Cử tri TP Hồ Chí Minh: Cần có giải pháp phù hợp trong điều hành giá SGK, xăng dầu

Sáng 8/6, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc tại Hội trường và dành phần lớn thời gian cho nội dung chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Tài chính.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp đã nhận được sự quan tâm của cử tri TP Hồ Chí Minh, bởi những nội dung được đưa ra trên nghị trường cũng chính là những vấn đề của Thành phố trong quá trình phát triển,  nhất là về phát triển thị trường vốn, ổn định giá xăng dầu, sách giáo khoa…

Minh bạch thị trường vốn

Tâm đắc với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề phát triển thị trường vốn, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) cho rằng, thị trường vốn chứng khoán hiện nay chia làm hai thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Vừa qua, thị trường trái phiếu có tốc độ tăng trưởng quá nhanh, có thể coi là bất bình thường, có nguy cơ vượt quá sự kiểm soát. Chính vì vậy, cơ quan chức năng đã có một loạt động thái kiểm soát “siết lại”. Đây là  việc làm hoàn toàn phù hợp trong tình hình thực tế. Nhưng vấn đề ở chỗ, nếu kiểm soát chặt quá mà không có giải pháp nới lỏng (trong kiểm soát) cũng là điều nguy hiểm, bởi sẽ tác động tiêu cực đến thị trường trái phiếu.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, trong năm qua, thị trường trái phiếu phát triển nhiều, nhanh nhưng lại tập trung vào bất động sản. Tức là thị trường vốn tăng trưởng mạnh nhưng chỉ tập trung phần lớn vào bất động sản, trong khi tất cả các chuyên gia đều cho rằng bất động sản đã “quá nóng” ở rất nhiều phân khúc. Bản thân trái phiếu mang đến rất nhiều rủi ro cho thị trường vốn, bởi lãi suất trái phiếu phát hành cao trong khi điều kiện phát hành lại không chặt chẽ.

Thực tế, theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, người phát hành trái phiếu tự vay thì tự trả mà không có những quy định chặt chẽ về điều kiện phát hành và hình thức phát hành. Chính những quy định “mở” như vậy dẫn đến sự tăng mạnh bất thường của thị trường trái phiếu buộc cơ quan quản lý phải “siết” lại, nhưng đến nay lại chưa có quy định mới nào cho việc phát hành trái phiếu, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến cấu trúc chung của thị trường chứng khoán. Từ thực tế đã và đang diễn ra trên thị trường chứng khoán cho thấy, để thị trường vốn phát triển đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan chức năng phải đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp với cơ chế thị trường, vừa đảm bảo kích thích sự phát triển, vừa đảm bảo kiểm soát thị trường phát triển lành mạnh.

“Thị trường chứng khoán rất quan trọng, là một kênh huy động vốn. Nhưng nếu chứng khoán sụt giảm nhiều quá sẽ dẫn đến suy giảm niềm tin của nhà đầu tư. Mục tiêu khi niêm yết của các doanh nghiệp là để huy động vốn. Nếu giá rớt sâu, các doanh nghiệp cũng không huy động vốn được dẫn đến không đạt được mục tiêu ban đầu. Vấn đề là cần có biện pháp đảm bảo kiểm soát chặt chẽ đảm bảo dòng tiền đi đúng mục đích, để tránh trường hợp lợi dụng để biến từ huy động vốn dài hạn thành ngắn hạn”, ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.

Đối với tình trạng “làm giá” trên thị trường chứng khoán từng diễn ra trên thị trường chứng khoán thời gian qua, ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, mọi thị trường đều có yếu tố “làm giá”. Quá trình hoạt động mua - bán, tạo cung cầu trên thị trường tất yếu dẫn đến tình trạng “làm giá”, nhưng vấn đề là ở mức độ của tình trạng này. Thực tế thị trường vừa qua, có hiện tượng “làm giá” một cách quá lộ liễu, rõ ràng và kéo dài nhưng không được ngăn chặn kịp thời.

