Tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 22/2, ông Nguyễn Huy Bình, Trưởng Phòng Kế hoạch đầu tư, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được khởi công vào ngày 23/2/2023, có chiều dài toàn tuyến 31,46 km, đi qua địa bàn 7 quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, gồm 10 gói thầu xây lắp. Dự án được xây kè bê tông hai bờ, nạo vét lòng kênh và làm đường rộng 7 - 12m mỗi bên. Đồng thời, dự án làm 19 cống thoát nước, 12 bến thuyền, 3 cây cầu, cùng hệ thống thoát nước mưa, chiếu sáng, cây xanh...
Dự án trọng điểm này nhằm giải quyết đa mục tiêu về chỉnh trang đô thị, giải quyết ngập, cải thiện môi trường và kết nối giao thông. Trong suốt thời gian qua, Dự án đã nhận được sự quan tâm của người dân Thành phố, ông Nguyễn Huy Bình cho biết.
Về tiến độ thực hiện, trong năm 2023, dự án được giao 2.039 tỷ đồng và đã giải ngân đạt 100%, thi công vượt kế hoạch đề ra. Hiện nay các nhà thầu đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công của 10/10 gói thầu với các hạng mục xây dựng chính như kè bờ kênh; hạng mục đường, cầu giao thông; các cống cấp 2; hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh công viên… Đến nay, tiến độ chung của toàn dự án ước đạt 35%. Song song với công tác xây lắp, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và giải quyết các trường hợp tái lấn chiếm cũng được lãnh đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện liên quan đến dự án quan tâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt với mục tiêu hoàn thành công tác bồi thường sớm nhất để bàn giao mặt bằng trống cho thi công hoàn thành dự án.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Bình, vì Dự án có mặt bằng trải dài trên nhiều quận huyện gồm các quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh với đặc điểm khu vực đang phát triển nhanh và mật độ dân số cao nên không tránh khỏi có những khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khó khăn về mặt bằng. Theo đó, tại gói thầu xây lắp số 1 của dự án, đoạn qua phường Tân Tạo A (quận Bình Tân) vẫn còn 3 hộ dân chưa được đền bù giải tỏa. Ngoài ra, nhiều khu vực đã thu hồi mặt bằng nhưng bị các hộ dân tái lấn chiếm; nhiều nhất là đoạn qua quận Bình Tân với 224 trường hợp, Quận 12 có 14 trường hợp, huyện Bình Chánh có 2 trường hợp và quận Tân Bình có 1 trường hợp. Chủ đầu tư kiến nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện liên quan hỗ trợ vận động người dân tháo dỡ, bàn giao mặt bằng.
Ngoài ra, dự án cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý bãi tiếp nhận đất, bùn trong quá trình thi công; khó khăn khi Thi công dưới các đường dây điện cao thế, trung thế, hạ thế và cáp viễn thông và khó khăn về nguồn vật liệu cát san lấp, cát đổ bê tông và cát xây tô. Trong đó, việc thiếu nguồn vật liệu cát san lấp, cát xây dựng nếu không sớm giải quyết sẽ ảnh hưởng đến tiến độ.
Trên cơ sở các khó khăn hiện có của dự án, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan gấp rút tháo gỡ khó khăn. Riêng các nội dung vượt thẩm quyền, Ban Quản lý đã báo cáo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố. Hiện tại, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo sát sao, giao các Sở, ngành, quận, huyện liên quan phối hợp với chủ đầu tư giải quyết các khó khăn này thật quyết liệt, đảm bảo vượt mọi khó khăn để hoàn thành dự án trước ngày 30/4/2025.