Là tỉnh có nghề trồng nấm phát triển, đứng đầu cả nước với gần 3.000 hộ trồng nấm, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 35.000 tấn nấm tươi các loại, nhưng nghề sản xuất nấm ở tỉnh Đồng Nai đang bị cạnh tranh gay gắt vì chưa có được thương hiệu riêng. Trước yêu cầu đó, các ngành chức năng trong tỉnh đang triển khai sản xuất nấm theo hướng GAP, tiến tới xây dựng thương hiệu cho nấm Đồng Nai.
Nghề nấm phát triển nhanh
Đồng Nai có 4 vùng nổi tiếng với nghề trồng nấm, gồm: Long Khánh, Xuân Lộc, Trảng Bom và Nhơn Trạch, hàng năm sản xuất ra gần 10 loại nấm phục vụ nhu cầu thị trường như nấm mèo, bào ngư trắng, xám, bào ngư Nhật và nấm rơm. Vào chính vụ thu hoạch gần Tết Nguyên đán, giá các loại nấm đều đồng loạt tăng, bởi vậy, mặc dù chi phí đầu vào cũng khá cao nhưng người trồng nấm ở Đồng Nai năm nay vẫn có lãi.
Chăm sóc nấm mèo ở xã Sông Trầu, Trảng Bom, Đồng Nai. |
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phòng kinh tế (TX Long Khánh) cho biết, nghề trồng nấm mèo ở Long Khánh đã có từ trước những năm 80, đến nay, hầu hết các xã đều có nuôi trồng nấm. Trong đó, các phường đang phát triển mạnh nghề trồng nấm và có quy mô tương đối lớn là phường Xuân Thanh, Xuân An, Bảo Vinh, Bảo Quang, Bình Lộc, Bàu Trâm… Cùng với việc phát triển trồng nấm, nhiều hộ đã chuyển sang sản xuất “meo” giống để chủ động nguồn giống.
Đến nay, Long Khánh đã có 2 công ty TNHH, 1 HTX, 6 tổ hợp tác và gần 350 hộ nuôi trồng, chế biến và kinh doanh các loại nấm. Sản lượng hàng năm cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu khoảng 3.000 tấn nấm mèo và 2.200 tấn nấm rơm. Việc trồng và kinh doanh nấm đã tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 3.000 lao động. Theo anh Nguyễn Thanh Năm, thành viên Ban điều hành Tổ hợp tác nấm mèo phường Xuân Hòa (TX Long Khánh ), cơ sở của anh mỗi ngày sản xuất từ 3.000 – 4.000 bịch, với giá nấm hiện tại là 55.000 đồng/kg, tuy chi phí đầu vào và nhân công tương đối cao, nhưng cũng đảm bảo để duy trì sản xuất.
Để chủ động làm ra những sản phẩm có đủ sức cạnh tranh trên thị trường, trại nấm Công Thành ở thị xã Long Khánh do anh Bùi Quang Trung làm chủ cũng đã chuyển thành Công ty TNHH sinh học Công Thành, với 5 trại nấm quy mô 17 ha. Ngoài trang bị một phòng sản xuất giống có qui mô, mỗi ngày công ty còn sản xuất trên 40.000 bịch phôi/ngày. Để hiện đại hóa các công đoạn sàng mùn, trộn mùn, đóng bịch, anh Trung đã tìm hiểu, mua nhiều máy móc thiết bị trong và ngoài nước để cải tiến các công đoạn thủ công. Cho đến nay, công ty đã có 5 bộ máy xử lý tự chế, đóng bịch, sàng lọc.
Xây dựng thương hiệu
Mặc dù việc trồng nấm ở các địa phương trong tỉnh khá phát triển nhưng vẫn chưa hình thành được các khu nuôi trồng, sản xuất và chế biến tập trung, đặc biệt là chưa xây dựng được thương hiệu nấm Đồng Nai nên sức cạnh tranh thấp, hiệu quả chưa cao.
Ông Lê Duy Thắng (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM), người có nhiều năm nghiên cứu về nghề trồng nấm ở Đồng Nai đã chỉ ra những tồn tại lớn trong việc nuôi trồng và sản xuất nấm ở Đồng Nai. Đó là, điều kiện sản xuất giống hiện nay ở các hộ dân còn khá thô sơ nên chất lượng và năng suất nấm không ổn định. Người sản xuất chưa áp dụng kỹ thuật vô trùng nghiêm ngặt, đảm bảo cung cấp cho thị trường những giống nấm thuần khiết, sạch bệnh và chất lượng ổn định.
Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao phải xây dựng được khu sản xuất giống thuần khiết, đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, quy trình sản xuất nấm trong tỉnh hiện nay tuy đã phát triển ở quy mô lớn, đã cơ khí hóa nhiều khâu trong làm phôi và nuôi trồng, nhiều cơ sở đã làm ra hàng chục ngàn bịch phôi mỗi ngày, song sản xuất vẫn chưa đi vào tiêu chuẩn hóa, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng đến thu hái, bảo quản. Do đó, để hướng tới phát triển bền vững, nâng cao giá trị nấm Đồng Nai thì việc định hướng sản xuất nấm theo GAP và xây dựng thương hiệu là hết sức cần thiết.
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, thời gian qua thông qua các chương trình, đề tài, dự án, sở đã phối hợp với một số địa phương như huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú… hỗ trợ nông dân xây dựng nhà ươm để phát triển nghề trồng nấm. Trong thời gian tới, tiếp tục phối hợp với Long Khánh, Xuân Lộc sẽ triển khai tổ chức cho nông dân sản xuất nấm theo hướng GAP, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nấm Đồng Nai.
Hiện Đồng Nai đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nghề nấm, phấn đấu năm 2012 toàn tỉnh sẽ đạt sản lượng 50.000 tấn nấm, doanh thu 5.000 tỷ đồng/năm. Theo các chuyên gia, với thế mạnh của một tỉnh có phong trào trồng nấm phát triển hàng đầu cả nước, việc xây dựng thương hiệu nấm Đồng Nai phải nhanh chóng thực hiện nếu không về lâu dài sẽ gây khó khăn cho người trồng nấm.
Lê Hiền - T.Cảnh