“Chúng ta có đầy đủ công cụ để giải quyết vấn đề này để đưa thị trường phát triển lành mạnh. Chúng ta có cơ quan chuyên môn làm nhiệm vụ giám sát thị trường chứng khoán. Vấn đề là cần nâng cao hơn hiệu lực, hiệu năng của cơ quan này để phát hiện sớm, ngăn chặn ngay các dấu hiệu tiêu cực để thị trường phát triển lành mạnh”, ông Huỳnh Anh Tuấn nói.

Chống “lợi ích nhóm” trong việc in sách giáo khoa, xăng dầu

Giá xăng dầu tại Việt Nam quá cao so với nhiều nước trong khu vực, vấn đề liên quan đến sách giáo khoa được nhiều cử tri ở TP Hồ Chí Minh quan tâm, thậm chí bày tỏ bức xúc vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đại đa số người dân. Có ý kiến đặt vấn đề liệu có hay không “lợi ích nhóm” trong việc in ấn sách giáo khoa, khi sách giáo khoa năm nào cũng phải mua mới khiến phát sinh chi phí giáo dục không cần thiết.

Dưới góc độ của một cử tri cũng là chuyên gia kinh tế, ông Đinh Thế Hiển cho rằng, dấu hiệu độc quyền và lợi ích nhóm đang tồn tại khá rõ ràng trong việc phát hành sách giáo khoa. Theo ông Hiển, trước đây, sách giáo khoa có thể tái sử dụng nhiều lần, tiết kiệm rất nhiều cho chi phí giáo dục. Thế nhưng, cách thức phát hành sách giáo khoa hiện nay lại buộc người dân phải mua sách mới.

Theo chuyên gia này, trong điều hành kinh tế - xã hội, có những yếu tố góp phần tăng trưởng GDP như sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nhưng với sách giáo khoa thì ngược lại. Không thể đưa việc in, bán sách giáo khoa vào GDP mà phải có giải pháp tiết giảm chi phí để giảm chi phí giáo dục trong bối cảnh đại đa số người dân Việt Nam vẫn trong diện nghèo.

Ông Đinh Thế Hiển nêu ý kiến: Sách giáo khoa có thể chia làm 2 phần, một phần chứa 80-90% nội dung không làm bài tập, có thể in đẹp để năm nào cũng có thể tái sử dụng. Phần bài tập in riêng để học sinh dùng. Qua đó có thể tiết kiệm rất nhiều cho chi phí giáo dục của người dân. Rõ ràng, có nhiều cách để giải quyết nhưng chừng nào vẫn còn “lợi ích nhóm” trong sản xuất sách giáo khoa vẫn không thể giải quyết dứt điểm. Điều này cũng như câu chuyện "lợi ích nhóm" trong việc mua bán bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 ở Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ mà cơ quan chức năng đang xử lý.

Về vấn đề xăng dầu, theo ông Hiển, cơ quan quản lý Nhà nước phải tìm hiểu xem có tồn tại vấn đề “lợi ích nhóm” trong này hay không? Khác với giá sách giáo khoa, việc điều hành giá xăng dầu có công thức rõ ràng, xăng dầu cũng không phải bí mật kinh doanh mà chỉ là dịch vụ hàng hóa công. Do đó, Bộ Tài chính cần công bố thông tin rõ ràng lý do giá xăng dầu ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực, để người tiêu dùng yên tâm hơn.

Nói về vấn đề độc quyền trong sản xuất sách giáo khoa và xăng dầu, ông Đinh Thế Hiển chia sẻ, có những vấn đề độc quyền tốt nhưng độc quyền trong hai vấn đề trên, nhất là trong sản xuất sách giáo khoa, rõ ràng làm tăng chi phí không cần thiết cho xã hội. Quốc hội, Chính phủ mạnh tay xử lý để mang lại sự công bằng, qua đó góp phần ổn định đời sống người dân, nhất là sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Xuân Khu – Hứa Chung (TTXVN)
Đại biểu 'truy' trách nhiệm của Bộ Tài chính về giá sách giáo khoa
Đại biểu 'truy' trách nhiệm của Bộ Tài chính về giá sách giáo khoa

Sáng 8/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực tài chính. Đại biểu nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về trách nhiệm trong việc thẩm định giá với sách giáo khoa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN