Tục “Cà răng - nhuộm răng - căng tai” của người Cơ tu

Người Cơ tu cũng như các dân tộc khác trên dãy Trường Sơn có tập tục “cà răng, nhuộm răng, căng tai” để làm “đẹp” cơ thể mình. Các bậc cao niên người Cơ tu cho biết: Ngoài chức năng “thẩm mỹ” ra, tục “cà răng - căng tai” được thực hiện khi con người đã trưởng thành.

 

Răng nhuộm đen của một người Cơ tu (Đông Giang).


Già Đinh Văn Lương (75 tuổi), dân tộc Cơ tu ở thôn Phú Túc, xã Hoà Phú ( Hoà Vang - TP. Đà Nẵng), vừa hả hàm răng đã mài cho chúng tôi xem và giới thiệu người phụ nữ Cơ tu đứng tuổi đang ngồi bên thềm nhà: “Đây là vợ tôi, nếu hồi con trai trẻ, tôi không cà răng (zượt c’niêng, zượt ki’nêêng) thì “bả” không ưng tui. Cho nên dù đau đớn đến mấy, cánh thanh niên chúng tôi cũng ráng cà răng, để chững tỏ mình can đảm và trưởng thành…”.

 

Phụ nữ Cơ tu nhuộm răng (Đông Giang - Quảng Nam).


Thật vậy, theo quan niệm của người Cơ tu ngày xưa, trai, gái đến tuổi trưởng thành mà không cà răng, căng tai là “lạc hậu”, bị bộ tộc chê cười, con trai không lấy được vợ, con gái không lấy được chồng. Người Cơ tu có tục khi trưởng thành, phải chứng tỏ sự trưởng thành đó bằng việc lấy đá dưới suối (đhơl cha lăng) cà hai hàm răng mòn sát với nướu. Khi cà, chân răng bị động nên chảy máu nhiều, hai hàm răng bị sưng khá lâu, lúc bấy giờ chỉ húp cháo loãng…

 

Cụ ông Cơ tu có xâu dái tai.


Già làng Alăng Avel (85 tuổi), ở thôn Tà Làng, xã Bhalêê (Tây Giang - Quảng Nam) cho biết: Người Cơ tu xưa kia cũng có tục nhuộm răng. Họ dùng một loại cây lấy trên rừng phơi khô, đem đốt một đầu rồi cạ vào thanh sắt cho ra một ít nhựa màu đen có vị cay. Sau đó dùng nhựa này hòa với tro bếp, rồi dùng que nhỏ đầu có quấn giẽ thấm nhựa cây vào và phết vào răng. Răng vừa cà xong dùng nước muối súc miệng cho sạch và phết thêm nhựa cây vào chân răng. Một tháng chỉ phết nhựa cây ấy một lần, chất nhựa dính chặt vào răng, biến thành một màu đen bóng…”.

 

Cụ bà Cơ tu đeo khuyên.


Già làng Arất Chốp (70 tuổi), ở thôn Bút Nga, xã Sông Kôn (Đông Giang - Quảng Nam) cho biết: “Người Cơ tu cũng có tục “căng tai” để đeo được những đôi bông bằng ngà hoặc bằng nứa, gỗ có tiết diện lớn, họ phải căng lỗ dái tai (xor dool c’târ) rộng ra. Họ thường dùng loại gai (axoong, axọong) trên rừng để xỏ lỗ tai. Trước khi xỏ gai, họ xoa bóp nước gừng để dái tai thật mềm. Người xỏ lổ tai là một người đàn bà cao tuổi có uy tín trong làng và có nhiều kinh nghiệm xỏ tai. Nếu xỏ không trúng tâm dái tai, sau này khó đeo các vật trang sức lớn hoặc có đeo nhưng dái tai sẽ bị đứt. Xỏ gai nhọn xuyên qua xong, cứ để nguyên cây gai như vậy, mỗi ngày phải tiếp tục rửa tai bằng nước muối nấu với gừng. Khi vết thương đã khô và lành, họ bắt đầu vặn cây gai vào một chút, mỗi ngày chỉ vặn một lần cho đến khi đầu to cây gai lọt qua được. Cứ làm như thế, mỗi lần xỏ một cây lớn hơn và lỗ tai ngày càng rộng ra.

 

Ngắm ảnh người già Cơ tu đeo khuyên hình xoắn ốc.

Tuy nhiên có những trường hợp người có dái tai nhỏ mà cố đeo những “đôi bông” quá cở, hậu quả là đứt dái tai. May thay, đứt dái tai có thể nối lại được nhờ những “nữ già làng” kinh nghiệm. “Dái tai” nối lại bằng cách dùng dao thật bén cắt hai đầu "dây tai", đem hai mối dây dái tai đã cắt ghép lại với nhau, lấy rợi chỉ quấn lại, dùng nước muối nấu gừng rửa hằng ngày, cứ để vậy chừng một tháng là lành và vài tháng sau có thể đeo vòng trở lại được. Tuy nhiên, khó mà đeo những “thứ” quá “cồng kềnh”. Ngày xưa, những người Cơ tu thuộc giai cấp “quý tộc” thường đeo cặp bông tai làm bằng ngà voi. Họ dùng hai mẩu ngà voi làm đôi bông tai kéo đôi tai dài đến tận gò má, thậm chí dài gần đến vai. Đàn ông, đàn bà dân tộc Cơ tu rất thích đeo bông tai ngà voi. Đặc biệt khi tiếp khách, đi thăm bà con, sui gia, bạn bè, lễ hội... phải đeo cặp ngà để cho thêm phần sang trọng, “lịch lãm”. Vì thế một đôi bông tai ngà voi có thể đổi một con trâu lớn hoặc là một cái ché cổ hoặc vài cái nồi đồng lớn. Người nghèo thì chỉ đeo đoạn xương mài nhẵn, ống giang, ống trảy hoặc đeo đôi bông ngà voi giả làm bằng củ khoai, củ sắn phơi khô…”.


Đến các bản làng người Cơ tu, nhất là dịp Tết hoặc mùa lễ hội, ngoài trang phục đẹp mắt và khuyên tai, đa số phụ nữ Cơ tu đều có đeo trang sức bằng những vòng kiềng bằng bạc (p’nâng), chuỗi hạt cườm (h’rát), những phụ nữ đứng tuổi thì có đeo vài chuỗi mã não (l’lát) màu huyết dụ hay vàng cam rực rỡ, hai bên tai đeo những chiếc khuyên bằng tre hoặc xương, gỗ. Người đàn ông lớn tuổi Cơ tu cũng có đeo chuỗi trang sức (c’rôn) bằng những hạt mã não nhỏ hình tròn hay bầu dục.


Từ khi cách mạng về, tập tục cà răng, nhuộm răng, căng tai đã mất dần. Ngày nay, người Cơ tu giao lưu nhiều với người kinh nên những dái tai của những con gái Cơ tu được trang trí bằng những đôi khuyên bằng vàng tây hay bằng bạc duyên dáng.

 

Bài và ảnh: Khánh Loan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN