Trong khi đó, các dự án xây dựng bệnh viện, triển khai y tế thông minh, chuyển đổi số có tiến độ chậm chạp. Thực trạng được nêu ra tại buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh vào sáng 9/11.
Hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn, Phó Giám đốc Phụ trách Bệnh viện Trưng Vương cho biết, là bệnh viện hạng 1 trực thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện có 782 giường bệnh thực kê. Nếu như năm 2019 Bệnh viện vẫn đang trong tình trạng quá tải do số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh đông thì hiện nay tình hình đang diễn ra ngược lại.
Tháng 6 năm 2021, Bệnh viện Trưng Vương được chuyển đổi hoàn toàn công năng thành bệnh viện điều trị COVID-19. Từ cuối năm 2021 đến nay, Bệnh viện trở về chức năng khám, chữa bệnh ban đầu nhưng số lượng bệnh nhân liên tục sụt giảm. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện chỉ tiếp nhận 203.000 lượt khám bệnh, đạt 56% công suất; công suất giường bệnh cũng chỉ đạt 52,8%.
Số lượng bệnh nhân giảm sút mạnh khiến chênh lệch thu - chi gần như bằng 0, do đó thu nhập của nhân viên y tế giảm mạnh. Đáng chú ý, từ đầu năm 2022 đến nay, Bệnh viện Trưng Vương không thể chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố về ban hành quy định ghi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý. Điều này dẫn đến hàng loạt y bác sĩ xin nghỉ việc.
Tính đến tháng 10/2022, Bệnh viện Trưng Vương có 138 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 53 điều dưỡng. Nói về nguyên nhân nghỉ việc, bác sĩ Hớn cho rằng, đa số đơn xin nghỉ việc đều trình bày là do thu nhập không đủ trang trải đời sống, trong đó nhiều người phải thuê nhà khiến cuộc sống khó khăn. "Do nhiều người nghỉ việc nên gánh nặng công việc lại đổ dồn lên người ở lại. Thậm chí, nhiều người còn bị mang tiếng là do chuyên môn dở nên mới ở lại, người giỏi nghỉ hết rồi. Điều này khiến nhiều nhân viên y tế tiếp tục có tâm lý muốn nghỉ việc", bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn lo ngại.
Đặc biệt, "hậu COVID-19", đơn vị này rơi vào tình trạng khó khăn do hầu như trang thiết bị, máy móc gần như hư hỏng nhưng không có kinh phí thay mới. Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương chia sẻ, Bệnh viện là đơn vị duy nhất thuộc tầng 3 tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19. Do đó, hầu như các trang thiết bị, máy móc gần như hoạt động hết công suất và phải tiến hành phun khử khuẩn liên tục. Đây cũng là nguyên nhân khiến đa số máy móc, thiết bị đều bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh.
Khó triển khai y tế thông minh
Được biết, năm 2004, Bệnh viện Trưng Vương là một trong những đơn vị đi đầu của TP Hồ Chí Minh xây dựng hệ thống quản lý bệnh viện điện tử (HIS) và vận hành khai thác liên tục đến nay. Năm 2014, Ủy ban nhân dân Thành phố đã cấp kinh phí cho Bệnh viện Trưng Vương để đầu tư nâng cấp hạ tầng. Trong những năm qua, Bệnh viện đã xây dựng được hệ thống phần mềm và các phân hệ quan trọng như: Quản lý bệnh nhân ngoại trú, khám bệnh; số hóa toàn bộ đơn thuốc thay vì bác sĩ kê đơn thuốc bằng viết tay; triển khai máy phát số tự động; đặt lịch khám trực tuyến qua tổng đài điện thoại, app. Bệnh viện số hóa công tác quản lý bệnh nhân nội trú như các chỉ định điều trị, giấy tờ chuyên môn, hồ sơ bệnh án…
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo bệnh viện, đến nay hầu hết các máy chủ và thiết bị lưu trữ đều đã hết khấu hao, các máy chủ và thiết bị lưu trữ trang bị mới và cũ không đồng bộ, làm cho hệ thống bị phân mảnh, không phát huy được hết tài nguyên của từng thiết bị. Bệnh viện đang trong quá trình xây dựng mới, các khoa, phòng không thể sửa chữa lớn, đường đi bị chia cắt, do vậy hạ tầng mạng cũng bị ảnh hưởng theo. Phần mềm được Bệnh viện xây dựng từ lâu, các tính năng, phân hệ được xây dựng, phát triển dần dần nên chưa mang được tính tổng thể.
Trong khi đó, Bệnh viện đang thiếu nhân lực có trình độ sau đại học, nhân sự chuyên trách lập trình, cơ sở dữ liệu. Hệ thống máy chủ chưa đáp ứng được các điều kiện hoàn chỉnh để triển khai bệnh án điện tử. Hệ thống kết nối PAC- HIS hai chiều, việc nhân rộng và hoàn thiện ứng dụng thông minh tại Khoa Khám bệnh chậm tiến độ… Các khó khăn trên là do Bệnh viện không đủ kinh phí để tiếp tục đầu tư.
Trước những khó khăn mà Bệnh viện Trưng Vương đang gặp phải, thay mặt Đoàn giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh chia sẻ sự trân trọng đối với tập thể y bác sĩ Bệnh viện trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh Đoàn sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, trình lên Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố để có phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà Bệnh viện đang gặp phải.
Tuy nhiên, đại diện Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng, lãnh đạo Bệnh viện Trưng Vương cần có những phương án khắc phục các khó khăn trước mắt, tận dụng tốt nhất nhân lực, vật lực hiện có để thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân. Về lâu dài, Ban Giám đốc bệnh viện cần thống nhất, chọn lọc các nội dung trọng tâm để phát triển y tế thông minh như: bệnh án điện tử, thẻ khám bệnh thông minh… nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tăng năng lực cạnh tranh để thu hút người bệnh.
Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 của TP Hồ Chí Minh có mục tiêu triển khai chuyển đổi số hướng đến xây dựng dữ liệu lớn của ngành Y tế, giúp dự báo và xây dựng chiến lược, nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân. Trong đó, mỗi người dân đều có một hồ sơ sức khỏe điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, quản lý dịch bệnh bằng nền tảng số, xây dựng hệ thống điều hành cấp cứu thông minh...