Định hướng sắp xếp tổ chức lại bộ máy bước đầu tại TP Hồ Chí Minh

Chiều 4/12, Thành ủy TP Hồ Chí Minh triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại Thành phố. Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự và chủ trì hội nghị.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ảnh minh họa: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy đã bám sát Kết luận số 09-KL/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương khi xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Thành phố, cơ bản nghiên cứu sắp xếp các tổ chức Đảng cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy theo gợi ý của Ban Chỉ đạo Trung ương tại Kết luận số 09-KL/BCĐ.

Về bộ máy chính quyền, Thành ủy nghiên cứu đề xuất sắp xếp theo hướng Trung ương có bộ nào thì Thành phố có cơ quan cấp sở tương ứng, đảm bảo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, nhiều tổ chức trung gian cồng kềnh, đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Sau khi rà soát hệ thống cơ sở đảng cùng các cơ quan trực thuộc chính quyền TP Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Thành ủy đã đưa ra định hướng sắp xếp bộ máy bước đầu.

Về Khối Đảng, đề xuất sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy; nghiên cứu kết thúc hoạt động của 11 đảng đoàn, 3 Ban cán sự đảng và Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP Hồ Chí Minh; thành lập mới 2 Đảng bộ trực thuộc Thành ủy gồm Đảng bộ cơ quan đảng, đoàn thể, tư pháp Thành phố và Đảng bộ khối chính quyền TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, chuyển các tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố, MTTQ Việt Nam Thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các tổ chức đảng trong các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về thuộc Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp Thành phố.

Chuyển các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh và 24 đảng bộ cấp trên cơ sở về trực thuộc Đảng bộ chính quyền (trừ 3 Đảng bộ Quân sự, Đảng bộ Công an, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Thành phố). Nghiên cứu chuyển giao một số tổ chức cơ sở Đảng loại hình doanh nghiệp, sự nghiệp về trực thuộc các quận ủy, huyện ủy và Thành ủy Thủ Đức.

Sau khi sắp xếp theo định hướng trên, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh còn 27 đảng bộ trực thuộc, giảm 24 đảng bộ so với hiện nay.

Về Khối chính quyền, nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố trên nguyên tắc Trung ương có bộ nào thì Thành phố có sở tương ứng.

Theo đó, sẽ nghiên cứu sáp nhập 10 sở, nghiên cứu kết thúc hoạt động 2 sở, nghiên cứu sắp xếp các cơ quan Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Chế xuất – Khu Công nghiệp Thành phố và Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông Thành phố. Theo phương án này sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố.

Nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố gồm các Ban Quản lý, đơn vị sự nghiệp báo chí, giáo dục y tế... Nghiên cứu kết thúc hoạt động, sáp nhập đối với một số ban chỉ đạo cấp thành phố, chỉ giữ lại các ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết. Từng cơ quan, đơn vị trực thuộc Thành phố xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị trực thuộc.

Đối với cấp huyện sẽ nghiên cứu xây dựng đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Theo đó, đề xuất sáp nhập Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo, đề xuất thành lập đảng bộ khối đảng, đoàn thể, tư pháp cấp huyện và đảng bộ khối chính quyền cấp huyện. Nghiên cứu đề xuất sáp nhập Phòng Kinh tế và Phòng Tài chính - Kế hoạch; kết thúc hoạt động đối với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.  

Nghiên cứu đề xuất sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Riêng thành phố Thủ Đức có nghiên cứu đề xuất phù hợp với đặc điểm, tình hình.

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy Thành phố xác định nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người trong từng tổ chức, đòi hỏi phải có sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, quan tâm cao, dũng cảm và hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ. Việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy cần được triển khai khẩn trương nhưng cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá kỹ tác động để có được phương án chất lượng tốt nhất.

Xuân Khu (TTXVN)
Tinh gọn bộ máy Chính phủ còn 21 đầu mối, tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực
Tinh gọn bộ máy Chính phủ còn 21 đầu mối, tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực

Thông tin với phóng viên TTXVN, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối (giảm 9 đầu mối) gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN