Cần đồng bộ, thống nhất pháp luật để tăng hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng

Theo ông Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh, hiện nay việc thi hành án kinh tế tham nhũng còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ cao và khó thu hồi tài sản tham nhũng. Vì vậy, cần hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất, khả thi và minh bạch để tăng hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Chú thích ảnh
Ông Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tọa đàm sáng 11/10.

Sáng 11/10, Ban Nội chính Thành ủy, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.

Theo ông Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh, giai đoạn từ năm 2021 – 2023 và 6 tháng qua, ngành Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã thực hiện 828 cuộc thanh tra, thực hiện các kiến nghị xử lý về kinh tế. Cụ thể, năm 2021 đã thu hồi hơn 10,6 tỷ đồng và 104,36m2 đất; năm 2022 đã thu hồi: 37,2 tỷ đồng và 183 m2 đất; năm 2023 thu hồi hơn 20,4 tỷ đồng và 183 m2 đất. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, đã thu hồi gần 28 tỷ đồng (đạt gần 100%) và 26.684 m2 đất...

Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản qua công tác thanh tra còn gặp khó khăn và hiệu quả thấp. Nguyên nhân chủ yếu do các quy định về thu hồi tài sản trong các vụ việc tham nhũng, kinh tế còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý đối với trường hợp các đối tượng thanh tra chây ì, cố tình né tránh, trốn tránh trách nhiệm.

Ngoài ra, cơ chế chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán chưa đồng bộ và còn lỏng lẻo, gây khó khăn cho việc xử lý, thu hồi khi thi hành án và xử lý sau thanh tra. Trong khi đó, hành vi tội phạm và tham nhũng kinh tế có thể đã được phát hiện từ hoạt động thanh, kiểm tra và từ đơn thư phản ánh, tố cáo của cá nhân, tổ chức hoặc qua công tác tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thế nhưng thời điểm áp dụng biện pháp kê biên tài sản chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo.

Chú thích ảnh
Ông Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh.

Ông Trần Văn Bảy cho biết, xét trong quá trình thanh tra phát hiện sai phạm thì việc xử lý tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật được xử lý như sau:  Chỉ có tài sản là tiền được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra, còn lại các tài sản khác thì cơ quan thanh tra không có quyền trực tiếp mà chỉ có thể yêu cầu, kiến nghị xử lý.

Liên quan đến vấn đề trên, Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2023, đơn vị đã thụ lý giải quyết điều tra 208 vụ án/512 bị can, xử lý 419 vụ việc về kinh tế tham nhũng… với tổng số tài sản bị thất thoát chiếm đoạt lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu hồi 1.260 tỷ đồng (đạt 63%). Kết quả này khá cao, tuy nhiên, trong giai đoạn phát hiện, kê biên và thu hồi tài sản tại cơ quan điều tra đã gặp phải không ít khó khăn.

Cụ thể, về pháp lý, việc kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo và phong toả tài sản chỉ áp dụng với người bị buộc tội, tài sản tịch thu phải liên quan trực tiếp đến tội phạm, trong đó việc kê biên và phong toả số tiền trong tài khoản phải tương ứng. 

“Việc này rất khó xác định bởi trong giai đoạn tiền tố tụng, kể cả trong giai đoạn điều tra, lên tin báo, tiến hành khởi tố vụ án đều khó xác định vì các dòng tiền đan xen nhau, đòi hỏi cơ quan điều tra phải rất thận trọng trong việc xác định”, Thượng tá Ngô Thuận Lăng dẫn chứng

"Vì vậy, để gia tăng hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, đồng thời thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương và TP Hồ Chí Minh, các cấp, Cơ quan điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã tập trung với nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong hoạt động điều tra tội phạm phòng chống tham nhũng. Trước tiên, cần xây dựng hành lang pháp lý tạo cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc phục vụ các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ được minh bạch, quyết liệt hơn. Trong đó, quy định trách nhiệm cụ thể của các đơn vị khi không thực hiện phải cung cấp và trao đổi thông tin, hỗ trợ cho cơ quan xác định các tài sản phạm tội, phục vụ cho công tác kê biên và thu hồi tài sản", ông Ngô Thuận Lăng cho biết thêm. 

Chú thích ảnh
Thượng tá Ngô Thuận Lăng phát biểu tại tọa đàm sáng 11/10.

Thượng tá Ngô Thuận Lăng cũng cho biết thêm, hiện nay, trên thế giới sử dụng 4 phương thức thu hồi tài sản tham nhũng: Dựa trên truy tố hình sự; dựa trên các bản án hình sự; thông qua các quyết định hành chính; thông qua khởi kiện dân sự.

“Chúng ta có thể vận dụng và xem xét, nghiên cứu để sớm ban hành, xây dựng ban hành hoặc đăng ký tài sản để làm cơ sở pháp lý và minh bạch hơn trong hoạt động của các cơ quan tham gia tố tụng và tiền tố tụng, các cơ quan khác để phục vụ việc thu hồi tài sản đạt hiệu quả”, Thượng tá Ngô Thuận Lăng kiến nghị.

Tương tự, theo ông Trần Văn Bảy,  để thực hiện tốt công tác thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng tài sản trái pháp luật hoặc bị thất thoát qua công tác thanh tra, kiểm tra, trong kế hoạch thanh tra hàng năm của Thanh tra TP Hồ Chí Minh tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, qua đó kịp thời phát hiện và thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng tài sản trái pháp luật hoặc bị thất thoát.

“Việc ra quyết định thu hồi tài sản ngay khi phát hiện đối tượng thanh tra có hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc làm thất thoát tài sản của Nhà nước mà không phải đợi kết luận thanh tra, trừ trường hợp luật có quy định khác. Đây cũng là giai đoạn quyết định tính hiệu quả trong việc thu hồi tài sản sai phạm ngay trong quá trình thanh tra. Việc kịp thời xử lý, thực hiện quyền tạm giữ, thu hồi tài sản sai phạm trong quá trình thanh tra cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu thu hồi tài sản do hành vi trái pháp luật gây ra”, ông Trần Văn Bảy nói.

Ông Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng đang được Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, sau khi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập, công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Riêng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả trong việc xử lý và thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng trên địa bàn.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Thúc đẩy chuyển đổi số trên các mặt công tác Công an
Thúc đẩy chuyển đổi số trên các mặt công tác Công an

Chiều 10/10, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Chuyển đổi số lần thứ 3 và sơ kết 2 năm thực hiện Kế hoạch 377 về số hóa hồ sơ, tài liệu trong lực lượng Công an nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN