻm nhỏ, chật hẹp được mở rộng ở TP Hồ Chí Minh tạo ra giá trị rất lớn về vật chất, tinh thần tự nguyện, đoàn kết, tương thân tương ái, là ý thức trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng. Đó còn là minh chứng cho thấy, sức mạnh của ý Đảng, lòng dân để xây dựng Thành phố ngày càng phát triển bền vững.
Ông Võ Thành Minh, cán bộ hưu trí, hẻm 127 Cô Giang, quận Phú Nhuận chia sẻ việc hiến đất mở rộng hẻm, làm đường là cuộc vận động hợp lòng dân, mang lại nhiều lợi ích, được nhân dân đồng thuận. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận dụng kết hợp sáng tạo cùng những người có uy tín trong cộng đồng đã giúp người dân hiểu hơn giá trị đích thực và ý nghĩa nhân văn của cuộc vận động.
Gắn bó nhiều năm với phong trào này ở Quận 7, ông Lê Văn Thành, Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố cũng nhìn nhận điều đáng quý nhất là các hộ dân đã hiểu và tự nguyện hiến đất, di dời nhà cửa và vật kiến trúc để con hẻm mới được nâng cấp mở rộng khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt, sự gần dân và tận tâm vận động của cán bộ cơ sở đã góp phần lớn vào việc người dân chủ động sớm bàn giao mặt bằng, phát huy mọi nguồn lực xã hội đảm bảo tiến độ cho việc mở hẻm mới thành công.
"Trên địa bàn Thành phố còn hàng ngàn con hẻm nhỏ hẹp, xập xệ, lãnh đạo các địa phương rất mong muốn người dân tiếp tục ủng hộ, có sự đồng thuận cao trong việc hiến đất và đầu tư mở rộng theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm cải thiện việc đi lại; đảm bảo phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh môi trường và nâng cao đời sống người dân tại các khu dân cư", ông Thành chia sẻ.
Với gần 20.000m2 đất trị giá hơn 1.200 tỷ đồng được người dân hiến, sau gần 25 năm, ông Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận cho biết đã có hơn 100 công trình được đưa vào sử dụng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; mỹ quan đô thị được cải thiện đáng kể. Tại những con hẻm nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo đã được đầu tư mở rộng từ 4,5m đến 8m; đường dây điện, điện thoại, cáp viễn thông được bố trí lại gọn gàng hơn; hệ thống cống, hố ga thoát nước được lắp đặt mới đúng quy chuẩn.
“Để có được kết quả trên là do cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trật Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương linh hoạt, kiên trì vận động, kết hợp với việc thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua đó, giúp cho người dân thông suốt về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả thực tiễn của chương trình, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, liên tục duy trì và phát triển trong thời gian dài…”, ông Tùng chia sẻ.
Đồng hành hơn 25 năm với phong trào hiến đất mở hẻm, bà Nguyễn Thị Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Quận ủy Quận 3 chỉ ra bài học quý là sự thống nhất về chủ trương, rõ mục đích, ý nghĩa trong cả hệ thống chính trị, đoàn - hội và nhân dân; quan trọng nhất là việc lãnh đạo, chỉ đạo, phân công và vai trò, trách nhiệm của từng cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên. Để người dân đồng thuận, địa phương cần phát huy mọi nguồn lực, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên tại chỗ, đảng viên sinh hoạt tại nơi cư trú, gia đình có truyền thống cách mạng; sự ủng hộ của các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong cộng đồng.
“Cấp ủy, chính quyền địa phương cần nắm chắc tình hình trong nhân dân để có giải pháp cụ thể, kịp thời với từng trường hợp; tăng cường đi cơ sở, giám sát việc thực hiện để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, phù hợp quy định và sát yêu cầu thực tế. Đảm bảo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch và tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng chính quyền theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, bà Nguyễn Thị Hường chia sẻ.
Ngoài ra, địa phương cũng cần có những giải pháp quy hoạch, xây dựng phù hợp với đặc điểm của khu vực; các công trình hạ tầng kỹ thuật cần được thực hiện đồng bộ, đảm bảo mỹ quan đô thị. Đồng thời, các địa phương kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân, tổ chức và nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, mô hình mới trong công tác vận động đồng bào có đạo tham gia phong trào hiến đất mở rộng đường, hẻm.
Qua 25 năm thực hiện phong trào, những kết quả đạt được đã khẳng định phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm" là một trong những giải pháp tối ưu, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương chỉnh trang đô thị, xây dựng khu phố văn minh sạch đẹp, cải thiện môi trường sống của người dân trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp.