Tỉnh Cao Bằng đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học. Những lớp xóa mù chữ được thực hiện đã góp phần nâng tỉ lệ người dân biết chữ, hoàn thành tiêu chí giáo dục trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng cao.
Đã hơn một tháng nay, cứ vào 12 giờ, sau khi đi làm nương về, dọn dẹp nhà cửa xong, bà Vi Thị Hoa (gần 50 tuổi, xóm Lũng Chuống, xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) lại tất bật chuẩn bị sách vở đến học lớp xóa mù chữ. Đến lớp xóa mù chữ, bà được cô giáo dạy chữ và cách tính các phép toán đơn giản. Bà Hoa chia sẻ, trước đây, do không biết chữ, bà thấy rất khổ vì mỗi lần đi chợ bán cái gì đều không biết tính toán, nghe tiếng Việt rất khó khăn. Lần này có lớp xóa mù chữ, bà sẽ cố gắng học. Mỗi ngày đến lớp được học chữ, được trao đổi với những người cùng tuổi, bà thấy rất vui...
Bà Sầm Thị Hoai (54 tuổi, xóm Lũng Chuống, xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) cho biết thêm, ngày trước do gia đình khó khăn, lứa tuổi như bà rất ít người đi học, do vậy, bà không đi học được. Hơn một tháng đi học lớp xóa mù chữ, dù tay cầm bút còn cứng nhưng bây giờ bà đã biết tính toán, biết đọc, biết viết tên mình. Bà cảm ơn cấp ủy, chính quyền đã tạo điều kiện cho bà và những người chưa biết chữ được đi học ở lớp xóa mù chữ.
Lớp xóa mù chữ xóm Lũng Chuống là lớp xóa mù chữ thứ 5 của xã Nội Thôn. Lớp gồm 25 học viên có độ tuổi từ 35 - 60 tuổi. Mỗi lớp xóa mù chữ được tổ chức trong ba tháng, các học viên đến lớp sẽ được hỗ trợ sách vở, và một số thiết bị phục vụ việc học.
Là giáo viên đã có hai năm lên dạy các lớp xóa mù chữ ở xã Nội Thôn, cô giáo Nông Thị Lai (giáo viên Trường Tiểu học xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng) cho biết, dạy lớp xóa mù chữ gặp một số khó khăn. Giáo viên phải đồng thời dùng tiếng Nùng và tiếng Việt để dạy học viên. Các học viên chủ yếu là lao động chính trong gia đình nên nhiều người không sắp xếp được thời gian để đến lớp học đều đặn. Quá trình tiếp thu kiến thức nhiều học viên gặp nhiều khó khăn do sự chênh lệch về tuổi tác và trình độ nhận thức. Tuy nhiên sau một tháng đến lớp, các học viên đã biết nhận mặt chữ, viết được tên tuổi, quê quán, một số đoạn thơ ngắn và thực hiện được các phép toán cộng, trừ đơn giản...
Huyện Hà Quảng phấn đấu đến năm 2020, xóa mù chữ cho 299 người trong độ tuổi từ 15 – 60, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 96%. Khoảng 80% số người biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều kiến thức khác nhau nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ. 19/19 xã, thị trấn đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2014 – 2020. Theo bà Triệu Thị Diễn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hà Quảng, để đạt được các chỉ tiêu trên, huyện Hà Quảng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác xóa mù chữ; đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia công tác xóa mù chữ...
Tại huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), hiện nay còn khoảng 7,42% dân số là người dân tộc thiểu số ở độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi chưa biết chữ. Đồng bào sống rải rác trên các triền núi nên cán bộ gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động, tuyên truyền ra lớp học. Bà Nông Thị Loan, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lạc cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, huyện đã tổ chức khai giảng được 10 lớp học xóa mù chữ với 155 học viên tham gia. Tại lớp học xóa mù chữ này, các học viên được học tiếng Việt và toán cơ bản. Giáo án chương trình được giáo viên hoàn chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế và trình độ của học viên...
Thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”, tính đến năm 2018 tỉnh Cao Bằng đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Trong đó, 6 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 7 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ mức độ 1 đạt 95,92%; biết chữ mức độ 2 đạt 86,48%...
Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng chủ động tham mưu về công tác phổ cập, xóa mù chữ với cấp ủy, chính quyền các cấp; tuyên truyền vận động trong phụ huynh học sinh việc tạo điều kiện cho con em mình được đến trường tham gia học tập. Ngành quan tâm củng cố, xây dựng cơ sở vật chất trường học, tạo môi trường học tập vui tươi, lành mạnh nhằm thu hút học sinh đi học; đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên trong công việc, tạo được các phong trào tự học, bồi dưỡng nâng cao trình độ...