Trong chỉ thị này, tất các mục tiêu, nguyên tắc nhấn mạnh đến yếu tố trọng tâm của người dân, đó là “ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết”, “đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân”, “đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới”, “phát huy vai trò chủ thể, huy động mọi nguồn lực của người dân, doanh nghiệp tham gia phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội”… Chỉ thị cũng dành nguyên khoản 2, Mục 2 nói về Nội dung và các giải pháp thực hiện, để đề cập đến nội dung Đối với người dân.
Liên quan đến người dân, Chỉ thị đề cập đến rất nhiều khía cạnh, đó là luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, linh hoạt và động viên người thân cùng gia đình biết tự bảo vệ mình, sống khỏe và sống an toàn; trong khả năng, điều kiện cho phép luôn đồng hành, chung tay, góp sức cùng với các cấp, các ngành, các địa phương chăm lo các hoàn cảnh gặp khó khăn. Trong điều kiện nới lỏng việc di chuyển, người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR, trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: Là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
Cùng với đó, Chỉ thị nêu rõ, thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang - Khoảng cách - Khai báo y tế - Khử khuẩn - Không tụ tập đông người). Khi người dân có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở,...) hoặc cần cấp cứu y tế, liên hệ ngay với số điện thoại đường dây nóng của Tổ phản ứng nhanh COVID-19 tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115. Trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, liên hệ ngay các Tổ An sinh xã hội của địa phương, Tổng đài 1022 hoặc đăng ký trên ứng dụng An sinh của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác; trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh phải thực hiện theo quy định. Đối với người nước ngoài, Chỉ thị cũng nêu rõ khi nhập cảnh vào thành phố khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc các giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại thành phố.
Vai trò trung tâm của người dân được nhắc đến với tinh thần chung đó là ý thức tự bảo vệ sức khỏe của chính mình, người thân và cộng đồng. Nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuộc họp báo thông tin về các nội dung của Chỉ thị mới của Chủ tịch UBND thành phố sáng 30/9, ông Lê Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, lãnh đạo thành phố đánh giá rất cao tinh thần ủng hộ, ý thức rất cao của người dân trong thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội. Điều này đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình thực hiện kiểm soát dịch COVID-19 thời gian qua, đồng thời hình thành được những thói quen, ý thức bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng.
Những giải pháp để đưa các hoạt động “bình thường mới” an toàn trong môi trường còn COVID-19 đã và đang được TP Hồ Chí Minh triển khai chặt chẽ, an toàn, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp như bãi bỏ giấy đi đường, mở lại các hoạt động dịch vụ cần thiết đáp ứng đầy đủ các tiêu chí do thành phố quy định... Tuy nhiên, với vai trò là chủ thể, đối tượng tham gia trực tiếp vào các hoạt động này, để việc nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục lại các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành công, việc chấp hành nghiêm, ý thức của người dân có vai trò đặc biệt quan trọng.
Sau hơn 4 tháng cuộc sống bị xáo trộn do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt trong gần 40 ngày thành phố tăng cường các biện pháp giãn cách “ai ở đâu, ở yên đó”, rất đông nếu không muốn nói phần lớn người dân có tâm lý “xả trại”, tranh thủ đi ra ngoài để giải quyết những dự định, công việc tồn đọng nhiều tháng qua. Đâu đó, vẫn có nhiều người với mong muốn được trở về quê, cũng có nhiều người chỉ mong đến ngày giãn cách để ra khỏi nhà “cho đỡ cuồng chân”.
Thế nhưng, trước khi quyết định ra khỏi nhà, chúng ta cũng phải dành thời gian để suy xét, nhìn vào thực tế, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố mới đạt được những kết quả bước đầu, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm mỗi ngày được xác định vẫn còn rất cao, với khoảng 4.000 - 5.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca nặng còn tới hơn 1.700 ca, số tử vong vẫn trên con số 100/ngày. Hiện hàng ngày, vẫn còn hàng chục ngàn người đang ngày đêm đối mặt với nguy hiểm, nhiễm bệnh để kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, vẫn còn bao người nhiều tháng nay chưa được về với gia đình, người thân. Nguy cơ lây lan, bùng phát dịch COVID-19 vẫn hiện hữu.
Như nhiều lần lãnh đạo Chính phủ đã nhấn mạnh: “Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, mọi chính sách đều phải hướng tới nhân dân...”, “bất cứ chiến thắng nào cũng là chiến thắng của nhân dân, bất cứ cuộc chiến đấu nào không có nhân dân thì không thể chiến thắng”. Vì vậy, phương châm phòng, chống dịch hiện nay là “5K + vaccine + thuốc + công nghệ + ý thức người dân”. “Thành bại của chúng ta là ý thức của người dân. Do đó tiếp tục phát huy vai trò, ý thức, nâng cao mức cảnh giác của người dân”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, trong điều kiện hiện nay, để đưa thành phố nói riêng, cả nước nói chung sớm trở lại “bình thường mới”, mỗi cá nhân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, đó là chấp hành nghiêm nguyên tắc 5K, tiêm vaccine phòng COVID-19 khi đến lượt, hạn chế tối đa việc ra ngoài khi không cần thiết, không tự ý di chuyển bằng phương tiện cá nhân ra vào thành phố. “Mỗi tỉnh, thành phố có độ phủ vaccine khác nhau, việc hạn chế người dân đi lại giữa các tỉnh để đảm bảo sức khỏe của người dân. Do đó, nếu không có việc cần thiết thì người dân cần hạn chế tối đa việc di chuyển tới các chốt, việc này cũng là tạo điều kiện để ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hóa và sản xuất kinh doanh”, ông Lê Hòa Bình chia sẻ.
Để người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 yên tâm ổn định cuộc sống, TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ đợt 3 cho các nhóm đối tượng với tổng kinh phí hơn 7.300 tỷ đồng, cùng với đó là triển khai nhiều chính sách hỗ trợ về an sinh, y tế, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Việc thành phố mở lại nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh cũng góp phần tạo điều kiện cho người lao động được trở lại làm việc, có thu nhập để đảm bảo cuộc sống của mình và gia đình. “Qua khảo sát với các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang rất cần nhiều lao động để khôi phục sản xuất. Nhiều công trình xây dựng, giao thông cũng đang rất thiếu lao động. Đây là cơ hội để bà con tìm kiếm được việc làm phù hợp”, ông Lê Hòa Bình cho biết.
Có thể nói, với những “điểm sáng” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua cũng như những tín hiệu tích cực trong việc khôi phục lại nhiều hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 1/10 đã góp phần tạo dựng, củng cố thêm niềm tin vào chiến thắng trước dịch COVID-19. Mặc dù chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn đối với TP Hồ Chí Minh, nhưng với sự đồng lòng, ủng hộ của mỗi người dân, TP Hồ Chí Minh sớm trở lại mạnh mẽ, phát triển bền vững hơn.