Yêu thương bệnh nhân tâm thần như người thân

Bác sĩ chuyên khoa 2, Trưởng khoa Điều trị tự nguyện nam (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) Lê Thị Tố Uyên, chia sẻ: “Nếu chọn, sẽ không có ai chọn ngành tâm thần cả. Bởi những nguy cơ xảy ra khi chăm sóc bệnh nhân tâm thần hoàn toàn không thể lường trước và cũng không sách vở, giáo trình nào dạy. Những bác sĩ ở đây làm việc hoàn toàn vì cái tâm của mình. Thấy bệnh nhân chóng lành bệnh là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của chúng tôi”.


Bác sĩ Lê Thị Tố Uyên đang kiểm tra tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.


Khoa Điều trị tự nguyện nam chuyên điều trị những bệnh nhân nam, gồm cả bệnh nhân mãn tính, cấp tính. Cả khoa chỉ có 65 giường bệnh, nhưng số bệnh nhân trung bình là 70, cao điểm lên tới 90 người, trong khi số y, bác sĩ chưa đầy 40 người, nên công việc của các y, bác sĩ ở đây vô cùng vất vả. “Nhà có một người bệnh tâm thần, cả nhà chăm sóc đã ngán ngẩm, mệt mỏi, huống chi là số bệnh nhân gấp đôi số bác sĩ. Mặc dù vậy, chúng tôi luôn hết lòng chăm sóc bệnh nhân tâm thần, bởi nếu người bệnh được quản lý, chăm sóc và điều trị tốt, sẽ giảm bớt áp lực cho gia đình và xã hội”, bác sĩ Uyên chia sẻ.


Hàng ngày, sau buổi giao ban, bác sĩ Uyên lại xuống ngay phòng khám. Có những ngày chị khám bệnh tới tận tối vì “vẫn còn bao nhiêu bệnh nhân chờ mình”. Cùng chị đi dọc hành lang khoa, chúng tôi gặp những bệnh nhân đang ngồi sưởi nắng trong một ngày nắng hiếm hoi giữa đợt lạnh kéo dài. Bác sĩ Uyên nhớ tên từng bệnh nhân, chị hỏi han tận tình, luôn mỉm cười và nhẹ nhàng với họ. Có bệnh nhân nhìn thấy bác sĩ chạy đến nũng nịu như khoe với mẹ: “Bác sĩ ơi, hôm nay con đỡ rồi nhé!”. Tới phòng những bệnh nhân kích động, phải cố định lại, chị nhẹ nhàng đắp lại chăn để giữ ấm cho bệnh nhân. Sự quan tâm, chia sẻ của chị khiến nhiều bệnh nhân sau khi ra viện vẫn thường xuyên trở lại thăm chị.


Trong hơn 20 năm theo nghề, bệnh nhân Thành (Yên Bái) là trường hợp bác sĩ Uyên nhớ nhất. Thành là con trai duy nhất trong gia đình có cha bị tâm thần, mẹ Thành phải chăm lo cho hai cha con rất vất vả. Những ngày đầu mới nhập viện, Thành luôn kích động dữ dội, tự lột hết quần áo của mình, rồi đánh nhau với bệnh nhân khác, thậm chí chửi mắng thậm tệ các y tá, bác sĩ, khiến cả khoa không phút yên bình. Sau hơn 2 tháng được bác sĩ Uyên kiên trì điều trị, chăm sóc tận tình, bệnh của Thành đã thuyên giảm. Khi ra viện, Thành làm thợ cắt may công nghiệp trong một xưởng ở Nam Định, nhưng vẫn luôn nhớ bác sĩ Tố Uyên và coi chị như người mẹ thứ hai của mình. Mỗi khi có chuyện vui buồn trong cuộc sống, Thành đều tâm sự với bác sĩ.


Không chỉ làm tốt công việc của mình, với tư cách là lãnh đạo khoa, bác sĩ Tố Uyên luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cán bộ, nhân viên tiếp tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hiện nay, khoa Điều trị tự nguyện nam đã có 1 thạc sĩ, 3 bác sĩ chuyên khoa I, 2 bác sĩ chuyên khoa II. Nhiều năm liền tập thể khoa được Ban giám đốc khen thưởng và được Bộ Y tế tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc năm 2013”.


Ngoài việc làm tốt công tác chuyên môn, bác sĩ Uyên còn là hạt nhân tích cực trong các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao của bệnh viện và ngành y tế. Không ngừng cống hiến trong công việc, cho hoạt động tập thể, nhưng bác sĩ Uyên cũng luôn chu toàn việc gia đình. Chồng là bộ đội, thường xuyên phải ở đơn vị, một tay chị chăm sóc mẹ chồng chu đáo và nuôi dạy hai con ngoan ngoãn, học giỏi. Chị thực sự xứng đáng với danh hiệu “Phụ nữ hai giỏi” mà lãnh đạo bệnh viện đã trao tặng.



Bài và ảnh: Hà Liên

Hoạt động kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Hoạt động kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2

Tối 26/2, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tới thăm và chúc mừng cán bộ, nhân viên Bộ Y tế nhân kỷ niệm 59 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN