Suốt đời vì ngành y và vì người nghèo

Khi đã sang cái tuổi 80, những căn bệnh tuổi già và cả những vết thương chiến tranh tàn phá cơ thể từng ngày từng giờ, nhưng người bác sỹ, người chiến sỹ, người thầy giáo Trịnh Ngọc Anh vẫn luôn vượt lên chính mình để mong góp thêm cho đời những niềm vui.


Một đời tâm huyết


Trong cái lạnh đột ngột của những ngày giữa tháng 2, chúng tôi tình cờ ghé đến căn nhà nhỏ ở một con hẻm trên đường Tiểu La, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Lần giở từng cuốn sách, từng bài giảng của mình, ông Trịnh Ngọc Anh kể cho chúng tôi nghe quãng đời gian khó nhưng rất tự hào của ông.


Hai vợ chồng ông Trịnh Ngọc Anh trước nhà mình.


Bây giờ, việc đi lại của ông đã rất khó khăn, đa phần phải nhờ vào người vợ già dìu đi. Mỗi cử động, các khớp xương và cả cơ thể đều gây cho ông những đau đớn, nhất là khi trời trở lạnh. Liên tục xuýt xoa vì đau nhưng ông vẫn nhớ như in một thời mà ông không bao giờ quên được. Ông quê ở làng Kim Đới, xã Tam Thăng (Tam Kỳ), cái nôi của cách mạng, giàu truyền thống anh hùng. Năm 1950, khi vừa 16 tuổi, ông Trịnh Ngọc Anh xung phong nhập ngũ, dũng cảm chiến đấu trên chiến trường khu V, đánh trực tiếp nhiều trận với thực dân Pháp, trong đội ngũ của Trung đoàn 108. Trong những trận chiến ác liệt ấy, ông đã 2 lần bị thương nặng. Sau mỗi lần mang thêm thương tích bởi đạn thù, ông càng quyết tâm hơn với lý tưởng mình đã chọn. Và rồi, duyên may đã đưa ông trở thành một người bác sỹ thật sự khi đã tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội năm 1968, sau một thời gian tập kết ra Bắc (1954), miệt mài công tác, thi đậu và học tập hết mình. Và vui hơn với ông, ngay sau khi tốt nghiệp, ông được Trung ương điều về công tác tại Bệnh xá V3 (Bệnh xá Tỉnh bộ Quảng Nam).


Nhớ lại những ngày ấy, ông Trịnh Ngọc Anh bộc bạch: "Thật ra, lúc ấy chiến trường ác liệt lắm. Từ thương tích của bản thân tôi và của các đồng đội, tôi luôn ao ước mình có chuyên môn y tế để về chăm sóc cho các cán bộ, bộ đội và nhân dân bị thương trong chiến tranh. Ấp ủ và nuôi dưỡng mơ ước ấy, cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành. Là người bác sỹ giữa thời chiến, cứu giúp thương bệnh binh trong cơn sinh tử, với tôi là một hạnh phúc không gì bằng...".


Năm 1972, bác sỹ Trịnh Ngọc Anh được cấp trên điều chuyển về Trường y tế tỉnh (bây giờ là trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam). Với niềm đam mê, tâm huyết của mình, từ ngôi trường này, ông đã truyền thụ những kiến thức, những kinh nghiệm cho nhiều thế hệ y bác sỹ, trong chiến tranh và cũng như trong thời bình. Đó là những bước đi đầu tiên, nhưng viên gạch quý giá để xây dựng nền tảng cho ngành y tế tỉnh Quảng Nam sau ngày hòa bình lập lại và cả cho đến bây giờ. Ông về hưu năm 1996, lúc đang giữ chức vụ hiệu trưởng trường Trung cấp Y tế tỉnh Quảng Nam.


