Xây mái ấm vùng biên Tổ quốc

Tỉnh Sơn La có đường biên giới chung dài 250 km với Cộng hòa Dân chủ nhân Lào, gồm 17 xã biên giới, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Khơ Mú, Kháng, La Ha, Xinh Mun, Lào, Thái. Xác định nhiệm vụ giúp dân là thường xuyên, bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La đã "bám dân", góp phần xóa đói giảm nghèo, cùng dân xây dựng cuộc sống mới, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới Tổ quốc.

Thực hiện giai đoạn II đợt vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương xây dựng 225 nhà cho các hộ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, 3 công trình dân sinh, 1 lớp học bán trú dân nuôi và 1 trạm xá quân dân y kết hợp ở khu vực biên giới tỉnh Sơn La. Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La còn thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất) với đồng bào, vận động đồng bào xây dựng cuộc sống mới ổn định.

Bản Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp) có 56 hộ với 439 khẩu của 6 dòng họ người Mông di cư từ nơi khác đến. Đây là một trong những bản nghèo thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Nậm Lạnh phụ trách. Trước đây, bản được biết đến là nơi cách trở, biệt lập, với rất nhiều cái “không”: không điện thoại, không điện lưới, không ti vi; cuộc sống của bà con chủ yếu là tự cung tự cấp.

Một hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN


Đại tá Nguyễn Hữu Minh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nậm Lạnh cho biết: Tổ công tác ở Hua Lạnh thực hiện luân phiên cán bộ, chiến sĩ thực hiện "3 cùng" để giúp đỡ bà con lao động sản xuất, chăm sóc sức khỏe, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống. Trưởng bản Vừ Gạ Sênh chia sẻ: Bộ đội biên phòng giúp dân nhiều lắm. Người dân khi ốm đau, bệnh tật đều đến bộ đội biên phòng để xin thuốc chữa bệnh. Bộ đội còn giúp đỡ bà con làm nhà, làm nương. Nhờ Đảng, Chính phủ và tấm lòng của bộ đội biên phòng, cuộc sống của bà con khác trước rồi.

Điểm trường Hua Lạnh có 7 lớp gồm 2 lớp mầm non và 5 lớp tiểu học. Theo thầy giáo Lò Văn Thuận - Trưởng khu điểm trường Hua Lạnh, hầu hết học sinh đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em đi học không có cặp sách, không có áo ấm. Nếu không có bộ đội biên phòng giúp đỡ thì lớp học khó duy trì được sĩ số.

Thiếu tá Hờ A Pó, Đồn biên phòng Nậm Lạnh cho biết: Đồn đã mở lớp xóa mù chữ cho bà con. Sĩ số của lớp có 36 người (nhỏ nhất 8 tuổi, cao tuổi nhất 45). Nhiều người lớn tuổi ngại học, anh em trong Tổ công tác vừa đi làm nương, rẫy cỏ vừa tranh thủ vận động bà con quay lại học. Kiên trì như vậy, lớp xóa mù chữ ở Hua Lạnh sau 1 năm cũng đã hoàn thành mục tiêu đề ra.

Còn ở xã Mường Cai, huyện Sốp Cộp, bộ đội biên phòng tham gia vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện nếp sống mới đạt kết quả rất tích cực. Mường Cai là một xã biên giới của huyện Sông Mã, có 5 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm 55% dân số của xã. Ông Sộng Páo Nênh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trước đây, người Mông rất coi trọng việc thách cưới khi nhà có con gái đi lấy chồng. Việc tang cũng vậy, người Mông quan niệm, nhà có bao nhiêu con trai, thì phải mổ bấy nhiêu con trâu, bò làm ma cho bố hoặc mẹ. Những hủ tục ấy đã làm cho người Mông nghèo đói mãi.

Nhờ có cán bộ của Đồn biên phòng Mường Cai thường xuyên đến vận động từng gia đình người Mông bỏ hủ tục, xây dựng quy ước “5 có, 5 không” mà 10 bản đồng bào Mông đã thay đổi nếp nghĩ, không còn thách cưới, làm ma linh đình. Thực hiện nếp sống mới, nhiều cặp vợ chồng không đẻ nhiều con như trước, việc tảo hôn đã giảm. Đặc biệt, bà con tham gia công tác phòng, chống ma túy, không du canh du cư, không vượt biên trái phép.

Đến nay, nhờ thâm canh 1.240 ha ngô, chủ yếu là trồng các giống ngô lai, nên sản lượng hàng năm bà con thu về trên 3.600 tấn. Các hộ còn phát triển chăn nuôi trên 2.600 con trâu, bò, khoảng 4.000 con lợn và trên 8.000 con gia cầm. Nhiều hộ có thu nhập cao như gia đình các ông Vàng A Sử, Sộng A Chống, bản Ta Lát; gia đình các ông Sộng Páo Nênh, Sộng Bả Sạ ở bản Huổi Khe, mỗi hộ có thu nhập từ 30 trệu đến 70 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, bà con ở các bản còn biết giữ rừng, bảo vệ rừng, chấm dứt tình trạng đốt phá rừng tràn lan.

Đồn biên phòng Chiềng Khương, huyện Sông Mã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng Tổ an ninh nhân dân và Nhóm liên gia tự quản, kiểm soát các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, vượt biên trái phép. Cán bộ, chiến sĩ của Đồn thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng của xã, huyện triệt xóa điểm bán lẻ các chất ma tuý , đánh bạc, thu hồi vũ khí vật liệu nổ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây đắp tình đoàn kết, gắn bó nhân dân khu vực biên giới Việt Nam – Lào.


Điêu Chính Tới
Tục “Cà răng - nhuộm răng - căng tai” của người Cơ tu
Tục “Cà răng - nhuộm răng - căng tai” của người Cơ tu

Người Cơ tu cũng như các dân tộc khác trên dãy Trường Sơn có tập tục “cà răng, nhuộm răng, căng tai” để làm “đẹp” cơ thể mình. Các bậc cao niên người Cơ tu cho biết: Ngoài chức năng “thẩm mỹ” ra, tục “cà răng - căng tai” được thực hiện khi con người đã trưởng thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN