Tùy từng trường hợp mới phải xuất trình hóa đơn đỏ
Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/1 nhưng đến nay nhiều người kinh doanh thực phẩm vẫn chưa hiểu rõ về Thông tư số 30/2012/TT-BYT quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố (Thông tư 30). Thậm chí, không ít ý kiến còn cho rằng Thông tư 30 “làm khó” người kinh doanh.
Ông Trần Quang Trung (ảnh), Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã trao đổi với Tin tức xung quanh vấn đề này.
´Theo Thông tư 30, người kinh doanh thức ăn đường phố phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm mà mình kinh doanh. Vậy nên, nhiều người kinh doanh đường phố rất băn khoăn vì không biết lấy đâu ra hóa đơn đỏ để xuất trình với cơ quan chức năng. Liệu quy định này có khả thi không, thưa ông?
Theo tôi, người kinh doanh thức ăn đường phố, nhất là những người kinh doanh nhỏ, lẻ không nên băn khoăn về quy định này. Bởi lẽ, yêu cầu “nguyên liệu, thực phẩm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng…” không có nghĩa là mọi mặt hàng đều phải có hóa đơn đỏ, với một số trường hợp kinh doanh nhỏ thì chỉ cần “chứng minh được nguồn gốc”, tức là chỉ người bán hoặc mua hàng có sự ghi ghép rõ ràng về việc nguyên liệu hoặc thực phẩm đó được mua của ai, ở đâu và khi nào.
Theo quy định tại Thông tư 30 vừa được Bộ Y tế ban hành, người kinh doanh thức ăn đường phố phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. |
Người dân cần hiểu rõ rằng, việc quản lý thức ăn đường phố, loại hình kinh doanh thực phẩm, đồ uống để ăn ngay, uống ngay, được bán rong trên đường phố hay bày bán tại những địa điểm công cộng (bến xe, bến tầu, nhà ga, khu du lịch…) đã được triển khai từ nhiều năm nay. Từ năm 2005, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 41/2005/QĐ-BYT về việc ban hành Quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống, trong đó quy định 10 tiêu chí cụ thể đối với thức ăn đường phố. Do đó, việc ban hành Thông tư 30 là nhằm phân loại rõ hơn về loại hình thức ăn đường phố, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tương tự, quy định “Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng…” cũng không mới. Trong Luật An toàn thực phẩm (có hiệu lực từ 1/7/2011) đã quy định “Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”. Vì vậy, người kinh doanh thức ăn đường phố nhất thiết phải chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa của mình, phòng khi xảy ra ngộ độc thực phẩm thì cơ quan chức năng có thể nhanh chóng “truy” ra nơi bán ban đầu nhằm ngăn ngừa sự cố tiếp theo cho cộng đồng.
´Nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 30 đang làm khó người kinh doanh nhỏ vì họ khó có thể tuân thủ quy định đi tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm hoặc khám sức khỏe, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Điều 32, mục 5, chương 4 Luật An toàn thực phẩm đã quy định người kinh doanh thức ăn đường phố cần “Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.
Hơn nữa, trong quá trình kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm, cơ quan y tế phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm như mắc bệnh lao hoặc có trường hợp tay bị chín mé nhưng vẫn chế biến thực phẩm và gây ngộ độc thực phẩm cho hơn 30 cháu học sinh…. Do đó, việc người kinh doanh thực phẩm được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về sức khỏe là điều kiện rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Hiện nay, nhiều địa phương đã triển khai việc tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và khám sức khỏe miễn phí cho người kinh doanh thức ăn đường phố. Do đó, người kinh doanh thực phẩm không nên quá lo lắng về chi phí khám sức khỏe mà cần tới ngay các cơ quan y tế từ cấp quận, huyện trở lên để khám và được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe để kinh doanh thực phẩm.
´Như vậy, phần lớn những quy định trong Thông tư 30 là không mới và đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Vậy làm thế nào để Thông tư 30 sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả hơn, thưa ông?
Chúng tôi không hy vọng việc tổ chức triển khai Thông tư 30 sẽ đạt hiệu quả ngay trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, việc ban hành Thông tư này là cần thiết vì cần xây dựng “chuẩn” để các ban ngành có cơ sở để lập kế hoạch chi tiết trong việc tăng cường tuyên truyền, tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình điểm về an toàn thực phẩm…
Với riêng Cục An toàn thực phẩm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, đặt ra mục tiêu sẽ tăng tỷ lệ cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong từng năm. Riêng năm 2013, ngành sẽ tập trung vào hoạt động tăng cường tuyên truyền các quy định của Thông tư và xây dựng mô hình điểm về an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế đã đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố phối hợp với các ban ngành liên quan ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những quy định trong Thông tư 30 cho các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố. Đồng thời đề nghị UBND các cấp chú trọng xây dựng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm và tăng cường giám sát, xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình không thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)