Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến đều nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong công tác đảm bảo an ninh trật tự cơ sở trong tình hình mới.
Theo bà Võ Thị Giang, đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã có những bước phát triển và đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự. Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức và hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc và bất cập, nhất là về chính sách, pháp luật dẫn đến khó khăn trong việc duy trì, củng cố và phát huy vai trò của lực lượng này. Để đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là rất cần thiết. Dự thảo Luật lần này đã được điều chỉnh khá hoàn thiện, phù hợp với tình hình thực tiễn, tuy nhiên, Công an Thành phố có một số ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 2 (Giải thích từ ngữ) cần điều chỉnh thành “Cơ sở là khu vực địa giới hành chính được phân chia thành lập trực thuộc đơn vị hành chính cấp xã, là thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc (gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (gọi chung là tổ dân phố)”. Việc giải thích từ ngữ cần chỉ rõ "cơ sở" là khu vực địa giới hành chính được phân chia thành lập trực thuộc đơn vị hành chính cấp xã, sẽ giúp tránh nhầm lẫn khi áp dụng, bởi tên gọi ở từng vùng hiện nay rất khác nhau.
Ngoài ra, quy định về tiêu chuẩn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nên điều chỉnh thành “Đã đăng ký thường trú hoặc có thời hạn thực tế cư trú từ 06 tháng trở lên... ” thay vì "Đã đăng ký thường trú hoặc có thời hạn tạm trú từ 01 năm trở lên" để tạo thuận lợi cho việc tuyển chọn nhân sự lực lượng này.
Đại tá Bùi Văn Dũng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đánh giá, dự thảo Luật lần này đã có điều chỉnh, bổ sung nội dung hoàn thiện hơn, đã giải đáp được những vướng mắc, băn khoăn như khả năng tăng biên chế, tăng chi ngân sách nhà nước và trùng lặp chức năng, nhiệm vụ. Quân khu 7 nhất trí cao việc ban hành Luật này là cần thiết, không làm phát sinh về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước hoặc làm tăng chi ngân sách.
Quá trình nghiên cứu dự thảo Luật lần này, Quân khu 7 nhận thấy cần làm rõ thêm hai vấn đề: Dự thảo Luật quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh và cấp xã trong việc quyết định số lượng, tuyển dụng và chi ngân sách đảm bảo hoạt động của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự nhưng quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền, Công an cấp huyện thì chưa đề cập cụ thể. Điều 30 của dự thảo Luật có quy định chung về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp nhưng chưa đủ để giải quyết các vấn đề trong quản lý, chỉ đạo, điều hành cụ thể của cấp huyện, nhất là vai trò của cấp huyện trong quy trình đề xuất thành lập, kiện toàn lực lượng này.
Quân khu 7 đề nghị bổ sung cụm từ “không ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an và các quy định khác của pháp luật” vào cuối nội dung tại khoản 2 Điều 15 của dự thảo Luật hoặc bổ sung nội dung quy định về sự phối hợp giữa hai cơ quan Công an và Quân sự trong quá trình tuyển dụng.
Ông Nguyễn Bá Nhịn, Hội Cựu Chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nên điều chỉnh tên gọi của Luật thành “Luật Lực lượng hỗ trợ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” để phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng được quy định trong dự thảo Luật này. Đồng thời, cần có thêm quy định về trách nhiệm liên quan đến hoạt động Lực lượng này phù hợp với Điều 4 khoản 2 và Điều 5, khoản 1, điểm b.