Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực UBQPAN đề nghị không mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đồng thời đề nghị tiếp thu vào dự thảo Luật về các nội dung thể hiện rõ hơn vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để tránh chồng chéo, trùng lặp với vị trí, chức năng của Công an cấp xã và một số lực lượng hiện có ở cơ sở, làm rõ hơn tính chất, mức độ, phạm vi tham gia hỗ trợ cho lực lượng Công an...
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho biết, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không hoạt động độc lập, nên việc quy định quyền hạn và trách nhiệm pháp lý của lực lượng này là không cần thiết và cũng không phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng này…
Đối với các ý kiến cho rằng quy định tiêu chuẩn tuyển chọn như dự thảo Luật là quá cao, đề nghị quy định cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; đề nghị ưu tiên tuyển chọn các trường hợp là bộ đội, công an xuất ngũ, cựu chiến binh, đảng viên, đoàn thanh niên, đồng bào dân tộc, người trong các tôn giáo, người am hiểu về phong tục, tập quán, nắm vững địa bàn, người có uy tín, người chấp hành xong án phạt tù, người học xong chương trình tiểu học, Thường trực UBQPAN đề nghị tiếp thu vào Điều 13 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, nhằm bảo đảm yêu cầu về sức khỏe, Thường trực UBQPAN đã bổ sung vào dự thảo Luật đã tiếp thu chỉ quy định về trường hợp cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ở cơ sở trong trường hợp không còn bảo đảm về sức khỏe (tại điểm b khoản 3 Điều 17).
Bên cạnh đó, Thường trực UBQPAN đã rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng phù hợp với tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, không làm tăng biên chế, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác, bảo đảm tính khả thi; rà soát các nội dung của dự thảo Luật bảo đảm thống nhất với Luật Phòng cháy và chữa cháy về quy định chức danh của lực lượng dân phòng.
Về công tác bảo đảm cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật đã được quy định theo hướng kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm để tiếp tục quy định trong dự thảo Luật. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hộ vào dự thảo Luật theo hướng: Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật...
Đối với ý kiến đề nghị rà soát các quy định về bố trí nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ở cơ sở để bảo đảm tính khả thi; đề nghị quy định theo hướng mở để các địa phương thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế; đề nghị giao Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc; cần quy định để đảm bảo thống nhất giữa các địa phương, vùng miền trong cả nước; cần bổ sung thêm phương án bố trí khác bảo đảm tính khả thi, Thường trực UBQPAN đề nghị tiếp thu và thể hiện rõ tại khoản 1 Điều 20 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Liên quan đến nội dung về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thường trực UBQPAN đề nghị cho quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ở cơ sở để phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) cho biết: Điều 16 trong dự thảo luật đã có quy định về chức danh, công nhận chức danh, nhiệm vụ của chức danh, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Trong đó, khoản 3 về nhiệm vụ của các chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có quy định: Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quản lý, điều hành hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; báo cáo tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước Công an cấp xã về hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng cần lưu ý không thành lập thêm các tổ chức ở cơ sở, nhưng nếu đã quy định Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; báo cáo tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước Công an cấp xã, thì phải có quy định để giao nhiệm vụ, phân rõ phạm vi quyền hạn, cách thức Tổ trưởng tiến hành triển khai công việc, để đảm bảo quyền điều hành, thực hiện nhiệm vụ của người Tổ trưởng.
Ngoài ra, về bổ sung, kiện toàn chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, dự thảo luật quy định, Công an cấp xã có văn bản giới thiệu Tổ trưởng, Tổ phó trong số Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận chức danh Tổ trưởng, Tổ phố Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và niêm yết công khai tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, tại nhà văn hóa và các điểm sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng quy định như vậy chưa đảm bảo hiệu quả trong thực tế, cần có quy định giao cấp huyện rà soát, bổ sung lực lượng khi cần thiết, đảm bảo quá trình kiện toàn chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự diễn ra hợp lý, đáp ứng yêu cầu của thực tế.
Góp ý vào dự án Luật, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) bày tỏ đồng tình với ý kiến của các đại biểu phát biểu trước, nhất là về chế độ phải phù hợp khả năng của ngân sách và vừa phải động viên các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Góp ý kiến cụ thể về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tại Điều 10 dự thảo Luật nêu rõ: hỗ trợ cùng công an cấp xã để nắm thông tin, kiểm tra nhân khẩu… đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng nếu quy định như thế này sẽ dễ bị lạm dụng, không rõ trách nhiệm nếu sai phạm xay ra. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ nhiệm vụ của lực lượng này khi tham gia hỗ trợ công an cấp xa thực hiện nhiệm vụ.
Về vấn đề xây dựng lực lượng, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn cơ chế phối hợp, điều hành, quản lý, sử dụng lực lượng này ở cơ sở để đảm bảo phù hợp. Trong đó làm rõ vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý, sử dụng lực lượng này. Đồng thời làm rõ vai trò của chính quyền, ý kiến nhân dân trong việc cho thôi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nêu rõ dự thảo Luật trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này đã có tiếp thu và giải trình đầy đủ, thấu đáo, kịp thời các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 25 vừa qua, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.
Theo đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo quan điểm xuyên suốt, thống nhất là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng này được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng cơ sở, sự điều hành của chính quyền cấp xã, sự tham mưu và quản lý của Công an xã. Lực lượng này được đảm bảo kinh phí và trang bị cơ sở vật chất do ngân sách nhà nước đảm bảo và các nguồn tài chính được huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Về các nội dung còn băn khoăn, các ý kiến đề nghị cân nhắc hoặc bổ sung hoặc đề xuất mới tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết các cơ quan sẽ nghiêm túc tiếp thu và sẽ có báo cáo Chính phủ để có sự giải trình, tiếp thu và điều chỉnh hợp lý trong dự thảo Luật để đảm bảo điều kiện trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thông qua.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các đại biểu đánh giá cao trách nhiệm, sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật, xin ý kiến các cấp, các ngành để trình Hội nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cơ bản tán thành báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBQPAN và các dự thảo, tài liệu đã gửi. Các đại biểu yêu cầu tiếp tục làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng này, theo hướng do chính quyền địa phương thành lập, được ngân sách nhà nước bảo đảm… Cần tiếp tục rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nghiên cứu bổ sung các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng này cho rõ hơn, nhất là chức danh Tổ trưởng, Tổ phó, nhiệm vụ hỗ trợ, tham gia, giới hạn, phạm vi trách nhiệm.