Còn một hơi thở, vẫn sẽ vì người nghèo


“Còn một hơi thở, tôi vẫn sẽ làm tất cả vì người nghèo”, câu nói này của ông Trịnh Ngọc Anh làm chúng tôi vô cùng xúc động. Ông kể lại những ngày sau khi về hưu, Tam Kỳ vẫn còn khó khăn lắm. Người nghèo, người tàn tật, nạn nhân chiến tranh và nạn nhân chất độc màu da cam vẫn còn quá khốn khó. Nhiều lần nhìn cảnh họ đói ăn, thiếu mặc mà ông không thể cầm được nước mắt. Vậy là ông tham gia vào chủ Hội từ thiện thị xã Tam Kỳ, rồi được bầu làm chủ tịch Hội khuyến học thị xã. Năm 1997, khi Quảng Nam được tách ra thành tỉnh riêng, ông là một trong những người đi đầu trong việc sáng lập Hội từ thiện Quảng Nam và được cử làm chủ tịch Hội. Những năm sau đó, với tâm huyết và uy tín của mình, ông liên tục giữ các chức vụ cao trong các tổ chức từ thiện của tỉnh Quảng Nam nói chung và thành phố Tam Kỳ nói riêng.


Ông kể rằng lúc ông mới về hưu, công tác từ thiện, thiện nguyện ở Tam Kỳ và cả Quảng Nam còn sơ sài lắm. Bởi lẽ đời sống người dân lúc ấy còn thật sự quá khó khăn, bản thân mình chưa lo xong, không thể tương trợ cùng những người khốn khó hơn được. Ngay cả cơ quan đầu tiên của Hội từ thiện thị xã Tam Kỳ (cũ), ông cũng phải mất nhiều công sức xin chính quyền cho ở tạm một căn phòng của dãy nhà tập thể xuống cấp. Nhưng từ những điều kiện tưởng chừng như quá khó ấy, ý chí của người lính, tấm lòng của một thầy giáo, một bác sỹ được ông phát huy cao độ. Không quản ngày đêm, tốn kém, ông đi đến từng cơ quan, liên hệ với từng Mạnh Thường Quân và với cả chính quyền địa phương để chỉ mong một mục đích duy nhất là người nghèo khổ, người tàn tật, người bệnh bớt đi những nỗi đau, những khó khăn. Và, tâm huyết ấy, tấm lòng ấy của ông không trở nên vô nghĩa khi lời kêu gọi đã được đáp lại. Đến bây giờ, công tác từ thiện ở Quảng Nam đã có những bước phát triển rất đáng mừng.


Hơn 10 năm làm từ thiện, ông Trịnh Ngọc Anh bảo rằng dù mệt, dù vất vả nhưng với ông mỗi ngày là một niềm vui. Khi một bệnh nhân hiểm nghèo có thêm tiền để phẫu thuật, khi một gia đình khốn khó có thêm vật liệu để xây một mái nhà che mưa che nắng từ các Mạnh Thường Quân thì với ông như đó chính là niềm hạnh phúc của mình vậy. Vài năm trở lại đây, khi bệnh tình diễn biến quá nặng, không thể đi xa và ngồi lâu được, ông mới chịu ở nhà. Nhưng chiếc điện thoại bên mình vẫn luôn hoạt động, kết nối ông với các Mạnh Thường Quân, và cả những hoàn cảnh éo le cần cứu giúp. Ông bảo còn một hơi thở thôi cũng sẽ dành cho những người nghèo khổ, người tàn tật...


Trao đổi với chúng tôi, anh Doãn Duy Trung, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ từ thiện Nguyện Ước Xanh (trực thuộc Hội từ thiện Quảng Nam) cho biết: "Ông Trịnh Ngọc Anh luôn là một tấm gương sáng về nghị lực, về tâm huyết, về tấm lòng với những mảnh đời khốn khổ. Được nghe nhiều câu chuyện về ông, tôi càng quyết tâm trên con đường thiện nguyện mình đã chọn. Và, hiện nay, những người làm thiện nguyện ở Quảng Nam đều luôn nhắc về ông Trịnh Ngọc Anh như một ngọn đuốc thắp lên để họ hướng theo và phát triển tâm nguyện vì cộng đồng của mình...".


Bài và ảnh: Thành Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN